‘Các vị ơi, nếu có phong bì to nhỏ thì Tết nhất, để con cái mới học về trong sáng lấy vài năm’

Vĩnh Chi - 07/08/2019 14:13 (GMT+7)

(VNF) – Đó là chia sẻ của ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HNX: DGC) trước Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại hội nghị nâng cao năng suất lao động quốc gia tổ chức hôm 7/8.

VNF
Ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch DGC

Bàn về câu chuyện nâng cao năng suất lao động quốc gia, ông Đào Hữu Huyền cho rằng có hai yếu tố quan trọng là công nghệ và thể chế. Theo ông, đây là hai vấn đề cốt lõi vì “ngay cả nền kinh tế số cũng phải dựa trên sản xuất ban đầu của doanh nghiệp”.

Về công nghệ, ông Huyền cho hay bất kỳ một chủ doanh nghiệp nào cũng muốn có công nghệ cao, nhà máy xanh sạch, vắng bóng người nhưng thực hiện được điều này không hề đơn giản, không phải lĩnh vực nào cũng áp dụng được, chưa kể vấn đề người lao động.

Ông Huyền dẫn chứng DGC có tổ hợp chế biến apatit trên Lào Cai, doanh thu năm 2018 khoảng 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận 864 tỷ đồng. Tổ hợp có 1.500 lao động, như vậy bình quân 1 lao động làm ra 4 tỷ đồng. “Sở dĩ đạt cao như vậy vì chúng tôi đã áp dụng công nghệ từ nhiều năm nay”, ông Huyền nói.

Theo ông, khoảng 5 năm trước, DGC muốn nâng cấp công nghệ nhưng không thể mua được công nghệ của Nhật Bản. Công ty đã mày mò nghiên cứu làm axit phosphoric (axit phốt-pho-rích) điện tử, biết rằng Nhật Bản lấy phốt-pho vàng của Việt Nam làm ra axit phosphoric và axit phosphoric điện tử để bán cho Samsung.

“Lúc đầu mình cứ ngây thơ đến Samsung bảo tôi có cái này rồi, ông mua cho tôi đi. Nhưng không đơn giản như vậy. Người Hàn Quốc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau nên doanh nghiệp Việt Nam rất khó đi vào chuỗi của họ. Làm axit phosphoric điện tử giá cao gấp đôi axit phosphoric thực phẩm thông thường hiện nay. Hiện nay chúng tôi có nhà máy sản xuất 30.000 tấn axit phosphoric thực phẩm bán cho Ấn Độ, nhưng vào chuỗi của Nhật Bản hay Samsung thì không hề đơn giản”, ông Huyền cho hay.

Đề cập đến vấn đề chính sách, Chủ tịch DGC nhấn mạnh muốn nâng cao năng suất thì phải mở rộng sản xuất. Với chính sách chọn “sếu đầu đàn”, ông Huyền cho rằng Chính phủ phải sàng lọc doanh nghiệp, xem doanh nghiệp nào có doanh số lớn, xứng đáng thì tạo nguồn lực cho họ phát triển, “chứ đều đều thì không biết đến bao giờ”.

Nói đến thể chế, ông Huyền dẫn câu chuyện gia đình: “Tôi có hai đứa con học ở Anh Quốc về, hi vọng sẽ thay bố đưa doanh nghiệp lên tầm cao mới. Hai cháu đã làm việc ở Đức Giang 5 năm nay nhưng các bộ, sở, ban, ngành làm các cháu nản chí, thậm chí muốn quay lại nước ngoài. Nói điều này là thực, có lần tôi lên Cục Chăn nuôi, bảo các vị ơi, nếu có phong bì to nhỏ thì Tết nhất, để con cái mới học về trong sáng lấy vài năm. Đau xót lắm. Hôm nay có Thủ tướng ở đây, phải nói thực là đau xót”.

Ông Huyền khẳng định nếu Nhà nước tiếp tục với thể chế hiện tại, lương bổng cho công/viên chức quá thấp thì sẽ làm mất ý chí của các thế hệ kế tiếp, thậm chí làm nản lòng họ.

“Năm ngoái chúng tôi lãi 864 tỷ đồng, chúng tôi không thiếu tiền để cầm phong bì to, phong bì nhỏ để đi, nhưng thử hỏi như vậy thì khác gì ta tiếp tục tiêu diệt ý chí của các thế hệ tiếp theo. Đây là điều nguy hiểm, nếu ta không giảm biên chế, tăng lương cho cán bộ, công/viên chức để học có đủ đức, đủ tài đẩy đất nước đi lên thì rất đau xót”, ông nói.

Chia sẻ về một số kế hoạch kinh doanh của DGC, ông Đào Hữu Huyền cho hay tập đoàn có nhà máy ở Đức Giang, mất 5 – 6 năm nay mới di chuyển xuống khu công nghiệp Phố Nối B được vì cứ nghe sản xuất hóa chất là không đâu nhận.

“Về đấy, tôi có dự án làm xút, chất dẻo 7.000 tỷ mà chạy mấy năm nay chưa có miếng đất cắm dùi vì cứ nói hóa chất là họ sợ. Nên chăng các địa phương xem xét từng dự án cụ thể xem nó có nguy hại không. Tôi có dự án trên Cà Nỏ 60.000 tấn phốt pho vàng nhưng 10 năm nay không hề có sự cố. Chúng ta làm chất độc thì cũng khống chế được chất độc chứ không có hóa chất thì ta làm được gì”, ông Huyền cho biết.

Cùng chuyên mục
Tin khác