Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: ‘Cách mạng công nghiệp 4.0 là thời cơ ngàn năm có một’

Thụy Khanh - 13/02/2018 14:31 (GMT+7)

(VNF) – "Tôi cho rằng đây là thời cơ ngàn năm có một đối với nước ta, bởi với các cuộc cách mạng khác, chúng ta đã chậm quá nhiều so với các nước. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không phải mới tinh nhưng cũng chưa phải là quá gấp. Nó cho phép chúng ta chậm 2 – 3 năm", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.

VNF
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Chúng ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí đầu năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay sau nhiều năm, Việt Nam đã hoàn thành tất cả các chỉ tiêu kinh tế xã hội một cách rất tốt. "Cái tốt thể hiện ở 3 điểm: một là cao, hai là toàn diện, ba là là đều khắp trong tất cả ngành nghề và chúng ta nhìn thấy được cái thực chất của sự tăng trưởng, qua tất cả các con số, chỉ tiêu", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng qua các kết quả đạt được, qua APEC, qua hội nhập, có thể thấy tầm vóc, vị thế và uy tín của đất nước đang được nâng lên rất nhiều.

"Chưa bao giờ nền kinh tế của chúng ta có quy mô tốt như thế. Chưa bao giờ vị thế của chúng ta trong khu vực và trên trường quốc tế tốt như thế. Chưa bao giờ chúng ta có một uy tín tốt như thế. Mà tất cả những cái này đều được quốc tế đánh giá chứ không phải ‘con hát mẹ khen hay’ hay ‘tự túm tóc mình lôi lên’.

"Cái đấy cho thấy chúng ta đã vượt qua được một giai đoạn khó khăn. Và đã có thể coi rằng chúng ta đang bắt đầu một nhịp tăng trưởng mới hay một giai đoạn phát triển mới mà ở đó, chúng ta đang ở vị trí tốt. Chúng ta tự tin, chúng ta bước tiếp và chúng ta làm tiếp để đạt được những kết quả cao hơn, chất lượng hơn", Bộ trưởng nhận đinh.

Theo Bộ trưởng, niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với Nhà nước, đối với sự điều hành của Chính phủ đã thật sự được cải thiện rất cao trong năm qua.

"Tôi cho đó là điều hết sức quan trọng, vì nếu không có niềm tin đó thì chúng ta không thể nào quy tụ được tất cả nguồn lực, trí lực và sức lực của dân tộc cho phát triển. Năm nay chúng ta lấy được lòng tin đó", Bộ trưởng nhấn mạnh.

2018 là năm tranh thủ thời cơ

Chia sẻ về tầm nhìn năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng: "Chúng ta đang có thời cơ rất tốt cho phát triển và chúng ta phải nắm lấy thời cơ ấy để tăng tốc".

"Nếu được chọn khẩu hiệu cho năm 2018, tôi muốn dùng mấy chữ ‘nắm lấy thời cơ’, ‘tranh thủ thời cơ’. Tôi đã ý thức được năm 2018 là năm chúng ta cần phải tập trung, cần phải tăng tốc, cần phải đạt được những kết quả cao hơn nữa", Bộ trưởng nói thêm.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam đang có 3 thuận lợi trong năm 2018. Một là những kết quả đat được trong năm 2017 sẽ theo đà để tiếp diễn sang năm 2018. Hai là các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng và Chính phủ đang cho thấy tính đúng đắn khi đi vào cuộc sống. Ba là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra.

"Tôi cho rằng đây là thời cơ ngàn năm có một đối với nước ta, bởi với các cuộc cách mạng khác, chúng ta đã chậm quá nhiều so với các nước. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không phải mới tinh nhưng cũng chưa phải là quá gấp. Nó cho phép chúng ta chậm 2 – 3 năm.

"2 – 3 năm đấy là thời gian để chúng ta tiếp cận và tận dụng nó để thu hẹp khoảng cách phát triển. Lần này nếu chúng ta không nắm được cơ hội như vậy, chúng ta sẽ tụt hậu ngày càng xa. Khả năng rút ngắn khoảng cách ngày càng khó khăn hơn.

"Thời cơ tốt như vậy, chúng ta phải cùng nhau nỗ lực, phấn đấu với một tinh thần chung tay, đồng lòng để góp phần tạo ra kết quả to lớn hơn nữa trong năm 2018", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo Bộ trưởng, 2018 là năm rất quan trọng để hoàn thành kế hoạch 5 năm (2016 – 2020) và chiến lược 10 năm (2011 – 2020).

"Nếu năm nay chúng ta làm tốt thì đấy sẽ là tiền đề tốt cho giai đoạn phát triển mới. Đừng quên, cuối năm nay, đầu năm sau chúng ta đã bắt đầu xây dựng chiến lược phát triển mới cho 10 năm tới", Bộ trưởng lưu ý.

Năm 2018 sẽ tập trung vào 3 khâu đột phá

Nói về định hướng năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc lại các nội dung đã được Chính phủ thống nhất trong Nghị quyết 01, đó là ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát; tâp trung làm rõ nét những nội dung trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện ba khâu đột phá chiến lược.

Bộ trưởng nhận định trong 3 khâu đột phá, thể chế có nhiều điểm chưa được hoàn thiện; hạ tầng phát triển chậm lại do chính sách, nguồn lực có hạn; nhân lực vẫn còn yếu kém.

"Mấy ngày nay, chúng ta đều biết vấn đề ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP. HCM và các thành phố lớn. Tôi đã chỉ đạo rà soát toàn bộ các công trình giao thông trong những năm qua xem công trình nào không phải cải tạo nâng cấp sau khi đi vào hoat động. Và tôi thấy rằng gần như không có nhà ga sân bay nào vừa xây dựng xong mà không phải cải tạo nâng cấp.

"Sân bay Cát Bi vừa khánh thành đã đề nghị nâng cấp; sân bay Nha Trang vừa làm xong lại đề nghị cấp 2 -3 lần rồi; nhà ga Tân Sơn Nhất từ khi giải phóng đến nay cải tạo 17 lần. Ở đây tôi muốn nói là tư duy, tầm nhìn, chúng ta có tầm nhìn ngắn quá, toàn là cơi nới, mở rộng.

"Pháp Vân - Cầu Giẽ 10 năm qua mở rộng 3 lần. Anh Chung (chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung - PV) nói với tôi: ‘dân nói với em trong 10 năm qua chặt nhà người ta 3 lần rồi’. Tư duy như thế làm thiệt hại cho đất nước không biết bao nhiêu tiền. Nhưng mất tiền ấy vẫn chưa nhiều bằng mất cơ hội phát triển. Nếu chúng ta có hệ thống giao thông tốt, chúng ta sẽ giải quyết được nhiều hơn, hiệu quả nền kinh tế sẽ cao hơn", Bộ trưởng nói.

Do vậy, theo Bộ trưởng, năm 2018, Chính phủ sẽ đẩy mạnh 3 khâu này. Nhất là nguồn nhân lực bởi "nếu chúng ta không biết tận dụng nguồn nhân lực dồi dào hiện tại, chúng ta lại đánh mất một cơ hội nữa".

"Lao động của ta rất nhiều nhưng số lao động có trình độ lại rất thấp; số qua đào tạo thì không ăn thua, không đáp ứng được. Người ta cần một đằng thì đào tạo một nẻo, không đào tạo theo yêu cầu mà đào tạo theo cái mình có. Tư duy kiểu như thế làm sao tận dụng được nguồn lực. Cách mạng công nghiệp 4.0 đấy nếu mình không làm nhanh, số thất nghiệp còn tăng lên", Bộ trưởng nhận xét.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và huy động các nguồn lực cho phát triển. Đây được xem là trọng tâm thứ 4 trong điều hành kinh tế của năm 2018.

Cùng chuyên mục
Tin khác