Tiêu điểm

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa: Nếu sáp nhập sẽ giảm được 10 tỉnh và 3 bộ

(VNF) – Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng nếu làm mạnh việc sáp nhập các tỉnh ít dân và các bộ có nhiệm vụ tương đồng sẽ giảm được tối thiểu 10 tỉnh và 3 bộ so với hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa: Nếu sáp nhập sẽ giảm được 10 tỉnh và 3 bộ

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa

Trả lời báo chí bên lề hành lang Quốc hội ngày 31/10, ông Phạm Văn Hòa cho rằng việc sáp nhập ban đầu có thể làm xáo trộn về tổ chức bộ máy, nhưng sau khoảng 1 năm sẽ đi vào nền nếp và hoạt động bình thường. Điều quan trọng nữa là khi sáp nhập sẽ mang lại hiệu quả về tinh giản biên chế, giảm chi thường xuyên.

Về cách làm cụ thể, ông Hòa đề xuất các tỉnh dân số thấp, từ 700.000 – 800.000 dân trở xuống thì có thể sáp nhập vào nhau. Sau sáp nhập tỉnh thì sẽ xem xét đến việc hợp nhất các bộ có chức năng nhiệm vụ tương đồng nhau.

"Theo tính toán của tôi, sau khi sáp nhập có thể giảm ít nhất 10 tỉnh có quy mô dân số thấp, và có thể giảm được 3 – 4 bộ có nhiệm vụ tương đồng", ông Hòa nói.

Phân tích về mặt lợi ích, ông Hòa cho rằng việc sáp nhập sẽ giúp tinh giản biên chế với số lượng rất lớn. Bởi lẽ sau khi sáp nhập sẽ giảm nguyên bộ máy một tỉnh, rất nhiều sở, ban, ngành, cấp huyện, xã. Qua đó có thể giảm chi thường xuyên hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm với một tỉnh.

"Chúng ta có thể dùng số tiền tiết kiệm đó để đảm bảo an sinh xã hội, đầu tư hạ tầng cho những nơi đang bị yếu kém và như thế là người dân hưởng lợi", ông Hòa cho hay.

Tiên liệu về các khó khăn, ông Hòa cho rằng cái khó nhất là vấn đề con người. "Ngoài chức quyền rồi còn phải tinh giản một số lượng rất lớn con người nằm trong bộ máy, mà chúng ta biết rằng đụng đến con người thì rất nhạy cảm, nhiều tâm tư".

Bên cạnh đó là cái khó về địa bàn quản lý. Nhiều nơi có địa hình đồi núi, phức tạp, "quản lý rộng như thế chắc cũng khó khăn", ông nói.

Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng về lâu dài phải thực hiện việc sáp nhập. "Phải có lộ trình và tính toán thật kỹ, có đề án kế hoạch cụ thể. Đồng thời phải lấy ý kiến rộng rãi trong dân, trong đội ngũ công chức, viên chức để tạo ra sự đồng thuận" – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp kết luận.

Tin mới lên