Cải cách thể chế: Nhận diện bốn điểm nghẽn lớn

Anh Vũ - 23/11/2024 15:30 (GMT+7)

(VNF) -TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã chỉ ra bốn điểm nghẽn thể chế cần khắc phục để thúc đẩy phát triển trong thời gian tới.

Bốn điểm nghẽn lớn

Vừa qua, phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư - Tô Lâm khẳng định: thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” và là khâu cần phải đột phá đầu tiên…

TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương khẳng định có 4 điểm nghẽn về thể chế ở giai đoạn hiện tại.

Nhận diện các điểm nghẽn thể chế lớn, TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương khẳng định có 4 điểm nghẽn về thể chế ở giai đoạn hiện tại.

“Điểm nghẽn 1 là pháp luật đặt ra các rào cản, các trạm barrier’s để kiểm soát, quản lý, không phải một mà hàng trăm hành ngàn rào cản. Dự án đầu tư, công việc kinh doanh đi đến đó phải chậm lại, dồn toa và gây ùn tắc.

Vì thế mà một dự án đầu tư có khi phải qua rất nhiều năm trời mới xong thủ tục. Khi xong thủ tục thì cơ hội kinh doanh không còn, các dự tính ban đầu đã thay đổi lại phải xin điều chỉnh”, ông Cung nói.

Điểm nghẽn thứ hai theo ông Cung là sự chồng chéo pháp luật. “Luật này quy định phải đi bên phải, luật kia quy định phải đi bên trái, tạo thế cài răng lược, doanh nghiệp, dự án không đi được, dẫn tới tắc nghẽn. Và vấn đề này tương đối phổ biến”, ông Cung nói.

Điểm nghẽn thứ 3, theo ông Cung là vướng mắc về xây dựng hạ tầng và bất động sản. Đang có hàng nghìn dự án xây dựng vướng mắc về mặt pháp lý, không thể triển khai được.

“Khi các dự án nằm chờ, không triển khai được sẽ gây thiệt hại rất lớn không những cho pháp nhân liên quan mà cho cả nền kinh tế nói chung, khiến nguồn lực không được sử dụng một cách hiệu quả”, ông Cung nói.

Cuối cùng, điểm nghẽn thứ 4, chỉ xuất hiện trong khoảng 3-4 năm trở lại đây, theo ông Cung là hiện tượng công dân và doanh nghiệp đưa hồ sơ lên trên cổng thông tin, công chức xử lý hồ sơ phải mang hồ sơ đi hỏi tất cả các đơn vị liên quan.

Trước đây hỏi 2-3 đơn vị là cùng, nay họ phải hỏi hết và đến khi nào tất các nơi trả lời là đồng ý thì hồ sơ mới được cho qua, còn có đơn vị nào trả lời không đồng ý hoặc chưa rõ ràng thì không qua được. Như vậy không tắc nghẽn mới lạ.

Có những lĩnh vực, rào cản còn nặng nề hơn

Thực tế, trong và sau đại dịch Covid-19, các bộ ngành cũng rất cố gắng, phối hợp với nhau để cắt giảm điều kiện kinh doanh theo ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đặc biệt là báo cáo Viện quản lý kinh tế trung ương – cơ quan theo dõi Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 trước đây, về mặt số lượng, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã giảm đi và thu hẹp tương đối, dựa trên yêu cầu của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.

Có những lĩnh vực, rào cản còn nặng nề hơn.

Nhận định vấn đề này, TS Nguyễn Quốc Việt, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và Chính sách cho rằng có rất nhiều điều kiện kinh doanh mang tính chất tổng hợp, trong đó gồm nhiều điều kiện kinh doanh nhỏ hơn, như vậy chưa thực sự giảm được số lượng các điều kiện kinh doanh. Không chỉ vậy, có những lĩnh vực, rào cản còn nặng nề hơn.

“Bên cạnh đó, những chuyển biến trong nhu cầu chuyển dịch đầu tư quốc tế hay chuyển biến trong mô hình kinh doanh, mô hình tăng trưởng kinh tế mới gắn với xanh hóa, năng lượng tái tạo,… khiến cho nhiều lĩnh vực kinh doanh về dịch vụ hay lĩnh vực đặc thù có nhu cầu mở rộng tự do kinh doanh hơn”, ông Việt nói.

Ví dụ như với thị trường năng lượng như dầu, điện đã bộc lộ ra nhiều bất cập, hạn chế trong và sau thời gian đại dịch Covid 19 bùng phát. Lúc đó, thị trường chưa được tự do, cởi mở còn vướng nhiều ràng buộc, chính vì lẽ đó, nhu cầu từ phía xã hội, doanh nghiệp đòi hỏi tiếp tục cắt giảm thêm các ngành nghề kinh doanh có điều kiện để thị trường tự do hơn.

Bên cạnh đó, ông Việt cũng cho rằng việc kiểm tra chuyên ngành còn quá khắt khe, chưa kể việc một số lần kiểm tra không dựa trên hợp chuẩn, hợp quy mà dựa trên việc đánh giá rủi ro, hậu kiểm, kế kiểm sẽ khiến doanh nghiệp mất thời gian chờ đợi lâu, phát sinh thêm nhiều chi phí. Khiến doanh nghiệp bị “bào mòn” lợi nhuận kinh doanh cũng như lỡ mất cơ hội kiếm được lợi nhuận vì thời điểm không còn phù hợp.

“Những quy định, điều kiện như đã nói ở trên đang khiến doanh nghiệp thực sự khó khăn. Khi một doanh nghiệp muốn hoạt động kinh doanh một cách đầy đủ, đầu tiên phải có giấy phép đầu tư kinh doanh, thứ hai là có các nguồn lực và được tạo điều kiện để có được nguồn lực cần thiết, thứ ba là hoạt động sản xuất kinh doanh, đưa sản phẩm ra thị trường phải được thông suốt và cuối cùng phải thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu phục vụ cho sản xuất kinh doanh”, ông Việt nói.

Từ quá trình tiếp xúc với doanh nghiệp, ông Việt khẳng định các điều kiện kinh doanh nếu cứ tiếp tục đặt ra nhiều rào cản sẽ làm phát sinh những hành vi mang tính lợi ích nhóm, tham nhũng của các đối tượng quản lý và phần lớn tình trạng này lại rơi vào doanh nghiệp tư nhân.

Mặt khác, theo ông Việt những doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam cũng còn nhiều điểm hạn chế và đặc biệt trong bối cảnh khi nền kinh tế thế giới có nhiều biến đổi như hiện nay. Họ thiếu năng lực quản lí, nhân sự, công nghệ, nguồn vốn,…

“Do đó, nếu những điều kiện đặt ra quá nặng, kể cả những điều kiện liên quan đến quy định quy chuẩn liên quan đến hàng hóa, sản phẩm không khéo sẽ đánh mất thị trường sân nhà vào tay doanh nghiệp FDI”, ông Việt nói.

Kinh tế tư nhân và nỗ lực hoàn thiện thể chế

Kinh tế tư nhân và nỗ lực hoàn thiện thể chế

Tiêu điểm
(VNF) - Kinh tế tư nhân có bước phát triển về số lượng, tính trung bình trong hàng chục năm qua mỗi năm có trên 100 nghìn doanh nghiệp được thành lập, số vốn đăng ký hằng năm đạt trên 100 nghìn tỷ đồng. Đến nay chúng ta có gần 900 nghìn doanh nghiệp và khoảng hơn 5 triệu hộ kinh doanh.
Cùng chuyên mục
Tin khác