Cần 135 tỷ USD cho Quy hoạch điện VIII: 'Bộ Công thương chưa đề xuất được cơ chế thu hút vốn đầu tư'

Kỳ Thư - 15/08/2023 08:40 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương chưa đề xuất được các cơ chế, chính sách để thu hút, huy động nguồn vốn đầu tư để thực hiện Quy hoạch điện VIII.

VNF
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ‘tố’ chưa đề xuất được chính sách thực hiện Quy hoạch Điện VIII.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản góp ý cho dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Tại văn bản này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định ba vấn đề lớn hai đơn vị này góp ý gồm: Phát triển nguồn, lưới điện và huy động vốn.

Quy hoạch điện VIII đề cao việc thu hút tư nhân vào đầu tư lưới điện, Bộ KH&ĐT cho rằng: Cần bổ sung cơ chế giao doanh nghiệp nhà nước triển khai các dự án do nhà nước đầu tư, hoặc lựa chọn nhà đầu tư các dự án xem xét xã hội hóa.

“Đây là vấn đề vướng mắc, đặt ra nhiều rào cản trong việc đảm bảo tiến độ lưới truyền tải” Bộ KH&ĐT nêu.

Vấn đề về huy động vốn giai đoạn 2021-2030: Ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD, trong đó, đầu tư cho nguồn điện khoảng 119,8 tỷ USD (trung bình 12,0 tỷ USD/năm), lưới điện truyền tài khoảng 14,9 tỷ USD (trung bình 1,5 tỷ USD/năm).

Giai đoạn 2031-2050: Ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2 – 523,1 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4-511,2 tỷ USD (trung bình 18,2-24,2 tỷ USD/năm), lưới điện truyền tải khoảng 34,8-38,6 tỷ USD (trung bình 1,7-1,9 tỷ USD/năm)

Với ước tính trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, nhu cầu vốn đầu tư cho thực hiện Quy hoạch điện VIII là rất lớn. Do đó, cần sự tham gia của mọi thành phần kinh tế và đa dạng hóa các nguồn vốn, trong đó có sự hỗ trợ từ các tổ chức tài chính nước ngoài.

Tuy nhiên, theo bộ này, dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII của Bộ Công thương chưa đề xuất được các cơ chế, chính sách để thu hút, huy động các nguồn vốn đầu tư. Trong đó, có nguồn vốn xanh từ các tổ chức tài chính nước ngoài nhằm thúc đẩy việc xây dựng, thực hiện các dự án điện sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.

Bên cạnh đó, cũng chưa có cơ chế lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện, để vừa đảm bảo tiến độ của quy hoạch vừa đảm bảo nguyên tắc thị trường.

Ngoài ra, còn thiếu cơ chế thu hút đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh... nhằm khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư.

“Quá trình triển khai quy hoạch điện giai đoạn trước còn xảy ra nhiều dự án chậm tiến độ kéo dài ngay ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, nhưng chưa có phương án xử lý, có tình trạng được giao dự án nhưng không triển khai, chậm triển khai, không có khả năng triển khai nhưng không bị thu hồi”, Bộ KH&ĐT dẫn chứng và đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu bổ sung nội dung này vào phần giải pháp và tổ chức thực hiện trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII để giải quyết tình trạng trên.

Cùng chuyên mục
Tin khác