Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Các vùng bị sạt lở không có dự án thủy điện

Lê Nguyễn - 05/11/2020 19:55 (GMT+7)

(VNF) – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định một loạt khu vực diễn ra sạt lở thời gian qua đều không có dự án thủy điện.

VNF
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Các vùng bị sạt lở không có dự án thủy điện

Trả lời các đại biểu Quốc hội sáng 5/11, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng những sự cố lũ lụt, sạt lở đất thời gian qua là hệ quả của một tổ hợp các dạng thiên tai gồm: 4 cơn bão (trong đó cơn bão số 9 là mạnh nhất trong 20 năm qua) và vùng áp suất duy trì rất lâu ở miền Trung, tạo ra lượng mưa vượt qua các chỉ số đo lịch sử, trong đó có những ngày lượng mưa lên đến trên 500mm ở Quảng Nam.

Đáng chú ý, ông Hà cho biết các vùng sạt lở như: khu kiểm lâm 67 Phong Điền, Cha Lo, Minh Hóa; khu vực Binh đoàn 337 Hướng Hóa, Trà Leng, Trà Vân, Nam Trà My, Quảng Nam; Phước Lộc, Phước Sơn; vùng sạt lở Rào Trăng 3 đều là những khu vực ở độ cao từ 300m đến 900m.

“Nên nếu chúng ta kết luận là do thủy điện thì ở đây chưa có vấn đề do thủy điện. Thủy điện Trà Leng 3 hiện nay chưa xây dựng. Tôi muốn nói là chúng ta không nên đưa ra những suy đoán mà phải dựa trên cơ sở khoa học”, ông Hà nhấn mạnh nguyên do lũ lụt không phải do thủy điện.

Theo ông, nguyên nhân cơ bản nhất của hiện tượng này là toàn bộ khu vực nói trên nằm trong đứt gãy địa chất. Các đứt gãy này trong thời gian vừa qua đã có sự chà xát và tạo ra độ phong hóa từ 9m đến 16m. Độ phong hóa này đã tạo ra đất, cát, sét, sỏi với độ gắn kết rất thấp. Do địa hình đồi núi dốc, trọng lực trượt và độ dốc của sông suối đều theo hình chữ V, vì thế lượng đất cát này luôn luôn nằm trong một động thái địa chất kiến tạo, đó là đứt gãy do tai biến địa chất đã hình thành.

Quá trình địa chất đó làm cho đất đá bị nát vụn, cộng với lượng mưa lớn nên những khu vực này đều dẫn đến nguy cơ sạt lở. Lượng mưa 500mm/ngày cũng làm gia tăng trọng lực trượt của đất.

Đối với việc điều tiết lũ của các hồ chứa, ông Hà khẳng định mặc dù các hồ chứa miền Trung không có khả năng cắt lũ nhưng sự điều tiết là rất nhịp nhàng và chặt chẽ, khoa học. Tính ra, các hồ chứa đã cắt giảm được lũ ở phía dưới từ 30% đến 70%...

Cùng chuyên mục
Tin khác