Cạnh tranh khốc liệt nhưng lợi nhuận 'tiền lẻ': Tìm hướng mới cho Mobile Money
(VNF) - Để có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh ngân hàng số, ví điện tử,... phát triển như vũ bão, dịch vụ Mobile Money cần tìm cho mình một hướng đi mới.
Mobile Money hoàn thành sứ mệnh?
Ngày 9/3/2021, Chính phủ chính thức ký Quyết định số 316/QĐ-TTg, mở ra chặng đường 2 năm thí điểm đầu tiên của dịch vụ Mobile Money. “Sứ mệnh” của Mobile Money khi đó là giúp thúc đẩy phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính của người dân, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam.
Sau 1 lần được gia hạn với Nghị quyết 192 năm 2023, dịch vụ Mobile Money chính thức hết hiệu lực vào ngày 31/12/2024, sau hành trình gần 4 năm.
Nhìn lại chặng đường đã đi của Mobile Money, ông Đoàn Hữu Hậu, Giám đốc tư vấn FPT Digital, Tập đoàn FPT nhận định, dịch vụ Mobile Money đã mang tới cho người dân ở vùng xa xôi, hẻo lánh cơ hội sử dụng các dịch vụ tài chính như ứng trước cho tiêu dùng, thanh toán các dịch vụ thiết yếu, chuyển tiền cho người thân,… trên chính thiết bị di động của mình thông qua hình thức tin nhắn USSD và SMS thông thường.
“Thời điểm mới ra mắt, Mobile Money sở hữu nhiều lợi thế khi mọi địa bàn lãnh thổ đều có sóng viễn thông 2G. Mobile Money dựa trên nền tảng USSD và SMS nên chỉ cần có sóng, dù không cần quá ổn định thì khách hàng vẫn có thể thực hiện được dịch vụ. Chưa kể, thời điểm đó, cả quy định pháp luật và công nghệ chưa cho phép các ngân hàng và ví điện tử triển khai mở tài khoản từ xa. Yếu tố này đã giúp Mobile Money đã phát huy được lợi thế riêng biệt của mình”, ông Hậu phân tích.
Với những lợi thế đó, số lượng tài khoản Mobile Money liên tục tăng qua từng năm. Tính đến tháng 10/2024, hàng chục triệu tài khoản Mobile Money được mở, trong đó, hơn 66% tài khoản ở trạng thái hoạt động và 71% tài khoản ở vùng sâu, vùng xa. Đến cuối 2024, có khoảng gần 150 triệu giao dịch đã thực hiện với giá trị khoảng 5.000 tỷ đồng.
“Số lượng tài khoản, phân bổ theo địa lý, số lượng giao dịch và giá trị giao dịch thông qua Mobile Money là minh chứng rõ nét cho thấy dịch vụ này đã được triển khai đúng theo định hướng, góp phần đem dịch vụ tài chính đến gần hơn với người dân khó khăn, vùng sâu, vùng xa và giải quyết các nhu cầu sinh hoạt cơ bản nhất. Đồng thời, Mobile Money đóng góp không nhỏ vào hiện thực hóa định hướng chuyển đổi thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ”, ông Đoàn Hữu Hậu, Giám đốc tư vấn FPT Digital, Tập đoàn FPT chia sẻ với VietnamFinance.
Hết thời Mobile Money?
Sau khi hết hiệu lực thí điểm vào cuối năm 2024, đến nay, cơ quan quản lý vẫn chưa đưa ra quyết định cụ thể về việc có nên gia hạn thí điểm dịch vụ Mobile Money hay không. Trong khi Ngân hàng Nhà nước cùng các nhà mạng đang thực hiện thí điểm đều bày tỏ mong muốn kéo dài thêm thời gian triển khai, nhiều ý kiến lại cho rằng vai trò của Mobile Money không thực sự còn nhiều ý nghĩa như trước, nhất là trong bối cảnh ngân hàng số và ví điện tử đang bứt phá mạnh mẽ, tạo nên hệ sinh thái tài chính số hiện đại, đa dạng hơn.
Ông Đoàn Hữu Hậu nhận định, không thể phủ nhận những giá trị mà Mobile Money mang lại trong thời gian thí điểm nhưng chủ trương kết thúc thí điểm dịch vụ Mobile Money vào cuối năm 2024 là đúng đắn và thể hiện tầm nhìn xa của các cơ quan liên quan.
Theo lý giải của chuyên gia này, dịch vụ Mobile Money chỉ phát huy được tác dụng khi vào năm 2021, hạ tầng công nghệ phục vụ cho ngân hàng chưa đủ mạnh. Từ ứng dụng trên thiết bị di động, năng lực định danh xác thực trực tuyến, hạ tầng internet đến cả các quy định của ngân hàng còn chưa bắt kịp sự chuyển động của kinh tế số, xã hội số thì người dân ở các vùng sâu, vùng xa và hoàn cảnh khó khăn rất khó có thể tiếp cận được các dịch vụ tài chính cũng như dịch vụ hỗ trợ thanh toán kịp thời.
Tuy nhiên, hiện nay, quy định trong hoạt động ngân hàng đã rõ ràng hơn cho hoạt động ngân hàng số. Việc triển khai căn cước công dân gắn chip, VNeID, công nghệ eKYC giúp khách hàng dễ dàng mở tài khoản ngân hàng. Trong khi đó, hạ tầng viễn thông đã dừng sóng 2G, triển khai 3G trở lên trên toàn lãnh thổ Việt Nam, kết hợp với sự vào cuộc của các nhà cung cấp thiết bị di động giá rẻ đã đem tới cơ hội dùng di động thông minh và kết nối internet (ít nhất là 3G) với chi phí hợp lý và tiện lợi. Lợi thế từng giúp Mobile Money phát triển – là đem lại cơ hội tiếp cận dịch vụ - nay lại không còn là lợi thế nữa.
Mặt khác, các dịch vụ của Mobile Money quá cơ bản so với dịch vụ của ngân hàng số và ví điện tử. Không chỉ đơn giản là thanh toán, các ngân hàng số và ví điện tử còn cung cấp cho khách hàng một hệ sinh thái tài chính, tích hợp nhiều sản phẩm đáp ứng cho mọi nhu cầu tài chính của hầu hết các đối tượng khách hàng.
Do đó, khi việc mở tài khoản ngân hàng số và ví điện tử trở nên cơ bản với mọi người dân, Mobile Money dần không còn "đất dụng võ" như trước. Điều này được thể hiện rõ ràng khi so sánh tốc độ gia tăng về số lượng tài khoản ngân hàng và ví điện tử. Tính đến cuối năm 2023, thống kê của NHNN cho thấy, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân đạt hơn 182,88 triệu tài khoản. Trong cùng kỳ, số lượng tài khoản Mobile Money chỉ ở mức 7,2 triệu, ở mức rất nhỏ nếu so với 182,88 triệu tài khoản.
“Về cơ bản, ngân hàng và ví điện tử với các công nghệ mới đã thực sự chiếm thế thượng phong so với Mobile Money trong cuộc đua cung cấp dịch vụ tài chính tới đời sống hàng ngày và thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi thanh toán không dùng tiền mặt. Mobile Money không còn nhiều cơ hội để trở lại đường đua nếu vẫn đi theo chiến lược ban đầu”, ông Hậu nhấn mạnh.
Không chỉ phải cạnh tranh với ví điện tử, ngân hàng số, bản thân các đơn vị cung ứng dịch vụ Mobile Money cũng phải cân nhắc với bài toán lợi nhuận khi lợi nhuận mà dịch vụ này mang lại chưa lớn như kỳ vọng.
Được biết, khi triển khai dịch vụ Mobile Money, các đơn vị cung ứng sẽ được hưởng lợi từ việc thu phí giao dịch người dùng và các merchant (bên bán hàng, cung cấp dịch vụ). Tuy nhiên, sau 4 năm thí điểm, giá trị giao dịch bằng Mobile Money còn khiêm tốn khiến lợi nhuận mà Mobile Money mang lại cho các nhà mạng chỉ là những khoản “tiền lẻ”.
Sau gần 4 năm thí điểm, giá trị giao dịch thông qua Mobile Money mới chỉ đạt gần 5.000 tỷ đồng. Bình quân giá trị 1 giao dịch khoảng 35.000 đồng. Điều này cho thấy dù số lượng tài khoản Mobile Money tăng trưởng đáng kể nhưng bản chất giá trị đích thực mang lại không cao, cho thấy tiềm năng tài chính của dịch vụ này còn hạn chế
Chưa kể, dù tận dụng được hệ thống hạ tầng đã sẵn có, nhưng các nhà mạng cũng phải đầu tư nhiều về chi phí marketing, chi phí khuyến mãi,… đẩy chi phí vận hành lên cao, bào mòn lợi nhuận thu về. Thực tế, ngay cả các ví điện tử, với lượng khách hàng lớn hơn và giá trị giao dịch cao hơn, vẫn phải chật vật nhiều năm mà vẫn chưa thể có lãi.
Không thể phủ nhận những giá trị mà Mobile Money đã mang lại. Song, với những thay đổi hiện tại, Mobile Money không còn nhiều cơ hội để trở lại đường đua nếu vẫn đi theo chiến lược ban đầu.
Tương lai rộng mở cho Mobile Money
Lợi nhuận mang lại không cao, sức ép từ sự phát triển như vũ bão của ngân hàng số, ví điện tử, những lợi thế ban đầu dần "mờ nhạt",… buộc các đơn vị cung ứng phải tìm cho Mobile Money một hướng đi mới.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đoàn Hữu Hậu cho rằng, việc cân nhắc chuyển hướng chiến lược, chẳng hạn như hợp tác với ngân hàng, ví điện tử, sẽ là một hướng đi tạm thời cho Mobile Money.
Thực tế cho thấy, các nhà cung ứng dịch vụ Mobile Money như Viettel, VNPT-Media hay Mobifone cũng đã bước đầu hợp tác với nhiều ngân hàng và ví điện tử để mở rộng hệ sinh thái Mobile Money. Điển hình là Viettel Money cũng đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với một số ngân hàng, ngân hàng số, ví điện tử nhằm tìm kiếm cơ hội tăng trưởng. Trong tháng 10/2024, Viettel Money và LPBank đã hợp tác ra mắt sản phẩm Tiết kiệm. Trước đó, Viettel Money cũng đã hợp tác với ngân hàng số Cake by VPBank để triển khai tính năng “Ví trả sau” trên ứng dụng Viettel Money.
Một hướng đi khác của Mobile Money là mở rộng ra thị trường quốc tế, tận dụng cơ hội hợp tác để triển khai cho các nước đang phát triển có hạ tầng công nghệ còn thấp, trên nền 2G, và dịch vụ tài chính chưa phát triển. Điều này giống như việc M-Pesa đã làm được tại Kenya, ông Hậu gợi mở.
Song, theo ông Hậu, để có thể vươn ra thế giới, các nước đang phát triển, các nhà cung cấp dịch vụ Mobile Money Việt Nam cần phân tích, nghiên cứu, đánh giá xác đinh cơ hội cung cấp dịch vụ viễn thông hoặc hợp tác cung cấp dịch vụ viễn thông trên các nước đó làm nền móng để triển khai các dịch vụ giá trị gia tăng như Mobile Money.
Mặt khác, cũng cần nghiên cứu các điều kiện cung cấp các dịch vụ tài chính để đảm bảo doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện cung cấp Mobile Money. Tập tính, văn hóa cũng cần được nghiên cứu để có phương án hòa nhập phù hợp.
Và cuối cùng, từ bài học tại chính Việt Nam, Mobile Money cần nghiên cứu và phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ đa dạng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dùng và sẵn sàng phương án cạnh tranh với các dịch vụ như ngân hàng số, trung gian thanh toán… các đối thủ tiềm tàng và rất nhanh chóng sẽ trở thành hiện hữu, Giám đốc tư vấn FPT Digital, Tập đoàn FPT nhận định.
Mobile Money hết thời hạn thí điểm: Hàng triệu tài khoản có nên gia hạn?
- 2 năm đạt gần 4 triệu người dùng, Mobile Money được gia hạn thí điểm đến hết 2024 20/11/2023 06:33
- Giao dịch gần 1.600 tỷ đồng, Mobile Money 'phả hơi nóng' vào cuộc đua thanh toán không tiền mặt 03/07/2023 11:48
- 'Tốc độ phát triển khách hàng mới của Mobile Money có xu hướng giảm dần' 17/10/2022 01:44
Vào công trường thi công 600 căn nhà ở xã hội tại Long Biên - Hà Nội
(VNF) - Chung cư cao tầng CT1 thuộc khu nhà ở xã hội Thượng Thanh sẽ cung cấp khoảng 600 căn hộ cho người thu nhập thấp, dự kiến mở bán trong năm 2025.