Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Đà giảm của lãi suất còn gặp nhiều lực cản
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quyết định giảm 1 điểm % một số loại lãi suất điều hành và giảm 0,5 điểm % đối với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng nội tệ đối với một số lĩnh vực ưu tiên từ ngày 15/3.
Nhiều chuyên gia nhận định, tốc độ giảm lãi suất của NHNN trong thời gian tới là không nhiều bởi trước đó Việt Nam đã duy trì một nền lãi suất rất thấp và mới chỉ tăng 2% trong đợt tăng lãi suất vừa qua.
Các chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng việc điều chỉnh lãi suất điều hành là phù hợp với tình hình hiện tại khi NHNN giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn và trần lãi suất huy động đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng.
Cùng với đó, lãi suất tái chiết khấu giảm mạnh với mục đích hỗ trợ nền kinh tế và định hướng giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Lãi suất tái chiết khấu thường là lãi suất tham chiếu ở mức sàn cho lãi suất liên ngân hàng. Điều này cho thấy NHNN đã có sự đánh đổi đối với mục tiêu ổn định tỷ giá.
"Đầu năm 2023, chúng tôi cho rằng nhiều khả năng NHNN sẽ duy trì mặt bằng lãi suất điều hành và đánh đổi một số mục tiêu chính sách, ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng và ổn định thị trường tiền tệ trong nước.
Việc điều chỉnh giảm lãi suất điều hành là khá bất ngờ, tuy nhiên quyết sách điều hành chính sách tiền tệ mới nhất của NHNN có thể coi là hành động thức thời trong bối cảnh lãi suất huy động trong nước đã có xu hướng hạ nhiệt và môi trường vĩ mô thế giới có những chuyển biến mới," báo cáo của VDSC viết.
Các chuyên gia của VDSC cũng cho biết, lãi suất huy động và cho vay phần nhiều vẫn phụ thuộc vào cung - cầu vốn trong thời gian tới. Tuy nhiên, tín dụng tăng tốc trong các quý tới cùng với áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp tăng trở lại có thể sẽ là lực cản đối với đà giảm tiếp của lãi suất huy động.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, ố trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trong năm nay sẽ ở khoảng 300.000 tỷ đồng và phía doanh nghiệp rất khó khăn để thu xếp vốn trả nợ cho các trái chủ, trong khi các ngân hàng cũng nắm giữ một lượng trái phiếu không nhỏ. Nếu các nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp không có khả năng trả nợ trong năm nay thì trái phiếu mà các ngân hàng đang nắm giữ có thể đi vào tình trạng không trả được nợ.
Ông Hiếu cho biết hiện vốn chủ sở hữu của ngành ngân hàng khoảng 1.700 tỷ đồng với hệ số an toàn vốn (CAR) 11,69%, nhưng trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng đang nắm giữ trở thành nợ xấu, có thể sẽ kéo hệ số CAR xuống dưới 10%, gây ra rủi ro rất lớn cho hệ thống ngân hàng.
Thời gian gần đây, các nhà băng đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi nhằm giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Song tốc độ tăng trưởng tín dụng thời gian qua đã chậm lại. Số liệu từ NHNN cho hay, tính từ đầu năm đến ngày 24/2/2023, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,77%, thấp hơn hẳn mức tăng 2,52% của cùng kỳ năm 2022.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, tín dụng 2 tháng đầu năm tăng chậm do một số nguyên nhân. Đáng chú ý là 2 tháng đầu năm trùng vào dịp Tết Nguyên đán; sức khỏe nhiều doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, không đáp ứng được các điều kiện vay vốn; đơn hàng của nhiều doanh nghiệp suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 3/3, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, kinh tế thế giới bước đầu đã tránh được nguy cơ suy thoái nhưng đang phục hồi chậm và còn diễn biến phức tạp. Trên thị trường tài chính quốc tế, các ngân hàng trung ương trên thế giới có xu hướng tiếp tục tăng lãi suất. Diễn biến của USD đang tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối của NHNN khi vừa phải nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất vừa phải ổn định tỷ giá.
Trước việc Fed phát đi thông điệp trong đợt điều hành lãi suất tới đây có thể tăng mạnh lãi suất, nhiều ý kiến cho rằng, điều này sẽ tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND, theo đó sẽ "cản đường" giảm lãi suất - mục tiêu mà nhà quản lý tiền tệ đang hướng đến.
Lãi suất cho vay khó giảm ngay
Dù nhiều ngân hàng đã công bố các chương trình giảm lãi suất song cơ quan quản lý cũng thừa nhận nỗ lực giảm lãi suất trong năm 2023 là một thách thức đặt ra cho ngành ngân hàng trong năm nay.
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú mới đây cho biết, năm 2023, một trong những thách thức lớn nhất là lạm phát cao, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất, do đó, áp lực tăng lãi suất rất cao.
Mặc dù lãi suất tiết kiệm thời gian gần đây đã hạ nhiệt song lãi suất cho vay bao giờ cũng có độ trễ nhất định.
"Thông thường lãi suất huy động sẽ được giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Thời điểm hiện tại, lãi suất đầu vào đã bắt đầu có những dấu hiệu hạ nhiệt. Khả năng cao đến những tháng cuối năm lãi suất cho vay sẽ bắt đầu có sự hiệu chỉnh", ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập công ty tư vấn tài chính FIDT, dự báo về thời gian hạ lãi suất cho vay.
Còn theo TS. Đinh Thế Hiển, việc giảm lãi suất cho vay có thể được diễn ra sớm hơn. "Dự kiến trong quý I/2023, phổ lãi suất huy động sẽ có thể về mức 6,5-7% đối với các ngân hàng tốt và 8-9% đối với các ngân hàng vừa và nhỏ. Có thể, hết quý II/2023 tình hình lãi suất huy động sẽ trở lại bình thường dao động trong khoảng ±7%/năm và lãi suất cho vay có thể quanh mốc 10-11%", ông Hiển nhận định.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, lãi suất huy động và lãi suất cho vay còn dư địa tăng trong năm 2023, nhưng sẽ dần hạ nhiệt nửa cuối năm.
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu, năm nay là năm thách thức với ngành ngân hàng trong bối cảnh lạm phát cao trên thế giới. Bên cạnh đó, lãi suất tại Việt Nam vẫn neo ở mức cao và các biến động khó lường trên thị trường tài chính như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trước áp lực tỷ giá và lạm phát thì việc hạ lãi suất cần thận trọng và có lộ trình, trong đó, lãi suất cho vay nên giảm dần về mức 9% là phù hợp.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.