'Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn manh mún'

Quỳnh Anh - 26/04/2024 12:29 (GMT+7)

(VNF) - Theo World Bank (WB), các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể đóng vai trò động lực tăng trưởng năng suất cho khu vực tư nhân ở Việt Nam.Ttuy nhiên, do nhiều yếu tố, hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước chưa có nhiều đột phá.

Khởi nghiệp sáng tạo: Động lực tăng trưởng mới

Phát biểu chuyên đề đặc biệt "Đẩy mạnh Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" thuộc khuôn khổ sự kiện công bố báo cáo điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB), ông Đặng Quang Vinh - Chuyên gia Cao cấp Khu vực Tư nhân của World Bank tại Việt Nam cho biết dù khu vực tư nhân trong nước rất năng động và tăng trưởng nhanh, nhưng năng suất vẫn chưa cao. Cụ thể, năng suất lao động bình quân tại Việt Nam năm 2020 vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực như Philippines, Indonesia, Thái Lan hay Malaysia.

Ông Vinh nhấn mạnh, "Để đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 khi các động lực tăng trưởng truyền thống đang dần không còn nữa, việc tăng năng suất trong khu vực tư nhân, đặc biệt là thông qua hệ thống doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, được coi là một trong những hướng đi hàng đầu".

Trong khi đó, theo WB, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đóng vai trò như động lực tăng trưởng và đặc biệt có ý nghĩa với các quốc gia thu nhập trung bình như Việt Nam, vì tăng trưởng năng suất trong tương lai của các quốc gia này chắc chắn ngày càng dựa trên đổi mới sáng tạo và hấp thụ công nghệ.

Tại Việt Nam, hoạt động khởi nghiệp ở mức độ cao, nhưng những thách thức trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam có thể gây cản trở cho sự gia nhập của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và cản trở tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp này.

Tạo môi trường thuận lợi hơn cho hệ sinh thái khởi nghiệp

Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh sự cần thiết có môi trường thuận lợi hơn vì các rào cản chính mang tính cơ cấu còn tồn tại ở nhiều lĩnh vực. Chúng bao gồm các rào cản pháp lý, thiếu hụt kỹ năng ngày càng tăng, tỷ lệ hấp thụ công nghệ thấp và những thách thức trong việc tiếp cận nguồn tài chính giai đoạn đầu. 

Bên cạnh các trở ngại liên quan tới R&D, vấn đề liên quan tới giáo dục và gây dựng lực lượng lao động chất lượng cao, những vấn đề về tiếp cận vốn cũng như sự hỗ trợ từ Chính phủ với hệ thống khởi nghiệp còn nhiều bất cập.

Báo cáo của WB cho biết "mặc dù đã có thành công trong triển khai nghị trình khởi nghiệp, nhưng các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Chính phủ còn manh mún".

"Hiện có 2 bộ được giao nhiệm vụ chính về hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam: Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phụ trách về chính sách đổi mới sáng tạo, còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) quản lý các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNV&N) và khởi nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động triển khai chính sách lại bị phân tán ở nhiều cơ quan trực thuộc, dẫn đến chồng chéo và thiếu phối hợp", trích báo cáo của WB.

Bên cạnh đó, hỗ trợ tài chính của Nhà nước cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp không phải lúc nào cũng được đối tượng thụ hưởng biết đến, đồng thời bị hạn chế về quy mô và phạm vi. 

Theo WB, Đề án 884 của Bộ Khoa học và Công nghệ được coi là chương trình hỗ trợ khởi nghiệp hàng đầu của Nhà nước, nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính và đào tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp qua trung gian là các trường đại học trên cả nước, đã hỗ trợ cho khoảng 2.000 dự án với tổng kinh phí khoảng 84 triệu USD kể từ năm 2018. Tuy nhiên, chất lượng và công tác xác định đối tượng đào tạo vẫn chưa đảm bảo theo quan điểm của các sáng lập viên và nhà đầu tư được nhóm của Ngân hàng Thế giới phỏng vấn.

Chương trình SpeedUp của TP. Hồ Chí Minh, được Sở Khoa học và Công nghệ thành phố triển khai trong "Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố Hồ Chí Minh" đã hỗ trợ được 1.500 doanh nghiệp khởi nghiệp trong giai đoạn 2018-2022 bằng cách cấp kinh phí cho các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian. Tuy nhiên, hiện chưa có chương trình tài trợ hoặc vốn vay có thể miễn giảm dành cho hoạt động thương mại hóa của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở giai đoạn ban đầu.

Ngoài ra, khả năng tiếp cận tài chính vẫn là thách thức lớn đối với khu vực tư nhân ở Việt Nam, nhất là đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Hỗ trợ tài chính của Nhà nước cho đổi mới sáng tạo chủ yếu dành cho một vài các công ty đa quốc gia lớn, và các doanh nghiệp trong nước hầu như không được hưởng gì.

Trước tình hình thực tế, WB khuyến nghị Việt Nam "nuôi dưỡng" các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua việc Đổi mới Chương trình 844 theo hướng xây dựng doanh nghiệp sẵn sàng nhận đầu tư, bên cạnh đó là đơn giản hoá các quy định, giảm bớt rào cản pháp lý, cũng như tăng cường sự đóng góp của giới học thuật và nghiên cứu công lập. 

Ông Đặng Quang Vinh cho biết WB có thể hỗ trợ cho chính phủ Việt Nam vay để thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp start-up nếu nhà nước có nhu cầu.

Cùng chuyên mục
Tin khác