'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Hiện nay, 100% các ngân hàng đều đã số hoá phần lớn hoạt động và dịch vụ của ngân hàng truyền thống nhờ áp dụng công nghệ mới. Với việc số hoá mạnh mẽ các dịch vụ đã giúp khách tiết kiệm thời gian và giảm thiểu tối đa các thủ tục khi mà các giao dịch có thể được thực hiện ở mọi nơi mọi lúc. Đồng thời, số hoá cũng giúp tăng hiệu suất làm việc, tiết kiệm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh cho ngân hàng.
Tuy nhiên, chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu tiên, đó chính là hoạt động tối ưu hóa, số hóa dịch vụ truyền thống. Theo chuyên gia từ Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (EY Consulting Việt Nam), chuyển đổi số ở bất kỳ đâu cũng phải trải qua 3 giai đoạn. Thứ nhất, tối ưu hóa về số đối với mảng dịch vụ ngân hàng truyền thống. Thứ hai, tạo nền tảng số trong một ngân hàng. Thứ ba, hình thành một ngân hàng số mới toàn diện.
Hiện mô hình ngân hàng số hoàn toàn mới đã bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam dưới dạng ngân hàng con thử nghiệm trong các ngân hàng mẹ truyền thống. Đầu tháng 3/2023, OCB ra mắt ngân hàng số Liobank. Trước đó, thị trường đã biết đến cái tên đầu tiên Timo - hiện hoạt động trong Viet Capital Bank. Trong khi đó, VPBank đang đầu tư cho Cake, còn MSB thì có Tnex… Hiện các mô hình thí điểm ngân hàng số ở Việt Nam vẫn hoạt động trên giấy phép của ngân hàng mẹ.
Chuyển đổi số ngân hàng là một xu thế phát triển tất yếu và là yêu cầu bắt buộc mà không còn là sự lựa chọn của ngành ngân hàng. Nhất là khi các ngân hàng đang hướng tới những khách hàng trẻ tuổi có thói quen sử dụng công nghệ cho giao dịch và thanh toán. Kết quả nghiên cứu thái độ về ngân hàng kỹ thuật số của Chase cho thấy, 98% thế hệ Y (Gen Y, sinh trong giai đoạn 1981 - 1996) và 99% thế hệ Z (Gen Z, sinh trong giai đoạn 1997 - 2012) thường xuyên sử dụng các ứng dụng di động để thực hiện các giao dịch thanh toán thay vì đến ngân hàng. Nhiệm vụ của các ngân hàng không chỉ đáp ứng được nhu cầu và mong đợi của người dùng hiện tại mà còn đón đầu cả tương lai.
Ở Việt Nam, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng được xem là một trong những định hướng ưu tiên của Chính phủ. Ngày 11/5/2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN về “Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
NHNN đặt mục tiêu cho các mốc 2025 tới 2030 tương ứng 50-70% nghiệp vụ ngân hàng cho phép thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 50-80% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số; có 60-80% đơn vị có doanh thu từ kênh số đạt trên 30%; 50-70% quyết định giải ngân của ngân hàng, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng cá nhân được số hoá và 70-90% hồ sơ công việc được lưu trữ/xử lý trên môi trường số.
Vài năm gần đây, hầu hết ngân hàng tại Việt Nam đã có những bước đầu tư nghiêm túc trong việc mở rộng các dịch vụ ngân hàng số và thiết lập hệ sinh thái ngân hàng số một cách toàn diện. Đặc biệt, cú sốc Covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng tại Việt Nam nhanh hơn từ 3-5 năm.
Đến nay, nhiều ngân hàng đã định hình lại chiến lược của mình và xác định chuyển đổi số là lựa chọn để tồn tại, bắt kịp xu hướng và tạo lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh công nghệ đang chi phối tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế và thói quen người tiêu dùng. Trong giai đoạn đầu của chặng đường dài chuyển đổi số, các ngân hàng tập trung số hoá nhanh nhất các dịch vụ hiện có để đưa lên không gian số, đồng thời không tiếc tiền đầu tư nền tảng số tối ưu để tạo sự khác biệt.
Ông Phạm Quang Minh, Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam, cho rằng: Phát triển ngân hàng số là mục tiêu chiến lược của hầu hết các ngân hàng nhằm đáp ứng sự thay đổi của nền kinh tế, thời đại số cũng như đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tận dụng lợi thế của công nghệ số như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, tự động hoá quy trình, các ngân hàng đã và đang liên tục chuyển đổi các quy trình truyền thống sang dịch vụ số cả trong nội bộ và kênh số phục vụ người dùng.
Bên cạnh việc nâng cao trải nghiệm người dùng, cải thiện hiệu quả tích hợp dữ liệu và tự động hoá quy trình, chuyển đổi số tại các ngân hàng đang hướng tới mức độ cao hơn là sự thấu hiểu về khách hàng số thông qua các hành vi, nhu cầu và sở thích để cá thể hoá các dịch vụ trong khi vẫn tăng cường an toàn dữ liệu.
Thời gian qua, nhiều ngân hàng đã chủ động ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động ngân hàng, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích an toàn. Nhiều ngân hàng chủ động hợp tác các hãng công nghệ lớn, các công ty Fintech để cho ra đời ngân hàng số thế hệ mới (Neobanking) hướng đến tập khách hàng trẻ, chú trọng vào trải nghiệm khách hàng vượt trội chỉ trên kênh số.
NHNN cho hay, 95% các tổ chức tín dụng Việt Nam đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số toàn diện, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới vào hoạt động cung ứng dịch vụ giúp đơn giản hóa quy trình thủ tục, rút ngắn thời gian cung ứng dịch vụ và hỗ trợ công tác đánh giá, phân loại khách hàng.
Đến cuối năm 2022, nhiều ngân hàng ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số, vượt mục tiêu đặt ra tại Quyết định 810/QĐ-NHNN 2021 về kế hoạch chuyển đổi số là 70% đến năm 2025. Hệ sinh thái ngân hàng số, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với nhiều dịch vụ số khác trong nền kinh tế, mang lại các trải nghiệm liền mạch và lợi ích to lớn cho người sử dụng dịch vụ trên không gian số.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng qua Internet mỗi ngày. Tốc độ tăng trưởng về lượng giao dịch trên mobile banking tại Việt Nam là 200%. Giá trị giao dịch tiền với riêng kênh điện thoại di động đạt khoảng 300 nghìn tỷ đồng/ngày.
Quá trình chuyển đổi số ngân hàng tại Việt Nam trong thời gian qua đạt đã được kết quả tích cực. Điều này đã và đang tạo ra những cơ hội mới nhưng cũng đặt ra những thách thức mới. Chuyển đổi số của ngành ngân hàng đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn cho công nghệ, thiếu hụt nhân sự trình độ cao… trong khi luôn đối mặt rủi ro trong vấn đề bảo mật, xu hướng tội phạm công nghệ gia tăng; trong khi đó, hành lang pháp lý vẫn còn chậm hoàn thiện so với sự phát triển, nhiều khoảng trống pháp luật đang tạo ra những rủi ro cho các ngân hàng trong quá trình chuyển đổi.
Tuy nhiên, nhiều ngân hàng đã có những bước đi vượt qua khó khăn để vừa đáp ứng được các yêu cầu pháp luật, vừa triển khai thực tế ứng dụng ngân hàng số.
Về dài hạn, các ngân hàng cần phải có một chiến lược ngân hàng số bài bản, căn cơ với quyết tâm coi chuyển đổi số là mục tiêu sống còn; ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ số vào hoạt động ngân hàng để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số. Đồng thời, các dịch vụ ngân hàng số phải được phân tích, đánh giá kỹ lưỡng trước khi áp dụng. Có những ứng dụng có thể triển khai ngay nhưng cũng có những ứng dụng để phát triển phải kéo dài nhiều năm. Phải kiên trì thực hiện cho bằng được những nền tảng mang tính cốt lõi và toàn diện để tạo nên một ngân hàng số thực sự.
Có một thực tế là các ngân hàng đang chạy đua nâng cấp dịch vụ, phát triển các ứng dụng hơn là đầu tư lớn cho nền tảng dữ liệu, công nghệ. Các chuyên gia cho rằng, các ngân hàng nên có chiến lược chuyển đổi số toàn diện, cần đầu tư chuyển đổi cả hệ thống lõi lẫn nền tảng dữ liệu lớn nhằm tạo ra sự khác biệt cả về trải nghiệm khách hàng lẫn sản phẩm dịch vụ.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.