Cập nhật: 144 nhà ngoại giao Nga tại 27 nước phải ‘hồi hương’

Lê Anh - 28/03/2018 10:26 (GMT+7)

(VNF) - Cho đến nay đã có 144 nhà ngoại giao Nga tại 27 nước nhận thông báo bị trục xuất về nước. Đây là đợt trục xuất lớn chưa từng có kể từ cao điểm Chiến tranh Lạnh.

VNF
144 nhà ngoại giao Nga tại 27 nước nhận thông báo bị trục xuất về nước

Những nước này bao gồm: Belgium (trục xuất 1 người), Croatia (1 người), Cộng hòa Séc (3 người), Đan Mạch (2 người), Estonia (1 người), Phần Lan (1 người), Pháp (4 người), Đức (4 người), Hungary (1 người), Ireland (1 người), Italy (2 người), Latvia (1 người), Lithuania (3 người), Hà Lan (2 người), Ba Lan (4 người), Romania (1 người), Tây Ban Nha (2 người),  Thụy Điển (1 người), Albania (2 người), Úc (2 người), Canada (4 người), Macedonia (1 người): Moldova (3 người), Na Uy (1 người), Ukraine (13 người), Mỹ (60 người), Anh (23 người).

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 27/3 cũng tuyên bố liên minh quân sự này đã trục xuất 7 nhà ngoại giao thuộc phái bộ của Nga tại NATO để "bày tỏ tình đoàn kết" với Anh liên quan vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái bị đầu độc tại thành phố Salisbury của Anh.

Phát biểu họp báo tại trụ sở NATO ở thủ đô Brussels, Bỉ, ông Stoltenberg khẳng định NATO quyết định giảm tối đa quy mô phái bộ Nga tại NATO từ 30 người xuống còn 20 người. Ngoài ra, NATO cũng từ chối tiếp nhận 3 nhà ngoại giao Nga, mặc dù không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Moscow đứng sau hành động tấn công ông Skripal.

Người đứng đầu NATO cũng cáo buộc Nga "thiếu phản ứng một cách xây dựng" trong vụ việc lần này và muốn Moscow phản ứng lại đòn trừng phạt của phương Tây một cách "xây dựng" hơn.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đánh giá việc các nước như Mỹ, Australia, Canada và nhiều đồng minh thân cận của Anh tại Liên minh châu Âu (EU) đồng loạt trục xuất các nhà ngoại giao Nga đánh dấu "bước ngoặt" về cách tiếp cận của phương Tây trong quan hệ với Nga.

Các điều tra viên Anh tiến hành khảo sát hiện trường vụ nghi đầu độc hôm 4/3.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27/3 đã điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, bày tỏ sự nhất trí về phản ứng với Nga.

Trước đó, trong phát biểu tại Hạ viện Anh tối ngày 26/3, Thủ tướng Anh Theresa May cũng đề cập đến việc 6 quốc gia đang cân nhắc việc ủng hộ Anh tẩy chay về mặt ngoại giao đối với Vòng chung kết World Cup 2018 sẽ diễn ra tại Nga trong mùa Hè năm nay.

Đáp lại những động thái này, bà Maria Zakharova, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga ngày 27/3 tuyên bố rằng hành động trục xuất các nhà ngoại giao Nga của một số quốc gia phương Tây là hành động gây hấn vô lý, đặc biệt trong bối cảnh tại Nga vừa xảy ra thảm kịch ở thành phố Kemerovo khi trung tâm thương mại bị cháy khiến 64 người chết.

"Chúng tôi luôn luôn bày tỏ sự chia buồn đối với người dân Mỹ và người dân châu Âu mỗi khi có thảm kịch xảy ra tại quê hương họ. Ngày hôm nay chúng tôi có nhận được lời chia buồn, nhưng thực tế chúng tôi thấy hành động gây hấn vô lý, hành động khó tin và khó có thể quên được", bà nói.

Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal cùng con gái bị phát hiện bất tỉnh hôm 4/3 tại thành phố Salisbury, Anh. London cho rằng ông Skripal đã bị trúng chất độc thần kinh có tên Novichok. Anh nghi ngờ Nga hạ độc cha con ông Skripal.

Anh mở màn bằng việc trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga hôm 17/3. Kể từ đó, 23 nước đã "bày tỏ tình đoàn kết cùng Anh". Trong đó, Mỹ trục xuất 60 nhân viên ngoại giao Nga.

Trong khi đó, Nga coi cáo buộc này là "vô căn cứ" và tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng. Mới đây Chính phủ Nga cũng đã ra lệnh trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh.

Ở một động thái khác, gần 160 nước không thuộc khối phương Tây đã thúc giục Anh sớm đưa ra bằng chứng cho thấy họ có cơ sở để cáo buộc Nga có liên quan tới vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal.

>> Ông Kim Jong-un làm gì, cam kết gì tại Trung Quốc?

Theo Businessinsider
Cùng chuyên mục
Tin khác