Bộ Tài chính muốn kiểm soát chặt các chỉ tiêu, bảo đảm an toàn nợ công

Thùy Dương - 02/12/2019 06:55 (GMT+7)

Bộ Tài chính dự kiến đến cuối năm 2019 các chỉ tiêu nợ so với GDP duy trì trong các ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép và tiếp tục có xu hướng giảm như năm 2018.

VNF
Do ngân sách yêu cầu lớn, Việt Nam vẫn phải bội chi và nợ công, nhưng tốc độ tăng vay đã giảm hơn một nửa.

Thâm hụt ngân sách Nhà nước vẫn ở mức cao, nhu cầu đầu tư từ nguồn vốn vay công cho các chương trình, dự án phát triển kinh tế ngày càng gia tăng là nguyên nhân chính dẫn đến nợ công tăng nhanh, dần tiến sát ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Theo ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), quy định của Luật Quản lý nợ công cũng như thông lệ quốc tế, sự an toàn của nợ công được đánh giá dựa trên một số chỉ tiêu cụ thể; trong đó quan trọng nhất là quy mô nợ công/GDP và khả năng trả nợ.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, do ngân sách yêu cầu lớn, Việt Nam vẫn phải bội chi và nợ công, nhưng tốc độ tăng vay đã giảm hơn một nửa. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2019 tốc độ tăng nợ công chỉ ở mức hơn 8%, trong khi giai đoạn 2011 - 2015 là 18,6% cao gấp 3 lần so với tăng trưởng kinh tế.

Do đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tỷ lệ nợ công so với GDP các năm qua đều đạt kế hoạch và giảm rất sâu. Năm 2016, tỷ lệ nợ công là 63,3% GDP, nhưng đến năm 2019 dự kiến là 56,1% GDP và năm 2020 ước chỉ còn khoảng 54,3% GDP.

Đặc biệt, cùng với sự phát triển của thị trường tài chính, thời gian qua ngành tài chính đã nỗ lực trong cơ cấu lại nợ công. Nợ công chủ yếu là trái phiếu Chính phủ vay trong nước, giai đoạn trước vay nước ngoài chiếm hơn 60%/GDP, nhưng nay chỉ còn 39%/GDP và vay trong nước là 61%/GDP. Kỳ hạn vay giai đoạn 2012 - 2013 bình quân trên 3 năm (vay trong nước), đến giai đoạn hiện nay đã kéo dài trên 13 năm.

"Trong đó lãi suất vay đã giảm sâu. Nếu như những năm 2011 - 2013 có những khoản vay lãi suất từ 12 - 13%/năm, kỳ hạn vay 3 năm thì đến năm 2017 - 2019 vay bình quân đã lên đến 12 - 13 năm, nhưng lãi phải trả là 4,6 - 4,7%/năm. Đây là kết quả rất tốt", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Bộ Tài chính cũng dự kiến đến cuối năm 2019 các chỉ tiêu nợ so với GDP duy trì trong các ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép và tiếp tục có xu hướng giảm như năm 2018. Điều này căn cứ trên tình hình cân đối ngân sách Nhà nước diễn biến thuận lợi, qua đó giảm nhu cầu huy động vốn của Chính phủ để bù đắp bội chi cho đầu tư phát triển, siết chặt bảo lãnh Chính phủ cho doanh nghiệp vay và mức bảo lãnh phát hành cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam thấp hơn nợ gốc đến hạn, dẫn đến dư nợ bảo lãnh Chính phủ tiếp tục giảm trong năm 2019...

Song theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, mặc dù tỷ lệ nợ công so với GDP đã có xu hướng giảm, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, còn một số vấn đề thực tế đặt ra có tác động đến sự an toàn của nợ công tại Việt Nam. Trường hợp giải ngân vốn vay theo đúng kế hoạch thì nợ công có thể tăng thêm từ 1,7-1,8% GDP. Bên cạnh đó, việc xử lý tài chính một số doanh nghiệp nhà nước, cam kết bảo lãnh của Chính phủ đối với một số dự án quan trọng như nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Vinashin... sẽ tác động không nhỏ đến ngân sách, nợ công.

Ngoài ra, nghĩa vụ trả nợ của ngân sách đang ngày càng tăng làm gia tăng áp lực trả nợ trong thời gian tới. Theo ông Võ Hữu Hiển, nhiều khoản vay trong nước cơ bản sẽ đến hạn sau 5 năm vay, tức là các năm 2020-2021 tới đây. Một số khoản vay ODA, kể cả có lãi và không lãi cũng đến hạn phải trả nợ gốc vào năm 2020...

Ông Võ Hữu Hiển cho biết, việc Việt Nam tốt nghiệp vốn vay ưu đãi dành cho các nước nghèo và kém phát triển của Hiệp hội Phát triển quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới (IDA) kể từ năm 2017, dẫn đến các chỉ tiêu chi phí - rủi ro danh mục nợ Chính phủ, đặc biệt là nợ nước ngoài, có xu hướng kém thuận lợi hơn trước đây. 

Trong bối cảnh cân đối ngân sách cho chi trả nợ còn nhiều khó khăn, đồng thời, để phòng ngừa rủi ro thanh khoản cho danh mục nợ công, trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường để triển khai các phương án mua lại, hoán đổi trái phiếu Chính phủ đáo hạn trong các năm 2020 và 2021 tại các thời điểm trung - dài hạn.

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, lũy kế 9 tháng năm 2019, tổng trả nợ của Chính phủ khoảng 237.470 tỷ đồng, bằng 71,3% kế hoạch năm; trong đó trả nợ trong nước khoảng 196.281 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 41.189 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đánh giá về tình hình trả nợ của Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, việc thực hiện nghĩa vụ trả các khoản trả gốc, lãi của Chính phủ nằm trong mức đã được phê duyệt, đảm bảo đầy đủ, đúng hạn theo cam kết.

Khẳng định rõ hơn việc này, ông Võ Hữu Hiển thông tin, chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ so với thu ngân sách nhà nước được duy trì ở mức hợp lý. Đến cuối năm 2018 đạt khoảng 15,9%, thấp hơn ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép là mức 25%. 

Để đạt được kết quả này, Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện linh hoạt hàng loạt các biện pháp tái cơ cấu nợ trái phiếu Chính phủ trong nước và quốc tế trong thời gian qua để giảm đỉnh nợ, không để nghĩa vụ trả nợ tập trung quá nhiều vào một năm, giảm áp lực cân đối nguồn của ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính cũng chủ động phát hành trái phiếu quốc tế mới để mua lại nợ gốc 2 khoản trái phiếu quốc tế đã phát hành trong các năm 2010 và năm 2005, giãn nghĩa vụ trả nợ gốc cho ngân sách khi đến hạn trái phiếu quốc tế vào năm 2015 và 2020.

Theo Bộ Tài chính, việc quản lý nợ công và tái cơ cấu nợ công từ nay đến cuối giai đoạn 2020 và giai đoạn 5 năm tiếp theo cần được tiếp tục triển khai đồng bộ với việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh; trong đó, có cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đầu tư công, khu vực doanh nghiệp nhà nước, hệ thống các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng.

Bộ sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ. Việc nghiên cứu, đề xuất các ngưỡng an toàn nợ cho giai đoạn 5 năm tới cần được đánh giá hết sức thận trọng, không chỉ tập trung vào quy mô nợ so với GDP mà còn phải phù hợp với khả năng chi trả nợ của ngân sách nhà nước, ưu tiên tạo thêm dư địa để bố trí nguồn lực ngân sách cho đầu tư phát triển.

Đồng thời, Bộ sẽ thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đầu tư công, giao vốn, đấu thầu; điều chỉnh kế hoạch vốn, mua sắm, bố trí vốn đầu tư…, qua đó thúc đẩy đầu tư công, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn; trong đó có vốn vay.

Bên cạnh đó, Bộ cũng thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước, thị trường trái phiếu Chính phủ cả về chiều rộng và chiều sâu theo hướng đa dạng hóa công cụ nợ và mở rộng cơ sở nhà đầu tư, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn; đồng thời thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn, thị trường trái phiếu. 

Việc kiểm soát chặt chẽ thực hiện hạn mức nợ nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, bảo đảm trong hạn mức được phê duyệt, đặc biệt là các khoản nợ ngắn hạn cũng được Bộ Tài chính chú trọng.

Theo TTXVN
Cùng chuyên mục
Tin khác