Chính phủ Mỹ trả lãi 2 triệu USD/phút, Kho bạc thành 'nguồn kiếm tiền' cho nhà đầu tư

Minh Ý - 07/05/2024 10:26 (GMT+7)

(VNF) - Chính phủ Mỹ đang phải trả 2 triệu USD tiền lãi mỗi phút cho khoản nợ của mình.

Lãi suất neo cao, lãi nợ khổng lồ 

Lãi suất tăng vọt trong 2 năm qua đã mang tới nguồn lợi lớn cho các nhà đầu tư trái phiếu. Trái lại, nhiều “con nợ” lâm vào cảnh khốn đốn vì khoản tiền phải trả khi lãi suất neo cao.

Một trong những “con nợ” đó là chính phủ Mỹ - chính quyền đang phải trả số tiền lãi kỷ lục cho khoản nợ công lên tới 34.000 tỷ USD. 

Theo Bloomberg, trên thực tế, Kho bạc Mỹ đã trả khoảng 89 tỷ USD chi phí lãi vay cho khoản nợ tồn đọng trong tháng 3, tức là khoảng 2 triệu USD/phút. 

Các khoản thanh toán lãi này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tương lai gần do chính quyền Washington đang hướng tới những khoản chi tiêu kỷ lục, đi kèm đó và việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) không sớm cắt giảm lãi suất. 

Theo dữ liệu từ St. Louis Fed, chi tiêu trả lãi của chính phủ liên bang Mỹ dự kiến sẽ vượt quá 1.000 tỷ USD trong năm nay, đạt mức cao kỷ lục mọi thời đại và gần gấp đôi số tiền họ phải trả cho chi phí lãi vay trước khi Fed bắt đầu tăng lãi suất mạnh mẽ. 

Ước tính, Kho bạc Mỹ đã trả khoảng 234 tỷ USD chi phí lãi vay trong 3 tháng đầu năm 2023. Khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 4,5%, nó đã đảo ngược hoàn toàn so với thời kỳ lãi suất bằng 0. 

Giờ đây, các nhà đầu tư có thể tin tưởng vào mức lợi nhuận ổn định mà không có nguy cơ mất vốn thông qua Kho bạc Mỹ và họ dường như rất vui mừng với điều đó, bằng chứng là con số khổng lồ hơn 6.000 tỷ USD hiện đang nằm trong các quỹ thị trường tiền tệ. 

Năm ngoái, các nhà đầu tư đã bỏ túi gần 900 tỷ USD tiền lãi hàng năm từ nợ chính phủ Mỹ, gấp đôi mức trung bình của thập kỷ trước. Con số này dự kiến sẽ tăng lên khi hơn 90% Kho bạc có lãi từ 4% trở lên. 

Ảnh minh hoạ.

Kho bạc Mỹ trở thành nguồn thu tiềm năng 

Một mặt, việc chính phủ Mỹ phải trả khoản lãi khổng lồ được coi là hệ quả của việc lãi suất chuẩn ở Mỹ tăng từ 0% lên hơn 5% trong khoảng thời gian 2 năm. 

Nhưng vào thời điểm mà toàn bộ Phố Wall dường như đang tập trung vào việc liệu Cục Dự trữ Liên bang có thực sự cắt giảm lãi suất trong năm nay hay không - và những tranh cãi nảy lửa nổ ra về việc liệu trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm sẽ có lãi suất cao đến chừng nào, một số chuyên gia đã chỉ ra một sự thật: Sau khi bị chính sách lãi suất 0% “giữ làm con tin” trong gần 2 thập kỷ, Kho bạc Mỹ cuối cùng đã quay trở lại vai trò truyền thống của mình trong nền kinh tế. 

Đó là vai trò như một nguồn thu nhập mà các nhà đầu tư có thể nắm giữ, từ năm này qua năm khác, trong nhiều năm tới - bất kể lợi suất ở bất kỳ thời điểm nào. 

Nói rõ hơn về việc Kho bạc Mỹ trở thành một “nguồn kiếm cơm” của các nhà đầu tư, phải nhắc tới 2 hiện tượng kinh tế gần đây.

Đầu tiên là, trong khi lạm phát đang tiến gần đến mức mà Fed có thể xem xét cắt giảm lãi suất, thì gần đây, tiến trình hướng tới mục tiêu 2% đã bị đình trệ. Điều đó đã đẩy kỳ vọng cắt giảm lãi suất vào ít nhất là vào cuối năm nay.

Thứ hai, và có lẽ quan trọng hơn, đơn giản là nền kinh tế vẫn tiếp tục phát triển (bất chấp một số dấu hiệu hạ nhiệt trên thị trường lao động), điều này cho thấy Fed sẽ không cần phải hạ lãi suất nhiều. 

Kết quả là, các tài sản an toàn được phát hành bởi Bộ Tài chính (Kho bạc) - từ tín phiếu kho bạc kỳ hạn một tháng đến trái phiếu kỳ hạn 30 năm - giờ đây trở nên “báu bở” với những người đang tìm kiếm thêm thu nhập.

Các nhà đầu tư đã phản ứng bằng cách đổ tiền vào những tài sản này. Các quỹ thị trường tiền tệ - đầu tư vào chứng khoán ngắn hạn như tín phiếu kho bạc - đã chứng kiến tài sản của họ tăng lên mức kỷ lục 6.100 tỷ USD vào tháng 4. 

Trong khi đó, các quỹ trái phiếu đã thu về 300 tỷ USD vào năm 2023 và 191 tỷ USD tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, đảo ngược dòng vốn chảy ra vào năm 2022, vốn là đợt rút vốn lớn nhất trong lịch sử gần đây, theo dữ liệu của EPFR. Việc bán trực tiếp trái phiếu Kho bạc cho các cá nhân cũng tăng vọt. 

Một số chuyên gia ở Phố Wall lập luận rằng, cùng với sự tăng vọt của giá cổ phiếu, tiền lãi trả cho Kho bạc và các khoản đầu tư trái phiếu khác đang tạo ra hiệu ứng giàu có vật chất ở người Mỹ, với việc tiền mặt tăng thêm đóng vai trò giống như những tấm séc kích thích hỗ trợ khả năng phục hồi kinh tế đáng kinh ngạc. 

Theo Bloomberg, BI
Hy vọng rồi lại thất vọng, Phố Wall ‘nản chí’ với Fed

Hy vọng rồi lại thất vọng, Phố Wall ‘nản chí’ với Fed

Tài chính quốc tế
(VNF) - Phố Wall đã lùi dự đoán về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ tháng 3 đến tháng 6, sau đó đến tháng 9 và giờ đây các nhà đầu tư bắt đầu tự hỏi liệu có đợt cắt giảm nào hay không.
Cùng chuyên mục
Tin khác