Quản lý tài chính cá nhân trên ngân hàng số: Cơ hội lớn, rào cản nhiều

Minh Tâm - 26/08/2022 10:22 (GMT+7)

(VNF) - Bên cạnh rào cản về thói quen sử dụng dịch vụ ngân hàng, một thách thức khác trong việc phát triển dịch vụ quản lý tài chính cá nhân trên ngân hàng số đó là thiết lập cố vấn tài chính online.

VNF
Quản lý tài chính cá nhân trên ngân hàng số: Cơ hội lớn, rào cản nhiều

Tiềm năng rất lớn

Trong nhiều năm trở lại đây, các ngân hàng thương mại đã “xoay trục” từ trọng tâm là phục vụ khách hàng doanh nghiệp sang phục vụ khách hàng cá nhân. Xu hướng này đến nay vẫn còn “nóng hổi” khi tiềm năng phát triển vẫn còn rất lớn.

Trao đổi với VietnamFinance, ông Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Khối Bán lẻ, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), cho biết với gần 100 triệu dân và tỷ lệ dân số trẻ cao, cùng với đó, thu nhập, dân trí liên tục tăng, mức độ phổ cập và trình độ sử dụng Internet cao so với khu vực, Việt Nam là thị trường hấp dẫn không chỉ với các doanh nghiệp, ngân hàng nội địa mà còn là điểm đến mà nhiều tập đoàn tài chính, công ty fintech nước ngoài khao khát, tìm cách đổ bộ thông qua mở công ty tài chính, mua công ty tài chính, góp vốn hoặc trở thành đối tác chiến lược của các ngân hàng thương mại. Trên thực tế, rất nhiều ngân hàng, công ty tài chính cả trong và ngoài nước đã thành công khi phát triển các sản phẩm bán lẻ tại Việt Nam trong những năm qua.

“Khi trình độ của người dân tăng lên, nhu cầu sử dụng tài khoản ngân hàng vô cùng lớn. Các ngân hàng hiện nay rất quyết liệt cạnh tranh nhau để thu hút khách hàng online. Với gần 100 triệu dân và trình độ sử dụng Internet ngày càng được nâng cao, ngay cả người dân nông thôn cũng có nhu cầu mua sắm, bán hàng online. Bên cạnh đó, mức độ vay mua nhà, mua sắm bằng thẻ tín dụng tại Việt Nam vẫn khá thấp. Nhìn chung, thị trường bán lẻ của Việt Nam vẫn còn tiềm năng rất lớn và có nhiều cơ hội cho các ngân hàng, công ty tài chính, đặc biệt, lợi thế thuộc về các đơn vị có chiến lược phát triển nền tảng số đúng đắn”, ông Hương nhìn nhận.

Theo vị này, các ngân hàng Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nền tảng ngân hàng số. Thứ nhất, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương, chính sách khuyến khích công nghệ số, ngân hàng số. Thứ hai, tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh tại Việt Nam rất cao, Internet được phổ cập rộng rãi. Trên cơ sở đó, các ngân hàng trong vài năm qua đầu tư rất lớn để ứng dụng công nghệ số, phát triển nền tảng số, qua đó nắm bắt cơ hội tăng trưởng khách hàng theo cách mới nhanh hơn rất nhiều cách truyền thống.

Sự phát triển của công nghệ số cũng dần thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ tài chính của người dân. “Trước đây, khách hàng phải đi một cuốc taxi hoặc tự lái xe đến quầy giao dịch, mất thời gian và tiền bạc thì giờ đây, họ hoàn toàn có thể ngồi ở nhà, ở quán café, ở văn phòng để sử dụng cũng từng ấy dịch vụ, mọi thao tác vẫn chính xác, đơn giản và dễ dàng”, ông Hương lấy ví dụ.

Tuy nhiên, cơ hội càng lớn, thách thức càng cao. Công nghệ số khiến khách hàng ngày càng “lười”, mọi thứ phải sẵn có và phải nhanh. Một ngân hàng số nếu không đáp ứng được mọi nhu cầu cơ bản như thanh toán điện, nước, điện thoại, mua sắm online, thanh toán học phí, tiết kiệm, đầu tư sinh lời… thì rất có thể người dùng sẽ chuyển sang sử dụng ngân hàng số khác đáp ứng tốt hơn nhu cầu của họ.

Dùng công nghệ số để quản lý tài chính cá nhân

“Ở Việt Nam, thu nhập của người dân vẫn đang thấp nên nhu cầu quản lý tài chính cá nhân chưa cao, thói quen lập kế hoạch tài chính cá nhân chưa hình thành rõ nét. Tuy nhiên, tôi nghĩ càng ngày thu nhập của người dân Việt Nam sẽ càng cao, trình độ được nâng lên, đặc biệt là sự trưởng thành của thế hệ trẻ, sẽ khiến nhu cầu lập kế hoạch tài chính tăng cao. Xu thế sẽ là dùng công nghệ số để quản lý tài chính cá nhân thay vì quản lý thủ công như trước đây”, Giám đốc Ngân hàng số BIDV Nguyễn Chiến Thắng nói với VietnamFinance.

Theo ông Thắng, hiện nay, nếu khách hàng chuyển khoản, thanh toán trên ứng dụng ngân hàng số thì hệ thống hoàn toàn có thể tự động “hạch toán” vào hạng mục phù hợp để phục vụ quản lý tài chính cá nhân. Chẳng hạn, nếu khách hàng thanh toán tiền vé máy bay thì hệ thống tự động ghi nhận vào hạng mục chi tiêu cho du lịch, trả tiền điện thì ghi nhận vào hạng mục chi tiêu cho sinh hoạt, mà không phải ghi chép thủ công như trước. Bên cạnh đó, các hạng mục như vay mua nhà, vay tiêu dùng… hoặc các nguồn tiền về như tiền lương, tiền cho thuê nhà, thu nhập từ chứng khoán, tiết kiệm… cũng được hệ thống phân loại và lưu trữ. Tất cả các hoạt động tài chính của khách hàng liên quan tới thu nhập, chi tiêu, vay nợ, mua bảo hiểm… có thể được hệ thống tổng hợp thành một “báo cáo tài chính” theo tuần, theo tháng, theo quý, theo năm.

Điều này không chỉ giúp ích cho khách hàng trong việc quản lý tài chính cá nhân mà còn giúp các ngân hàng dễ dàng hơn trong việc đưa ra các đề xuất phù hợp với khách hàng. Chẳng hạn, khách hàng có nhu cầu tích lũy 30 triệu đồng sau 3 tháng để đi du lịch thì ngân hàng sẽ phân tích tình hình tài chính của khách hàng và đưa ra ngưỡng chi tiêu phù hợp, nếu khách hàng chi tiêu vượt ngưỡng hoặc có nguồn thu bị hụt đi thì hệ thống ngân hàng sẽ tự động cảnh báo, hoặc thông minh hơn nữa là đề xuất các khoản cho vay phù hợp với điều kiện tài chính của khách hàng để hiện thực hóa kế hoạch đi du lịch.

Trên thực tế, hệ thống công nghệ của các ngân hàng đã có thể đáp ứng những nhu cầu trên. Tuy nhiên rào cản lớn nhất hiện nay là thói quen sử dụng dịch vụ ngân hàng. Một người có thể sử dụng dịch vụ của 3, 4 ngân hàng khác nhau, chưa kể các nền tảng số khác như ví điện tử, ứng dụng đầu tư… nên dữ liệu tài chính cá nhân được ghi nhận một cách không đầy đủ, không phản ánh thực chất tổng tài sản cũng như dòng tiền của khách hàng.

“Người có tư duy lập kế hoạch tài chính sẽ quy các giao dịch về một sổ, hoặc chỉ sử dụng dịch vụ của một ngân hàng. Tôi nghĩ giới trẻ hiện nay đã có xu hướng này bởi nhu cầu của họ rất cao và đa dạng. Thế hệ trước làm việc chỉ để trang trải cuộc sống và tiết kiệm còn giới trẻ bây giờ thích trải nghiệm cuộc sống, nhu cầu du lịch, mua sắm rất cao nên rất cần lập kế hoạch tài chính”, ông Thắng chia sẻ.

Các ngân hàng hiện nay cũng rất tích cực xây dựng hệ sinh thái với tham vọng đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng chỉ trên một nền tảng đó là ngân hàng số, mục tiêu là nhằm biến ngân hàng mình trở thành kênh giao dịch chính của khách hàng.

Bên cạnh rào cản về thói quen sử dụng dịch vụ ngân hàng, một thách thức khác trong việc phát triển dịch vụ quản lý tài chính cá nhân trên ngân hàng số đó là thiết lập cố vấn tài chính online.

Xét trên khía cạnh cố vấn tài chính, rõ ràng kênh online đang thua kém hoàn toàn so với kênh offline. Việc thiết lập cố vấn tài chính online theo tư duy offline, tức là có người trực tiếp phục vụ khách hàng thông qua kết nối Internet, không phải là hướng đi đường dài.

Một hướng đi khác được các ngân hàng hướng đến hiện nay là sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (BigData) để tạo ra một con bot (robot mạng) đóng vai trò như là người cố vấn cao cấp về tài chính cho khách hàng online. Con bot này sẽ được “học” tuần tự từ thấp lên cao chỉ với một chuyên đề là tư vấn tài chính cá nhân với lượng kiến thức “khổng lồ”. Khi người dùng đặt câu hỏi rất đời thường như “đang có 200 triệu chưa biết đầu tư vào đâu” chẳng hạn, con bot sẽ hỏi người dùng về khẩu vị đầu tư, lý do muốn đầu tư…, tương tác với khách hàng như người thật và đưa ra các gợi ý.

Hướng đi là khá rõ nhưng theo ông Nguyễn Chiến Thắng, công nghệ hiện nay chưa đáp ứng được hoàn toàn kỳ vọng, bởi không dễ để thu thập dữ liệu lớn về người dùng.

“Đầu tiên là phải có hệ thống hứng tất cả các điểm chạm mà khách hàng từng ghé qua, ví dụ như website, fanpage, call center, quầy offline, kênh số... Không thể khống chế chỉ làm trên kênh số, phải gom dữ liệu chung rồi phân tích bằng AI thì mới phác họa được chân dung khách hàng, từ đó đưa ra tư vấn phù hợp. Thêm vào đó, chỉ với một khách hàng thôi đã có hàng nghìn thao tác khác nhau, với một triệu khách hàng thì hệ thống có đủ lớn để gom dữ liệu không?”, ông Thắng nêu góc nhìn.

Ngân hàng số cạnh tranh với fintech

Quan hệ giữa ngân hàng và fintech khá thú vị, vừa cộng sinh, lại vừa cạnh tranh nhau. Ngân hàng cần hiệu ứng từ fintech để kích thích giao dịch và giáo dục (educate) khách hàng, trong khi fintech lại rất cần ngân hàng cung cấp cổng thanh toán cũng như các dịch vụ tài chính. Hai thực thể này kết hợp “hoàn hảo” thông qua kết nối API.

Tuy nhiên, đằng sau sự cộng sinh này là một cuộc cạnh tranh của các nền tảng số.

“Xét trên khía cạnh tài chính cá nhân, tôi nghĩ cuộc chơi này sẽ dành phần thắng cho nền tảng nào được khách hàng chọn làm kênh giao dịch chính. Tất cả giao dịch được thực hiện trên cùng một nền tảng, khi đó khách hàng sẽ quản lý tài chính cá nhân một cách triệt để và thuận tiện nhất”, Giám đốc Ngân hàng số BIDV Nguyễn Chiến Thắng nhận định.

Đồng quan điểm, Giám đốc Khối Bán lẻ OCB Nguyễn Văn Hương cho hay trong bối cảnh các nền tảng fintech có thể đáp ứng được hầu hết các dịch vụ tài chính, bao gồm cả dịch vụ ngân hàng, thì nếu các ngân hàng không thay đổi, không theo kịp cuộc đua công nghệ số thì sẽ mất khách hàng.

“Không còn cách nào khác, ngân hàng phải ngày càng đáp ứng nhu cầu của người dùng, từ sản phẩm truyền thống, cơ bản đến các sản phẩm mới, sản phẩm đa năng, đột phá. Nếu có nhu cầu fintech đáp ứng được mà ngân hàng không đáp ứng được thì ngân hàng có thể bị mất thị phần. Fintech mạnh nhất là “đốt tiền” trong giai đoạn đầu, thường đi theo xu hướng mới chứ không có nền tảng cũ; còn ngân hàng thì có nền tảng khách hàng, thương hiệu, uy tín, hạ tầng công nghệ, năng lực quản trị và con người”, ông Hương cho hay, đồng thời nhấn mạnh ngân hàng cũng phải tự đổi mới, trẻ hóa, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.