Cập nhật bảng lãi suất các ngân hàng sau quyết định của Thống đốc

Minh Dũng - 18/03/2023 10:19 (GMT+7)

(VNF) - Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất điều hành, lãi suất huy động đã được điều chỉnh giảm nhanh và mạnh. Còn việc giảm lãi suất cho vay đang có độ trễ nhất định.

VNF

Lãi suất huy động đua nhau giảm nhanh

Ngay sau khi NHNN quyết định hạ lãi suất điều hành, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động mới với mức giảm mạnh tại nhiều kỳ hạn từ ngày 16/3.

Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng được các ngân hàng thương mại duy trì bằng mức trần theo quy định của NHNN là 6%/năm. Còn các kỳ hạn trên 6 tháng, lãi suất huy động giảm đáng kể so với mức áp dụng hồi đầu tháng 3. Trong đó, kỳ hạn 12 tháng giảm 0,1-0,2%/năm. Một số ngân hàng còn giảm tới 0,5%/năm.

Từ ngày 16/3, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) điều chỉnh lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6-12 tháng giảm 0,3%/năm, xuống mức 7,8-8,2%/năm cho hình thức gửi tại quầy; lãi suất các kỳ hạn dài từ 13-36 tháng chỉ còn 7,8%/năm, thay vì trên 9%/năm như hồi đầu tháng 3. Với hình thức gửi tiền online, lãi suất tại VietABank giảm từ mức 9-9,1%/năm xuống 8,5 - 8,6%/năm cho kỳ hạn từ 6-11 tháng; các kỳ hạn 12, 13 và 15 tháng cũng giảm còn 8,7%/năm.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố giảm 0,5%/năm lãi suất tiền gửi online, lĩnh lãi cuối kỳ của kỳ hạn 6 tháng giảm còn 8,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 8,7%/năm.

Tại DongABank, từ ngày 16/3, ngân hàng này cũng điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dưới 12 tháng giảm từ 0,5 - 0,65%/năm. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1-3 tháng giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm; kỳ hạn 6 tháng giảm từ 8,55%/năm xuống 7,9%/năm.

Trước đó, ngay sau khi NHNN công bố giảm lãi suất điều hành, ngày 15/3, nhóm ngân hàng Big 4, gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã đồng loạt điều chỉnh lãi suất huy động xuống 7,2%/năm tại các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên.

Mức lãi suất này đã được điều chỉnh giảm 0,2%/năm so với với mức trước đó, đối với các khoản tiền gửi tại quầy. Với kỳ hạn từ 6-9 tháng, lãi suất phổ biến ở mức 5,8%/năm, riêng BIDV niêm yết lãi suất nhỉnh hơn cho kỳ hạn 9 tháng là 5,9%/năm.

Từ trước khi NHNN công bố giảm lãi suất điều hành, một số ngân hàng đã điều chỉnh giảm biểu lãi suất huy động.

Từ ngày 14/3, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) điều chỉnh giảm mạnh lãi suất nhiều kỳ hạn. Theo đó, lãi suất tiết kiệm cao nhất đã xuống dưới 9%/năm; trong đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng cùng giảm về mức 8,9%/năm, kỳ hạn 24 tháng là 8,4%/năm; giảm từ 0,2-0,4%/năm so với trước đó.

Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ 0,1-0,5%/năm ở nhiều kỳ hạn kể từ 14/3. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng hiện còn 8,5%/năm; 12 tháng giảm còn 8,55%/năm, kỳ hạn 60 tháng giảm còn 8,2%/năm. Lãi suất cao nhất tại nhà băng này cũng giảm từ 9%/năm xuống 8,65%/năm, áp dụng cho tiết kiệm online kỳ hạn từ 15-30 tháng.

Trước đó, từ 6/3, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6-12 tháng tại các ngân hàng thương mại đã giảm từ 0,2-0,5%/năm.

Theo NHNN, mặt bằng lãi suất đến nay đã dần ổn định. Lãi suất tiền gửi phát sinh của các ngân hàng hiện khoảng 6,7%/năm và lãi suất cho vay phát sinh khoảng 9,4%/năm.

Cập nhật đến ngày 17/3, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của hầu hết ngân hàng thương mại đã giảm xuống dưới 9%/năm. Hiện chỉ còn Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) và VPBank niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 9,2%/năm và 9,1%/năm; Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) và Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank) cùng niêm yết ở vùng 9%/năm.

Lãi suất cho vay chưa giảm ngay



Lần đầu tiên trong vòng 2 năm, NHNN giảm các mức lãi suất điều hành từ 0,5 đến 1 điểm % nhằm kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. 4 mức lãi suất được điều chỉnh giảm là: lãi suất tái chiết khấu; lãi suất cho vay qua đêm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa với các lĩnh vực ưu tiên; các khoản vay ngắn hạn qua quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô.

Ngay sau quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN, nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Tuy nhiên, lãi suất cho vay chưa giảm ngay theo lãi suất điều hành.

Theo các chuyên gia, mặc dù lãi suất tiết kiệm đã hạ nhiệt nhưng lãi suất cho vay bao giờ cũng có độ trễ nhất định.

"Thông thường lãi suất huy động sẽ được giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Thời điểm hiện tại, lãi suất đầu vào đã bắt đầu có những dấu hiệu hạ nhiệt. Khả năng cao đến những tháng cuối năm lãi suất cho vay sẽ bắt đầu có sự hiệu chỉnh", ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập công ty tư vấn tài chính FIDT, dự báo về thời gian hạ lãi suất cho vay.

Còn theo TS. Đinh Thế Hiển, việc giảm lãi suất cho vay có thể được diễn ra sớm hơn. "Dự kiến trong quý I/2023, phổ lãi suất huy động sẽ có thể về mức 6,5-7% đối với các ngân hàng tốt và 8-9% đối với các ngân hàng vừa và nhỏ. Có thể, hết quý II/2023 tình hình lãi suất huy động sẽ trở lại bình thường dao động trong khoảng ±7%/năm và lãi suất cho vay có thể quanh mốc 10-11%", ông Hiển nhận định.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu, trước áp lực tỷ giá và lạm phát thì việc hạ lãi suất cần thận trọng và có lộ trình, trong đó, lãi suất cho vay nên giảm dần về mức 9% là phù hợp.

Gần đây, thực hiện các chủ trương của NHNN, song song với việc hạ lãi suất đầu vào, nhiều ngân hàng đã rục rịch giảm lãi suất cho vay và đồng loạt triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Nhiều ngân hàng giảm lãi vay với mức giảm cao nhất lên tới 3%/năm, áp dụng cho cả khoản vay kinh doanh bất động sản.

Theo NHNN, tính đến cuối tháng 2/2023, tổng cộng đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân; lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới giảm khoảng 0,43%/năm so với cuối năm 2022.

Mới đây nhất, ngày 8/3, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) thực hiện giảm lãi suất cho vay từ 1,5-2%/năm, đồng thời đưa ra thị trường những giải pháp vay mới với lãi suất ưu đãi dành cho cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.

Việc NHNN hạ lãi suất điều hành dù chưa tác động ngay nhưng là cơ sở để doanh nghiệp kỳ vọng các ngân hàng thương mại thực hiện giảm lãi suất cho vay. Nếu trong thời gian tới, lãi suất cho vay tiếp tục được giảm thêm sẽ là bệ đỡ cho các doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Cùng chuyên mục
Tin khác