Neobank - mô hình ngân hàng số tương lai

Ngọc Sơn - 02/10/2022 00:09 (GMT+7)

(VNF) - Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhiều ngân hàng Việt chuyển đổi số ở tốp đầu đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt trước mục tiêu đề ra là 70% vào năm 2025.

VNF
Ông Phạm Quang Minh

Trao đổi với Đầu tư Tài chính, ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Mambu Việt Nam (thuộc Mambu - Đức, công ty hàng đầu trong lĩnh vực điện toán đám mây, cung cấp giải pháp công nghệ số cho ngân hàng trên toàn cầu), cho rằng phát triển ngân hàng số là mục tiêu chiến lược của hầu hết các ngân hàng nhằm đáp ứng sự thay đổi của nền kinh tế, thời đại số cũng như đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Tận dụng lợi thế của công nghệ số như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, tự động hoá quy trình, các ngân hàng đã và đang liên tục chuyển đổi các quy trình truyền thống sang dịch vụ số cả trong nội bộ và kênh số phục vụ người dùng. Bên cạnh việc nâng cao trải nghiệm người dùng, cải thiện hiệu quả tích hợp dữ liệu và tự động hoá quy trình, chuyển đổi số tại các ngân hàng đang hướng tới mức độ cao hơn là sự thấu hiểu về khách hàng số thông qua các hành vi, nhu cầu và sở thích để cá thể hoá các dịch vụ trong khi vẫn tăng cường an toàn dữ liệu.

- Hiện đã xuất hiện các ngân hàng số dạng ngân hàng con thí điểm trong các ngân hàng truyền thống như Tnex, Cake, Timo… ông có thể chia sẻ sâu hơn về mô hình mới này?

Ông Phạm Quang Minh: Đây là môt mô hình kinh doanh mới điển hình, có thể gọi là ngân hàng thuần số “Digital-only Bank” hay Neobank.

Mô hình kinh doanh mới cho phép ngân hàng thực hiện mục tiêu chiến lược như tăng trưởng khách hàng mới, huy động vốn hay bán thêm, bán chéo sản phẩm của ngân hàng truyền thống, hoạt động tương đối độc lập với ngân hàng truyền thống nhưng vẫn chịu sự quản lý chặt chẽ của ngân hàng truyền thống nhằm tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Thông thường, Neobank sẽ có thương hiệu riêng, phân khúc khách hàng mới với định vị và sản phẩm tạo ra sự khác biệt. Dựa vào đặc điểm xây dựng mới từ ban đầu, không có yếu tố kế thừa nên Neobank sẽ thuận lợi trong việc xây dựng tổ chức, mô hình vận hành agile tiên tiến như tiến thẳng tới việc tận dụng nền tảng công nghệ số để triển khai ra mắt dịch vụ nhanh, đổi mới sáng tạo liên tục với chi phí thấp, so với ngân hàng truyền thống thì Neobank có tỷ lệ chi phí/doanh thu thấp hơn 10%-15% do chỉ cung cấp dịch vụ qua kênh số hoặc duy nhất trên ứng dụng di động.

- Vậy đâu là điểm khác biệt của các ngân hàng số mới so với ngân hàng truyền thống?

Có thể nhận ra sự khác biệt của mô hình ngân hàng số trên các điểm sau:

Thứ nhất là kênh giao tiếp với khách hàng. Ngân hàng truyền thống cung cấp dịch vụ đa kênh bao gồm cả kênh số và kênh vật lý (chi nhánh, RM) trong khi Neobank thường có một kênh trên điện thoại di động duy nhất.

Thứ hai là hành trình khách hàng. Neobank thường tạo ra hành trình số cho phép khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ tức thời không phụ thuộc vào sự hỗ trợ của nhân viên ngân hàng truyền thống hay các giấy tờ cần thiết.

Thứ ba là sản phẩm dịch vụ. Neobank mới chỉ tập trung vào nhóm khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh với các sản phẩm thanh toán, tiết kiệm và tín dụng thấp trong khi ngân hàng truyền thống cung cấp sản phẩm, dịch vụ toàn diện hơn cho cả khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp.

Thứ tư là mô hình vận hành. Tận dụng lợi thế công nghệ số, Neobank có mô hình vận hành linh hoạt, nguồn nhân lực tối ưu nhưng đòi hỏi kỹ năng mới, lấy khách hàng làm trọng tâm với chi phí phục vụ khách hàng thấp trong khi ngân hàng truyền thống vẫn theo hướng đặt trọng tâm sản phẩm với mô hình vận hành đa kênh đòi hỏi nguồn nhân lực lớn và chi phí cao.

Sự khác biệt lớn Neobank mang lại cho khách hàng là trải nghiệm khách hàng cá nhân hoá, hành trình khách hàng trực tuyến mọi lúc mọi nơi, miễn phí hoặc phí thấp và minh bạch, quy trình phê duyệt nhanh và tự động.

- Ông dự đoán tương lai của các ngân hàng số này thế nào và bao giờ nó trở nên phổ biến để có thể thay thế ngân hàng truyền thống?

Neobank mới ra đời nên cần thời gian để chứng minh sự tồn tại và phát triển để xây dựng sự tín nhiệm, khi đó sẽ được sự chấp nhận nhiều hơn từ phía người dùng.

Trước mắt, Neobank sẽ tiếp tục tận dụng lợi thế công nghệ để tạo ra nhiều dịch vụ khác biệt với tốc độ ra mắt thị trường nhanh, trong thời gian tới sẽ là các sản phấm tín dụng nhỏ, phê duyệt tự động nhanh chóng tập trung vào nhóm khách hàng bình dân sẽ hỗ trợ phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam. Bên cạnh đó, ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ trở nên rộng rãi trong suốt hành trình khách hàng để tiếp tục nâng cao trải nghiệm cá nhân hoá.

Tại Việt Nam, hiện chưa có giấy phép ngân hàng số cũng như một số hạn chế về cơ sở hạ tầng và quy định pháp lý nên Neobank và ngân hàng truyền thống sẽ tiếp tục phát triển song song với các định vị khác nhau phục vụ các phân khúc khác nhau và nhu cầu đa dạng của người dùng.

Tại Viêt Nam, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp giấy phép ngân hàng số riêng biệt nên các Neobank ở Việt Nam như Cake, Timo, Tnex đang hoạt động theo giấy phép của ngân hàng truyền thống.

Hy vọng trong tương lai gần Việt Nam sẽ cấp giấy phép cho ngân hàng số giống như các nước khác trong khu ASEAN, khi đó các ngân hàng số đủ điều kiện hoạt động động lập dưới định hướng của Ngân hàng Nhà nước về phạm vi và lĩnh vực hoạt động để hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế số phát triển cũng như đóng góp vào quá trình nâng cao tài chính toàn diện và thanh toán không dùng tiền mặt.

- Là nhà tư vấn giải pháp công nghệ cho ngân hàng số, theo ông. Việt Nam cần làm gì để sớm có ngân hàng số đích thực?

Tôi xin chia sẻ vài kinh nghiệm và suy nghĩ dưới góc độ nhà tư vấn và cung cấp công nghệ. Trong thời đại số, chiến lược số là chiến lược kinh doanh, chuyển đổi số là một quá trình chưa có điểm dừng và được diễn ra liên tục. Ngân hàng số nên cân nhắc là một mô hình kinh doanh mới được phát triển trong quá trình chuyển đổi số.

Các ngân hàng chậm tăng trưởng và chưa thực sự cạnh tranh thì nên tham khảo mô hình kinh doanh Neobank và mô hình “tài chính nhúng”.

Các ngân hàng ngân hàng cần có chiến lược dữ liệu, sử dụng dữ liệu để hiểu rõ, tương tác và tư vấn cho khách hàng.

Các ngân hàng đã triển khai nguyên tắc kinh doanh lấy khách hàng làm trọng tâm, nhưng tổng chi phí phục vụ khách hàng còn quá cao, cần cân nhắc việc chuyển đổi từ hệ thống ngân hàng lõi. Việc này sẽ giúp chuyển đổi các sản phẩm hiện hữu qua nền tảng mới với phi phí thấp hơn.

Ngân hàng với mô hình sản phẩm là trọng tâm, chi phí thấp, có thể cân nhắc mô hình khách hàng làm trọng tâm bằng việc xây dựng ngân hàng số nội bộ, xây dựng năng lực số mới như chấm điểm phê duyệt tín dụng thông qua dữ liệu bên thứ ba, sở hữu và duy trì khách hàng mới qua mô hình hệ sinh thái.

Cùng chuyên mục
Tin khác