'Các quốc gia nên chuẩn bị kỹ trước sự chuyển hướng của kinh tế toàn cầu'

Thanh Huyền - 27/02/2018 14:37 (GMT+7)

(VNF) - Tổng giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho biết, IMF nhận thấy nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ nhưng đang chuyển hướng với sự gia tăng rủi ro trong thương mại, chính sách tiền tệ và các thay đổi công nghệ.

VNF
Bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF

Theo Tổng giám đốc IMF, dự kiến ​​tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt 3,9% trong năm 2018 và 2019.

Điều này không thay đổi so với dự báo của IMF hồi tháng Giêng, và tăng từ 3,7% so với năm 2017. Bà cho biết các nước ASEAN đang chuẩn bị cho việc tăng lãi suất ở các nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ và Châu Âu. Ngoài ra, bà cũng khuyên các nhà hoạch định chính sách nên cảnh giác về ảnh hưởng của nó đối với ổn định tài chính và dòng vốn đầu tư nhiều biến động.

"Chúng tôi cho rằng điều này sẽ có tác động lan tỏa khắp thế giới, và nó đang tiến đến rất gần", Lagarde nói. "Hiện vẫn chưa rõ ràng sự chuyển đổi này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các quốc gia, công ty, việc làm, và các khoản thu nhập".

Các nước ASEAN cần nắm bắt các mô hình tăng trưởng mới nhấn mạnh hơn đến nhu cầu trong nước, thương mại khu vực và đa dạng hoá kinh tế. Ngoài ra, Đông Nam Á cũng cần chuẩn bị cho những thay đổi công nghệ như tăng cường tự động hóa nhà máy, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, công nghệ tài chính mới và tiền tệ kỹ thuật số.

Các quốc gia cần chuẩn bị cho các thay đổi công nghệ sẽ ảnh hưởng đến người lao động

Mặc dù xu hướng này có thể làm giảm bớt một số việc làm, nhưng điều quan trọng là các quốc gia nên quan tâm, tăng cường nỗ lực giáo dục nâng cao trình độ người lao động để sử dụng được các công nghệ mới.

Bà Lagarde cho biết thêm rằng không có một cách tiếp cận duy nhất cho tất cả các quốc gia, mà mỗi nước sẽ cần tạo ra con đường riêng của mình. Chẳng hạn như startup Go-Jek, một dịch vụ vận chuyển và chia sẻ xe gắn máy ở Indonesia, tương tự như Grab và Uber, là một ví dụ điển hình về sự đổi mới công nghệ theo tình hình nhu cầu và lực lượng lao động của đất nước.

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác