Cận cảnh Kenton Node Complex, tổ hợp căn hộ 'đắp chiếu' hơn 13 năm vừa về tay Novaland
Minh Tú -
19/02/2022 10:09 (GMT+7)
(VNF) - Theo quan sát trong những ngày gần đây, toàn bộ hàng rào tôn bao quanh dự án Kenton Node đang được thay "áo mới". Thay đổi quan trọng này đến từ việc dự án đã có chủ đầu tư mới là Novaland.
Theo đó, những biển hiệu quảng bá về dự án này đang được tháo bỏ, thay vào đó là một thương hiệu mới với những thông tin rất thu hút người đi đường.
Theo tìm hiểu, "chủ nhân" của dự án này đang được cho là Tập đoàn Novaland. Mặc dù doanh nghiệp này chưa bình luận gì về thông tin, giá chuyển nhượng và các hình ảnh mới nhất này, nhưng một lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho biết các bên đang tiếp tục thương thảo, ban đầu Novaland sẽ tiếp nhận toàn bộ dự án Kenton để làm mới và bán ra thị trường.
"Đây đúng là một thông tin rất bất ngờ với mọi người, bởi thị trường bất động sản khu Nam Sài Gòn khi nhắc đến chúng ta đều không thể không câu chuyện của Kenton Node kéo dài đã hơn 13 năm. Qua bao nhiêu lần thay tên, đổi họ nhưng dự án này vẫn là khối bê tông bỏ hoang rất lãng phí. Kì vọng nếu chủ đầu tư mới này tham gia phát triển thì Kenton Node sẽ một lần nữa được hồi sinh thật sự", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết.
Cũng theo ông Châu, dự án này sau khi về tay Novaland vẫn sẽ được kế thừa và phát triển theo đúng quy hoạch được duyệt trước đây.
Siêu dự án Kenton Residence (tên gọi trước đây) hay hiện tại là Kenton Node nằm trên mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè, TP. HCM. Dự án có tổng diện tích 9,1ha, với 3 phân khu Plaza, Sky Villa và Residences với 9 block với 1.640 căn hộ.
Dự án được khởi động từ năm 2002 nhưng 7 năm sau thì Kenton Residences mới chính thức được chủ đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên mở bán. Tổng vốn đầu tư cho dự án này vào thời điểm đó là 300 triệu USD, được dự kiến hoàn thành vào năm 2011. Thế nhưng vài năm sau đó, dự án rơi vào cảnh trùm mền.
Với sự hậu thuẫn từ BIDV và MSB, dự án Kenton Node có thêm 1.060 tỷ đồng để tiếp tục triển khai, đi kèm với đó là nhiều hạng mục mới rất hoành tráng sẽ được đầu tư như Khu nhạc nước 500 triệu USD. Tuy nhiên, vào giữa năm 2018, dự án lại một lần nữa nằm bất động giữa dòng xe cộ tấp nập trên đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè cho đến hiện nay. Và như thế, dự án Kenton Node "chết" lần 2!
Được biết, trong giai đoạn này, một số doanh nghiệp BĐS lớn cũng muốn tham gia đầu tư và phát triển lại dự án, nhưng chỉ sau một thời gian khá ngắn tất cả đều "rút lui".
Trước đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên. Cụ thể, tài sản đấu giá là toàn bộ nợ gốc, lãi phát sinh tại thời điểm bán đấu giá (nợ gốc, lãi tạm tính đến ngày 29/03/2020 là hơn 4.063 tỷ đồng). Tài sản thế chấp của khoản nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton, Xã Phước Kiển, Huyện Nhà Bè, TP. HCM.
Tài sản này được đồng thế chấp tại BIDV, MSB, PVCombank, trong đó BIDV chiếm 58% giá trị tài sản. Giá trị định giá tài sản là 7.836,7 tỷ đồng, trong đó giá trị tài sản bảo đảm được phân chia, hạch toán tại BIDV là 4.545,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo còn là các quyền tài sản của mỏ đá thuộc xã Hòa Thạch và Phú Mãn, Huyện Quốc Oai, Hà Nội được định giá lần đầu là 885,5 tỷ đồng. Giá trị khoản nợ bán của BIDV bao gồm toàn bộ nợ gốc, lãi phát sinh tại thời điểm bán đấu giá cộng thêm 90 tỷ đồng (nợ gốc, lãi tạm tính đến ngày 29/03/2020 là 4.063 tỷ đồng).
Thông tin mới nhất đã đăng tải từ năm 2018 trên website cho thấy Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên được thành lập vào ngày 29/03/1996 với vốn điều lệ 2 tỷ đồng. Công ty hoạt động trong lĩnh vực thi công cơ sở hạ tầng, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, chủ yếu là bê tông, đá xây dựng và đá dăm.
Từ năm 2001, Tài Nguyên tái cấu trúc mô hình sản xuất, kinh doanh và tập trung nguồn tài lực chính vào đầu tư và kinh doanh bất động sản. Hiện tại, công ty tập trung chủ yếu vào đầu tư và xây dựng khu phức hợp căn hộ và văn phòng cho thuê. Các dự án điển hình của Tài Nguyên ngoài Kenton là công trình hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, công trình đại lộ Hồ Chí Minh, cao ốc văn phòng Vinatex – Tài Nguyên, dự án Evergreen, thành phố Global – Hà Tây.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.