Cải cách điều kiện kinh doanh: CIEM muốn Chính phủ thay đổi cách thức quản lý

Lê Nguyễn - 27/02/2020 14:42 (GMT+7)

(VNF) – Theo Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM), để tạo đột phá mới về cải cách điều kiện kinh doanh, cần phải thay đổi cách thức quản lý nhà nước về điều kiện kinh doanh, chuyển mạnh sang hậu kiểm.

VNF
Cắt giảm điều kiện kinh doanh: 3 năm, 40 văn bản, bánh xe cải cách vẫn nặng nề

Theo CIEM, trong giai đoạn 2017 – 2019, Chính phủ đã ban hành gần 40 văn bản chỉ đạo về nội dung cải cách điều kiện kinh doanh. Liên tục các tháng trong năm 2018, Chính phủ đều ban hành văn bản chỉ đạo liên quan (khoảng 20 văn bản). Trong năm 2019, điều kiện kinh doanh vẫn là mục tiêu ưu tiên của Chính phủ với khoảng 10 văn bản chỉ đạo.

“Có lẽ khó có nội dung cải cách nào được Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao, liên tục như về điều kiện kinh doanh”, CIEM nhận xét.

CIEM cho biết kết quả đạt được về cải cách điều kiện kinh doanh cũng tương đối tốt khi hết năm 2019 đã có hơn 30 văn bản về điều kiện kinh doanh được ban hành; cắt giảm hơn 50% số điều kiện kinh doanh (theo báo cáo của các bộ) và 30% (theo rà soát độc lập).

Về cơ bản, các điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu rõ ràng, can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc dễ tạo sự tùy ý trong thực thi đã được cắt bỏ. Các đkkd trùng lặp được cắt bỏ; chuyển đkkd sang quản lý theo QCVN, TCVN. Một số đkkd được sửa đổi theo hướng giảm bớt yêu cầu, tạo thuận lợi hơn cho DN.

Dù vậy, CIEM cho rằng việc cải cách điều kiện kinh doanh vẫn còn khá nhiều hạn chế.

Một là việc cải cách diễn ra chủ yếu dưới hình thức “đơn giản hóa”. Các bộ chỉ giảm mức độ yêu cầu về số lượng nhân sự hoặc giảm yêu cầu về quy mô diện tích của cơ sở vật chất trong các điều kiện kinh doanh; việc cải cách chỉ thể hiện dưới hình thức sửa đổi, thậm chí nhiều quy định sửa đổi mang tính hình thức hơn là thực chất.

Đối với hoạt động cắt bỏ, số lượng điều kiện kinh doanh bị cắt bỏ vốn đã ít ỏi lại không mấy thực chất.

Cụ thể, các bộ chỉ cắt những quy định trùng lặp; cắt bỏ những điều kiện kinh doanh không có ý nghĩa quản lý do đó việc cắt bỏ không thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; một số quy định được tính là cắt bỏ nhưng thực chất chỉ là các quy định về quy trình, không phải điều kiện kinh doanh; những điều kiện kinh doanh quy định theo pháp luật chuyên ngành không nêu cụ thể mà lại dẫn theo pháp luật chuyên ngành.

Để tạo đột phá mới về cải cách điều kiện kinh doanh, CIEM cho rằng cần phải thay đổi cách thức quản lý nhà nước về điều kiện kinh doanh, chuyển mạnh sang hậu kiểm.

Cụ thể, doanh nghiệp được chủ động thực hiện các hoạt động kinh doanh khi đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh, chỉ cần thông báo mà không cần phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước; doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về việc đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh.

Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện kiểm tra hậu kiểm (khi doanh nghiệp đi vào hoạt động) trên cơ sở nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và dựa trên mối nguy của hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hoạt động hậu kiểm sẽ được cơ quan quản lý thực hiện trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh của DN song cần tuân thủ nguyên tắc quản lý rủi ro; có cơ chế giám sát hoạt động thanh tra, kiểm tra; thiết lập kênh ghi nhận phản hồi từ DN một cách công khai, minh bạch và đảm bảo an toàn cho DN;

Rà soát, đánh giá sự cần thiết của việc yêu cầu về đào tạo và cấp chứng chỉ; thực hiện xã hội hóa các hoạt động này; hạn chế tình trạng đổ dồn về cơ quan cấp Bộ thực hiện đào tạo và cấp chứng chỉ;

Thực hiện phân cấp mạnh mẽ cho cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong việc quản lý DN tuân thủ các quy định về điều kiện kinh doanh.

CIEM kiến nghị các bộ ngành nghiên cứu các nguyên tắc nêu trên đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật có liên quan để bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh được quy định tại các luật chuyên ngành.

Ngoài ra, CIEM cũng kiến nghị các bộ tiếp tục rà soát, đề xuất bãi bỏ, đơn giản hoá về điều kiện kinh doanh; giám sát việc tổ chức thực hiện; xử lý nghiêm những hành vi cố tình gây khó cho DN; thiết lập cơ chế đối thoại và phản hồi cho DN…

Cùng chuyên mục
Tin khác