Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: "Việc sáp nhập các Bộ hiện chưa bàn đến"

Hồng Minh - 04/11/2017 07:51 (GMT+7)

(VNF) - Trao đổi với báo chí sau cuộc họp báo thường kỳ chiều 3/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VP Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết việc sáp nhập các Bộ hiện nay chưa bàn đến...

VNF
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VP Chính phủ Mai Tiến Dũng: "Việc sáp nhập các Bộ hiện chưa bàn đến"

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiềuy 3/11, chủ trương hợp nhất, sáp nhập một số Bộ ngành và cơ quan có chức năng tương đồng được nêu ra. Về vấn đề "sáp nhập các Bộ" đang được dư luận quan tâm, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 26/10/2017, Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị, với tinh gọn, hiệu quả đã được ban hành. 

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, chủ trương trên sẽ được thực hiện trên tinh thần tinh giản biên chế, tinh giản bộ máy và tinh giản đầu mối. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết việc sáp nhập các Bộ thì hiện nay chưa bàn đến; còn ở cấp tỉnh hiện nay có thể xem xét sáp nhập Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đầu tháng tới, Chính phủ sẽ ban hành chương trình hành động cụ thể về vấn đề này.

Xem thêm: 'Tách nhập bộ phải có cơ sở khoa học, không thể nay nhập mai tách'

Cũng tại họp báo Chính phủ, trả lời câu hỏi về việc đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị hợp nhất một số bộ có nhiệm vụ và chức năng tương đồng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết, Nghị quyết 18 ngày 25/10, Hội nghị Trung ương 6 về một số vấn đề đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nêu rõ việc thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ, có nhắc đến các ngành: Giao thông, tài chính, kế hoạch và đầu tư, tôn giáo, dân tộc...

Theo ông Cường, Bộ Nội vụ được Thủ tướng giao trong thời gian tới làm chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương này. Theo đó, Bộ Nội vụ cũng căn cứ Nghị quyết 18, có những nội dung làm ngay, có những nội dung cần nghiên cứu định hướng làm thí điểm.

Trước đó, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng nếu làm mạnh việc sáp nhập các tỉnh ít dân và các bộ có nhiệm vụ tương đồng sẽ giảm được tối thiểu 10 tỉnh và 3 bộ so với hiện nay.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất các tỉnh dân số thấp, từ 700.000 – 800.000 dân trở xuống thì có thể sáp nhập vào nhau. Sau sáp nhập tỉnh thì sẽ xem xét đến việc hợp nhất các bộ có chức năng nhiệm vụ tương đồng nhau.

"Theo tính toán của tôi, sau khi sáp nhập có thể giảm ít nhất 10 tỉnh có quy mô dân số thấp, và có thể giảm được 3 – 4 bộ có nhiệm vụ tương đồng", ông Hòa nói. Về mặt lợi ích, ông Hòa cho rằng việc sáp nhập sẽ giúp tinh giản biên chế với số lượng rất lớn.

Nếu sáp nhập sẽ giảm được 10 tỉnh và 3 bộ

Cùng chuyên mục
Tin khác