Chính sách tiền tệ 2024: Kỳ vọng giảm lãi suất cho vay dù đang ở mức thấp kỷ lục

Quế Anh - 09/02/2024 14:47 (GMT+7)

“Hiện lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng thương mại với các giao dịch mới phát sinh là 3,9%/năm; còn lãi suất cho vay bình quân cho các giao dịch mới phát sinh là 6,7%/năm. Đây là mức thấp kỷ lục nhiều năm qua nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn mong muốn các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong năm 2024”, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước chia sẻ.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% năm 2024

Chia sẻ với báo chí mới đây, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, năm 2024, triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nước, nền kinh tế dự kiến vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, NHNN tập trung vào một số định hướng, giải pháp trọng tâm nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế biến động tỷ giá, ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát nợ xấu.

Trong năm 2024, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.

Ảnh minh họa

 

Đồng thời, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

‘Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Tuy nhiên NHNN có thể đặt mục tiêu cao hơn 15%, thậm chí 16% nếu như nền kinh tế, doanh nghiệp cần tín dụng" – Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết.

Phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay

Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN đánh giá khó khăn của năm 2023 vẫn sẽ tiếp tục cho đến năm 2024.

“Nhìn vào các yếu tố tăng trưởng vĩ mô, ngay từ đầu năm, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng đến 15% và cấp hết 1 lần cho các ngân hàng thương mại, giúp cho nền kinh tế tăng trưởng ngay từ đầu năm. Quyết định này của NHNN là giải pháp rất quyết liệt, sáng tạo trong việc thúc đẩy nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế" - ông Quang nhấn mạnh.

Lý giải nguyên nhân lãi suất huy động và lãi suất cho vay giảm chưa đồng tốc, ông Phạm Chí Quang cho biết, trong cấu trúc bảng cân đối tài sản, có đến 80% là nguồn vốn huy động ngắn hạn nhưng có đến 50% dư nợ cho vay của các ngân hàng là trung và dài hạn. Vì vậy lãi suất cho vay giảm có độ trễ hơn lãi suất huy động. Hiện lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng thương mại với các giao dịch mới phát sinh là 3,9%/năm; còn lãi suất cho vay bình quân cho các giao dịch mới phát sinh là 6,7%/năm.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, mặt bằng lãi suất hiện nay đã rất thấp, thấp hơn nhiều so với nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, nếu giảm được sẽ tiếp tục giảm để hỗ trợ nền kinh tế.

4 lần giảm lãi suất điều hành của NHNN trong năm 2023.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học ngân hàng - Học viện Ngân hàng nhận định: Hiện mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức thấp kỷ lục, nếu giảm thêm có thể khiến dòng vốn huy động chảy sang các kênh đầu tư khác.

Hơn nữa, tín dụng tăng chậm hiện nay có nguyên nhân chính không phải do lãi suất, mà chủ yếu do sức cầu kinh tế yếu. Bài toán đặt ra là việc đẩy mạnh chính sách tài khóa và giảm hơn nữa lãi suất cho vay, không phải hạ thêm lãi suất huy động.

Trong bối cảnh hiện nay, xác suất tăng lãi suất trở lại khá thấp, bởi các ngân hàng thương mại đều thừa thanh khoản, lạm phát được kiểm soát và FED nhiều khả năng sẽ hạ lãi suất. Tuy nhiên, dư địa tiếp tục giảm lãi suất còn khá ít vì với mức lãi suất huy động và mục tiêu kiểm soát lạm phát từ 4 - 4,5% trong năm 2024, ngành ngân hàng cần đảm bảo chỉ tiêu về lãi suất thực dương, cũng như để giảm các áp lực về tỷ giá. Theo nhiều dự báo, NHNN có thể sẽ duy trì lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,5% trong năm 2024.

Điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách

Chia sẻ về phương hướng, nhiệm vụ hoạt động ngân hàng năm 2024, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ tập trung vào một số định hướng, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.

Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Hai là, điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, NHNN đã có văn bản về tăng trưởng tín dụng năm 2024 gửi các TCTD. Tại văn bản này, NHNN giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% cho các TCTD.

Tiếp tục chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Ba là, tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các TCTD yếu kém. Chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các NHTM yếu kém) dưới 3%.

Tích cực đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngành Ngân hàng; thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại và sai phạm của TCTD, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số. Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.

Cuối cùng, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Xây dựng, trình ban hành/ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết sau khi Luật các TCTD (sửa đổi) được ban hành.

Theo Nhịp Sống Thị Trường
Cùng chuyên mục
Tin khác