CEO chuỗi cửa hàng tiện lợi Nhật Bản và câu chuyện phát miễn phí lương thực cứu trợ
Hạnh Chi -
17/07/2021 08:28 (GMT+7)
(VNF) - Cùng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch hay những thảm hoạ thiên nhiên nhưng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng tái cơ cấu tổ chức, bán đúng giá hoặc thậm chí giảm giá để hỗ trợ người dân đi qua khó khăn và Lawson là một ví dụ điển hình.
Giáo sư Hirotaka Takeuchi của trường đại học Harvard đã có bài phân tích về các doanh nghiệp Nhật Bản khi họ sẵn sàng hy sinh lợi ích ngắn hạn để đầu tư cho cộng đồng và đạt được mục tiêu dài hơi.
Ông cho biết: "Rất nhiều công ty hiện nay chỉ nghĩ ngắn hạn vì lợi ích của cổ đông, các kế hoạch của họ chỉ trong vòng 5 năm. Thế nhưng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có tầm nhìn đến 100-200 năm sau". Một trong những doanh nghiệp tiêu biểu mà ông nhắc tới là Lawson.
Về Lawson
Được biết đến là chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn thứ hai tại Nhật Bản, Lawson được thành lập từ năm 1939. Đến nay, Lawson vận hành hơn 14.000 cửa hàng ở tất cả các tỉnh của Nhật Bản và các nước như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Hawaii.
Từ năm 2002, ông Takeshi Niinami trở thành chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Lawson sau khi bắt đầu sự nghiệp tại bộ phận sản phẩm chất làm ngọt của Tập đoàn Mitsubishi. Dưới sự lãnh đạo của ông, Lawson đã tăng lợi nhuận hoạt động trong 8 năm liên tiếp.
Tinh thần đáng nể của Lawson sau thảm hoạ kép 2011
Đó là khi Nhật Bản bị tấn công bởi một trong những thảm hoạ kép mạnh nhất lịch sử loài người. Nhà cửa đổ sập, tàu thuyền bị cuốn lên đất liền, đường xá ngập trong bùn đất và mảnh vỡ. Những trận động đất và các đợt sóng thần có sức hủy diệt ghê gớm nhấn chìm bờ biển cùng nhiều khu vực ở nước này.
Tuy nhiên, chính sự kiện đau lòng này lại mang đến ý nghĩa mới cho vai trò quan trọng của các cửa hàng tiện lợi trong nền kinh tế Nhật Bản.
Nhiều người dân đã rất bất ngờ khi sự cứu trợ đầu tiên đến một số khu vực bị tàn phá lại là những chiếc xe tải giao hàng của cửa hàng tiện lợi Lawson, thay vì xe của lực lượng cứu trợ nhà nước. Tự Lawson gánh trên vai trọng trách vốn không phải của mình là nuôi sống và cung cấp nhu yếu phẩm cho hàng trăm nghìn người Nhật bị ảnh hưởng mà họ có thể tiếp cận.
CEO Niinami của chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn thứ hai tại Nhật Bản cho biết: "Trong 10 ngày đầu tiên, rất khó để các cơ quan nhà nước tiếp cận khu vực thảm hoạ. Lawson chúng tôi đã có thể cung cấp viện trợ một cách suôn sẻ và có hệ thống hơn".
Bên cạnh đó, cách thức thu thập thông tin của Lawson cũng cho thấy sự hiệu quả cao. Ông Niinami chia sẻ: "Chúng tôi sử dụng xe máy vì đường xá bị phá hủy và không có đường cao tốc. Đó là lựa chọn hiệu quả nhất để đi lại và giúp công ty thu thập thông tin về người dân trong khu vực. Tôi nghĩ thông tin chúng tôi nhận được đúng hơn thông tin mà chính quyền thu thập".
Trong suốt giai đoạn khó khăn nhất của đợt sóng thần 2011, Lawson Nhật Bản đã đưa 200.000 suất ăn đến cho những người bị nạn. Không dừng lại ở đó, công ty còn chăm sóc 13 nhân viên trong vùng bị thiên tai, bản thân CEO Niinami theo dõi sát sao việc bố trí chỗ ăn ở cũng như đảm bảo những người nay không phải lo về tài chính.
Thực tế, 20 cửa hàng Lawson, nhiều nhà máy và trung tâm phân phối ở phía đông bắc nước Nhật đã bị phá huỷ hoặc hư hại nặng do trận thảm hoạ. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng của công ty ở các khu vực khác vẫn còn nguyên vẹn đã hành động ngay lập tức và có hiệu quả mặc dù phải đối mặt với sự gián đoạn lớn trong hoạt động kinh doanh của chính mình. Đó là điều mà mọi người dân Nhật Bản đều được chứng kiến.
Mặc dù Tokyo mới là thị trường lớn nhất của Lawson nhưng CEO Niinami lại quyết định dồn hàng cho các siêu thị vùng thiên tai. Ông tiếp tục mở cửa các siêu thị Lawson tại đây với đầy đủ nhu yếu phẩm.
Trong khi giám đốc điều hành Niinami làm việc ở trụ sở Tokyo, ông không thể đưa ra những quyết định chính xác, kịp thời, do đó mọi quy cách hoạt động cứu trợ đều do những người quản lý khu vực của Lawson quyết định. Sau trận thảm hoạ kép, nền văn hóa quản lý được thiết lập một cách tự chủ như của Lawson đã được chứng minh là một nền văn hoá doanh nghiệp hoàn hảo.
Ông Niiami cho biết: "Trong những thời điểm bất thường, những người quản lý phải tự đưa ra quyết định. Họ đã làm rất tốt công việc của mình".
Khi CEO Niinami nhận được bằng tuyên dương của trường tiểu học SomaCity vì Lawson đã phát miễn phí bữa ăn cho các cháu nhỏ trong 3 ngày cho đến khi đội cứu trợ đến được đây, vị lãnh đạo này đã bật khóc bởi ông chưa hề ra quyết định này mà đó hoàn toàn là ý thức tự giác, quán triệt tư tưởng vì cộng đồng của những quản lý và nhân viên Lawson nơi đây.
Ánh hào quang xứng đáng cho Lawson
Phản ứng nhanh chóng của Lawson đối với người dân sau thảm họa đã chứng tỏ họ không chỉ là một chuỗi cửa hàng tiện lợi. Những người sống sót cảm thấy biết ơn vì Lawson đã nhanh chóng đến hiện trường với các nhu yếu phẩm thiết yếu.
Sau đó, hành vi của người tiêu dùng trong các khu vực khác cũng có sự thay đổi. Nhiều người vốn chỉ mua sắm tại các siêu thị lớn nay đã xuất hiện ở các cửa hàng tiện lợi địa phương. Các bà nội trợ và người cao tuổi, những người có thói quen đi chợ mua đồ tươi sống cũng lựa chọn bước vào các cửa hàng tiện lợi. Lawson cũng nhanh chóng cung cấp nhiều hơn các mặt hàng tươi sống để đảm bảo nhu cầu sử dụng.
Chia sẻ về thành công bất ngờ của công ty sau trận đại thảm hoạ, CEO Niinami cho biết Lawson tự hào khi có thể góp một phần công sức trong việc cứu trợ những người sống sót và hy vọng tinh thần này cũng sẽ lan toả tới mọi nhà cung cấp toàn cầu.
(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.