Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: 'Bội chi ngân sách chỉ còn ở mức 3,6% GDP trong giai đoạn 2016-2020'

Yến Thanh - 27/01/2021 12:21 (GMT+7)

(VNF) - Trong tham luận trình bày tại Đại hội Đảng sáng 27/1, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói Việt Nam đã giảm bội chi ngân sách nhà nước từ mức bình quân 5,4% GDP giai đoạn 2011-2015 về mức 3,6% GDP giai đoạn 2016-2020, vượt mục tiêu đề ra (4% GDP).

VNF
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Sáng nay (27/1), Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đọc tham luận về các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Trong bài tham luận, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh 6 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính trong giai đoạn 2021-2025, chiến lược 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ nhất là tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện chính sách huy động. Phát triển hệ thống thu hiện đại, phù hợp với trình độ phát triển, hội nhập và thông lệ quốc tế, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, hiện đại, thuận tiện; tạo điều kiện khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; điều tiết thu nhập hợp lý; đồng thời tăng tính bền vững, bảo đảm nguồn thu đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.

Thứ hai, tăng cường quản lý ngân sách nhà nước, triển khai đồng bộ, hiệu quả các kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch vay - trả nợ công 5 năm và kế hoạch đầu tư công 5 năm; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách và nợ công, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tăng cường ổn định vĩ mô vững chắc, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia.  

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công, từng bước cải thiện dư địa chính sách tài khóa. Đẩy mạnh cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước trên cơ sở phân định rõ vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường. Tiếp tục phát triển lành mạnh các thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, các dịch vụ tài chính để huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ tư, quyết liệt thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 18, số 19 Khoá 12 về tinh gọn bộ máy nhà nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả bộ máy hành chính, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, đồng thời cơ cấu lại căn bản chi ngân sách nhà nước.

Thứ năm, khẩn trương hoàn thiện cơ chế về đổi mới nâng cao hiệu quả doanh nghiệp; phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước, tập trung vào các doanh nghiệp nhà nước có vị trí quan trọng, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; cơ cấu lại, phát triển   các doanh nghiệp này theo cơ chế thị trường, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, công khai, minh bạch, giám sát an toàn khu vực tài chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng Chính phủ điện tử, chính phủ số ở những lĩnh vực tài chính quốc gia, tài chính công trọng yếu (ngân sách nhà nước, thuế, hải quan, chứng khoán, quản trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp…).

Bộ trưởng cho hay trong nhiệm kỳ vừa qua mặc dù liên tục thực hiện điều chỉnh giảm nghĩa vụ thu, cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do, xóa bỏ các khoản phí, lệ phí không phù hợp, nhưng tổng thu ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 vẫn vượt mục tiêu đề ra và đạt khoảng 6,9 triệu tỷ đồng, tương ứng trên 25% GDP, vượt mục tiêu đề ra.   

Cơ cấu thu đã dịch chuyển theo hướng bền vững hơn, phù hợp với trình độ phát triển và hội nhập của nền kinh tế, tăng tỷ trọng thu nội địa từ mức bình quân 68,7% giai đoạn 2011-2015 lên mức 82% giai đoạn 2016-2020 và đến năm 2020 đạt mức 85,5%; giảm tỷ trọng thu từ xuất nhập khẩu và dầu thô.

Thu ngân sách địa phương có xu hướng tăng, từ mức 37,4% tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015 lên mức 45% giai đoạn 2016-2020, đã tăng cường khả năng tự chủ cho địa phương. Đến năm 2020, đã có 30/63 địa phương có quy mô thu ngân sách nhà nước trên 10 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2016 (15 địa phương); đồng thời, số địa phương có quy mô thu dưới 5 nghìn tỷ giảm hơn 1 nửa, từ 37 địa phương năm 2016 xuống còn 16 địa phương năm 2020.

Trong khi đó, chi ngân sách được kiểm soát chặt chẽ, tăng hiệu quả và thực hiện cơ cấu lại, ưu tiên nguồn lực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các đột phá chiến lược của nền kinh tế về hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.

Tăng tỷ trọng bố trí chi đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020, bình quân đạt 28-29% tổng chi ngân sách nhà nước, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 63% tổng chi ngân sách nhà nước, vượt mục tiêu đề ra, trong khi vẫn đảm bảo nguồn thực hiện cải cách tiền lương công chức, viên chức, lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công; thực hiện chuẩn nghèo đa chiều, tăng diện bao phủ bảo hiểm y tế, phát triển hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội...

Về cân đối ngân sách nhà nước, đã giảm bội chi ngân sách nhà nước từ mức bình quân 5,4% GDP giai đoạn 2011-2015 về mức 3,6% GDP giai đoạn 2016-2020, vượt mục tiêu đề ra (4% GDP).

Về quản lý nợ công, đã hoàn thiện thể chế, phát triển hệ thống các công cụ quản lý nợ công như Chiến lược nợ công 10 năm, kế hoạch vay trả nợ công 5 năm, 3 năm và hàng năm...; đảm bảo quản lý chủ động, an toàn, bền vững...

"Những kết quả tích cực từ việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công giai đoạn 2016-2019 đã tạo dư địa quan trọng cho chính sách tài khóa, nên trong năm 2020 mặc dù kinh tế khó khăn do tác động nghiêm trọng của thiên tai, dịch bệnh, thu ngân sách sụt giảm, nhưng chúng ta vẫn chủ động nguồn xử lý được các vấn đề cấp bách phát sinh, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế, như thực hiện gia hạn cho khoảng 185 nghìn lượt người nộp thuế và thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho khoảng trên 6 triệu người nộp thuế, với tổng kinh phí khoảng 130 nghìn tỷ đồng, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo quốc phòng, an ninh", ông Dũng nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.