Cải cách thể chế bắt đầu chậm lại?
(VNF) - Trong 2 năm trở lại đây, công cuộc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh có dấu hiệu chậm lại. Đáng nói, sau nhiều năm nỗ lực, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn nằm ở nửa cuối của bảng xếp hạng.
Một số lĩnh vực phát sinh thủ tục không cần thiết
Cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau. Vì lý do này, cách đây hơn 1 thập kỷ, công tác cải cách thủ tục hành chính luôn được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và chính quyền các cấp.
Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP, trong đó khẳng định rõ mục tiêu đến năm 2025 sẽ cắt giảm ít nhất 20% số lượng thủ tục hành chính, đồng thời cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Dù giai đoạn từ năm 2020-2023 có rất nhiều biến cố xảy ra, song đến năm 2023, Việt Nam đã đạt được khá nhiều kết quả tích cực trong công tác cải cách thủ tục hành chính.
Tiêu biểu là việc đơn giản hóa cũng như cắt giảm hơn 2.000 quy định liên quan đến thủ tục hành chính; bên cạnh đó, các cấp từ trung ương đến địa phương đã có bộ phận một cửa, trung tâm dịch vụ hành chính công, mang lại lợi ích rất lớn cho người dân; chưa kể là công tác chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính cũng được quan tâm và đẩy mạnh trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên trong 1-2 năm gần đây, việc cải cách thể chế, cải cách môi trường kinh doanh đã bắt đầu có dấu hiệu chậm lại. Thêm vào đó, một số lĩnh vực lại phát sinh thêm những thủ tục không cần thiết gây ra nhiều bất lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trên thực tế, những ngành kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh tuy có giảm về số lượng nhưng hình thức, bản chất, nội hàm của nhiều điều kiện kinh doanh lại mở rộng, đối tượng tuân thủ lại tăng thêm, từ đó phát sinh thêm nhiều khó khăn hơn cho doanh nghiệp. Thêm nữa, những hoạt động về cải cách quản lý chuyên ngành đối với một số mặt hàng xuất nhập khẩu vẫn chưa có những chuyển biến rõ rệt, gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Việt Nam vẫn ở nửa cuối bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh
Trong thời gian qua, thông qua việc ban hành rất nhiều bộ luật, các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật đã tạo ra cải cách rất lớn đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam. Đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân, giúp công tác gia nhập thị trường thuận lợi hơn rất nhiều…
So với trước đây, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp đã dễ dàng hơn rất nhiều, từ việc đăng ký mã số thuế, thực hiện thủ tục về đầu tư hay bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, điều chúng ta mong muốn nhất vẫn chưa thực sự đạt được. Việt Nam vẫn luôn được xếp ở vị trí nửa cuối của các bảng xếp hạng toàn cầu về môi trường kinh doanh môi trường đầu tư.
Cùng với đó, hiện nay, vẫn còn những quy định pháp luật “chung chung”, có thể dẫn đến sự tùy nghi trong tiến trình thực hiện thủ tục hành chính, đồng thời dẫn đến tình trạng các cán bộ công chức sẽ e ngại khi quyết định một vấn đề, đặc biệt là trong một số những lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, bất động sản…
Điều này đòi hỏi thực sự phải có những quy định chất lượng tốt, có tính chuyên nghiệp cao, rõ ràng và dễ hiểu nói với đối với mọi đối tượng liên quan. Ngoài ra, đối với các điều kiện kinh doanh, cũng cần lưu ý rằng không nên đưa ra những điều kiện quá cao so với thực tiễn phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay cũng như năng lực, trình độ phát triển của doanh nghiệp.
Điều đó cho thấy, môi trường kinh doanh hiện tại của Việt Nam còn rất nhiều điều cần cải thiện để đáp ứng được những mong mỏi của các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài.
Trên thực tế có rất nhiều điều kiện kinh doanh đã bắt đầu quay trở lại hoặc là nội hàm đã được mở rộng khiến cho việc doanh nghiệp gia nhập thị trường trở nên khó khăn hơn.
Việc gia nhập thị trường không chỉ đơn thuần là đăng ký kinh doanh mà còn liên quan đến những thủ tục về đất đai, xây dựng phòng cháy chữa cháy cùng với những thủ tục khác như điều kiện kinh doanh, những điều kiện này sau khi đăng ký và thành lập doanh nghiệp mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư bắt buộc phải đối diện.
Do vậy, việc điều kiện quá phức tạp sẽ làm nản chí các nhà đầu tư, hệ quả là nhiều doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp dễ dàng lại xin rút lui khỏi thị trường. Chúng tôi cho rằng, có rất nhiều điều kiện cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa để môi trường kinh doanh thêm thuận lợi, không chỉ cho việc gia nhập thị trường mà còn để các doanh nghiệp có thể tham gia đầy đủ, yên tâm sản xuất kinh doanh.
Cải thiện điều kiện kinh doanh bắt đầu từ gốc
Năm nay, Chính phủ đã ban hành riêng Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ sẽ quay trở lại ưu tiên đẩy mạnh công tác cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh thông qua công tác cải cách thủ tục hành chính.
Theo đó, việc cải cách thủ tục hành chính, cải cách môi trường kinh doanh trước tiên phải bắt nguồn từ gốc, cụ thể là cải cách những quy định về kinh doanh. Nếu cải cách được những quy định này, chất lượng các quy định pháp luật tốt, thủ tục hành chính chỉ gồm những quy định thực sự cần thiết. Từ đó, các thủ tục hành chính được đơn giản hoá, dễ hiểu, dễ thực hiện cùng với chi phí tuân thủ thấp nhất cho doanh nghiệp và người dân.
Cùng với đó, phải coi công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính là công việc phải làm hàng ngày, hàng năm và liên tục, không có điểm dừng, bởi đây là nhu cầu của cuộc sống, của nền kinh tế. Với mục tiêu trước mắt, cụ thể là trong năm nay, tôi cho rằng những hoạt động cải cách môi trường đầu tư kinh doanh nên tập trung vào việc tháo gỡ điểm nghẽn mà nền kinh tế hiện nay đang gặp phải.
Ví dụ như đầu tư tư nhân là một trong những lĩnh vực mà nền kinh tế đang gặp khó khăn, bên cạnh công tác cải cách thủ tục hành chính phải làm sao gắn với việc thúc đẩy đầu tư tư nhân, gắn với một số lĩnh vực cụ thể như đất đai, bất động sản hay khai khoáng nhằm hỗ trợ cho các công trình đầu tư công.
Bên cạnh đó, để một môi trường kinh doanh thuận lợi, thủ tục hành chính được thực hiện một cách đơn giản còn phải bàn đến yếu tố con người thực hiện. Việc thực hiện phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người và con người lại phụ thuộc vào nhận thức về tầm quan trọng của việc cải cách môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.
Chúng ta cần đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhận thức tốt về điều này, cùng với đó là trình độ, kỹ năng hướng dẫn cho người dân thực hiện thủ tục hành chính, mặc dù hiện nay kỹ năng này không phải đồng đều ở tất cả các cấp, các địa phương. Ngoài ra, chúng ta cũng cần có những cán bộ có tâm, có thái độ tốt trong việc nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và cải thiện thủ tục hành chính.
Một yếu tố liên quan khác là với một nền kinh tế chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, công tác cải cách thủ tục hành chính cần phải được gắn với chuyển đổi số, sử dụng công nghệ thông tin, cung cấp và sử dụng dịch vụ công trên môi trường trực tuyến. Đồng thời, giữa các cơ quan, giữa các cấp địa phương với nhau cần có sự phối hợp chặt chẽ, đặc biệt trong các thủ tục về đất đai, xây dựng, gia nhập thị trường.
TS Nguyễn Đình Cung: 'Tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh đang có sự đứt gãy'
Làm mới động lực cải cách thể chế
Gỡ một nút thắt thể chế trong thế giới biến động
- Phác thảo bức tranh báo chí kinh tế Việt Nam 20/06/2024 06:30
- Triển vọng kinh tế Việt Nam 2024: Giữ vững vĩ mô, tạo đà phục hồi 21/05/2024 08:57
- Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam 2024-2025 của ADB 11/04/2024 05:19
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.