Nhân vật

CEO Tập đoàn Xuân Nguyên: 'Có quá nhiều khó khăn để khôi phục kinh doanh hậu Covid-19'

(VNF) - Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, Uỷ viên ban chấp hành Hiệp hội Doanh Nghiệp TP. HCM, cho rằng “độ trễ” của chính sách là điều doanh nghiệp lo lắng hiện nay. Hiện có quá nhiều khó khăn để khôi phục kinh doanh hậu Covid-19.

Ngay trong những ngày giãn cách xã hội và ngay trong giai đoạn thiết lập trạng thái bình thường mới vì dịch Covid-19, Chính phủ đã liên tục thông tin trấn an và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, khá nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận được gói hỗ trợ cần thiết để họ vực dậy.

Là một doanh nghiệp đang phải gánh những khủng hoảng do dịch Covid-19, ông Vũ nhìn nhận chính sách hỗ trợ của Chính phủ với doanh nghiệp là rất cần thiết. Ông chia sẻ: “Chính phủ Việt Nam đang có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Những chính sách này rất thiết thực nhưng khi triển khai vào từng doanh nghiệp thì chưa được nhanh như sự quyết liệt của Chính phủ.”

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi rất mong chính sách đến với doanh nghiệp nhanh hơn vì với doanh nghiệp việc khôi phục sau dịch rất cần thiết.”

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên.

Bên cạnh đó, trong vai trò là thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM, ông cũng nhận thấy nhiều doanh nghiệp đang âu lo liệu dịch Covid-19 có thể quay trở lại hay không? Nếu Việt Nam ngăn chặn được dịch nhưng thế giới vẫn còn dịch thì cũng khó khăn cho doanh nghiệp không ít. Cụ thể là thương mại với các quốc gia khác vẫn chưa thể kết nối, xuất- nhập hàng hóa bị đình trệ vì khách hàng đang tạm dừng mua-bán với doanh nghiệp trong nước.

"Chính lúc này đây, chính sách hỗ trợ của nhà nước nếu áp dụng sớm ngày nào thì tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam ngày đó", ông Vũ nhấn mạnh.

Ở góc độ tài chính, cụ thể là thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế giá trị gia tăng, ông Vũ cho rằng vẫn còn khá cao: “Theo tôi, thuế TNDN 20% hiện hành vẫn còn ở mức cao so với mặt bằng chung của các quốc gia và chưa khuyến khích doanh nghiệp.”

Theo dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, Nhà nước sẽ giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội năm 2020 không quá 100 người.

Tuy mức hỗ trợ dự kiến cao như vậy nhưng thực tế, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng từ Covid-19, doanh nghiệp đang rất khó khăn, không ít doanh nghiệp phải đóng cửa, phá sản. Số doanh nghiệp dự kiến hoạt động có lãi trong năm nay rất ít. Vì vậy, dù là chính sách hỗ trợ, động viên doanh nghiệp vượt khó, phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đa số doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa khó hưởng lợi từ chính sách này.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã kiến nghị, khẩn thiết mong Nhà nước, chính phủ xem xét giảm thuế giá trị gia tăng ít nhất 1 năm, nhất là đối với sản phẩm có nguồn gốc nông nghiệp, để chia sẻ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, thiết thực hơn. Chỉ cần thuế giá trị gia tăng giảm từ 10% xuống còn 3-5% thì giá thành và giá bán sản phẩm sẽ rẻ hơn, người tiêu dùng sẽ mua nhiều hơn, doanh nghiệp bán được nhiều sản phẩm hơn.

Dù rằng Nhà nước có thể mất nguồn thu nhưng đó là giải pháp thiết thực để kích cầu, giúp làm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm nội địa.

Song song với các biện pháp giảm thuế, nếu công tác cải cách thủ tục hành chánh, tạo môi trường đầu tư – kinh doanh minh bạch, thông thoáng thì sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, góp phần tạo động lực cho doanh nghiệp tăng tốc làm ăn. Một khi công việc làm ăn thuận lợi, có lợi nhuận, doanh nghiệp sẽ vui vẻ đóng thuế để thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước và xã hội.

Hậu Covid-19, một khó khăn khác mà doanh nghiệp phải đối mặt là tìm kiếm nguồn nhân lực. Thực tế với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại dịch đã tác động rất mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp buộc phải cho nhân viên nghỉ việc, cắt giảm thời gian làm việc. Đến lúc quay lại trạng thái bình thường, doanh nghiệp cũng rất khó khăn vì thiếu hụt nguồn nhân lực cần thiết, nhất là nhân lực chất lượng. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp khi chưa chẩn bị đầy đủ khả năng ứng phó rủi ro và quản trị tốt nguồn nhân lực. Tuy nhiên, điều tích cực là doanh nghiệp có thể học được bài học này. Từ đó, giúp họ xây dựng văn hóa doanh nghiệp tốt hơn để nhân viên, người lao động gắn bó và nâng cao tinh thần làm việc hậu Covid.

Tin mới lên