Thị trường

Chợ Việt xưa và nay: Tết và chợ Tây Nguyên

(VNF) - Những năm dài sống và chiến đấu ở Tây Nguyên, có nhiều giai đoạn được ở cùng trong buôn làng với bà con các dân tộc ở vùng Tây Nguyên, tôi chưa thấy chợ và Tết theo nghĩa như là Tết nguyên đán của người Việt và chợ là chợ làng, chợ quê, chợ huyện như vùng quê Bắc Bộ của tôi.

Chợ Việt xưa và nay: Tết và chợ Tây Nguyên

Lễ hội đua voi ở Tây Nguyên. Ảnh: Tư liệu

Hồi đó, bà con không đón Tết cùng người Kinh. Họ có một mùa lễ hội kéo dài vào dịp cuối năm. Người Tây Nguyên làm lúa khô trên nương, trên rẫy, chứ không làm lúa nước, nên cuộc sống và lễ hội được vận hành theo một cách thức khác. Tết của người Việt định sẵn ngày giờ chuyển giao thời gian, với cái mốc là đêm giao thừa, chuyển giao giữa hai năm, cũ và mới. Sinh hoạt cộng đồng của bà con các dân tộc Tây Nguyên tập trung nhiều vào cuối mùa vụ, tức là cuối mùa khô. Sau khi thu hoạch xong ngô lúa trên nương rẫy, thì cũng là lúc mọi hoạt động hướng vào mùa lễ hội. Gia cầm, gia súc nuôi cả năm để chuẩn bị cho dịp này, nhà nào cũng có cái ăn cái để với rất nhiều niềm vui. Nếu năm nào được mùa thì càng vui hơn, nhiều lễ hội được diễn ra hơn.

Mùa lễ hội kéo dài tới ba, bốn tháng liền, bắt đầu bằng ngày lễ chung để rước ngô lúa về kho, ăn mừng lúa mới, rồi làm lễ đóng cửa kho. Lễ hội mừng lúa mới rộn ràng nhất, sau đó là đến các lễ hội khác, như lễ chọn bến nước, lễ nhà mới… được tiến hành tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của từng làng, từng khu vực, từng gia đình, từng nhóm vài ba làng hay vài ba gia đình. Sau cùng là đến lễ hội Pơ thi, còn gọi là lễ hội bỏ mả. Đây chính là lễ hội trung tâm của tất cả các lễ hội của người Tây Nguyên.

Mùa Pơ thi âm vang cồng chiêng, rộn rã buôn làng. Người Tây Nguyên quan niệm, người ta chết không phải là hết, “cái hồn” vẫn còn lẩn quất đâu đó. “Cái hồn” là một thực thể sống, cũng cần có cơm ăn áo mặc và các vật dụng khác để sử dụng. Vì vậy, người sống phải lo cho cuộc sống của “cái hồn” chu đáo. Trong quá trình chăm lo cho “cái hồn” thì người sống phải chuẩn bị để làm lễ tiễn đưa người chết về nơi vĩnh hằng “ở phía bên kia”, nơi ấy ngày gọi là đêm, trên gọi là dưới, trong gọi là ngoài...

Trước khi diễn ra lễ bỏ mả, người ta làm cái nhà mồ Pơ xa thật to, thật đẹp với nhiều tượng người trong sinh hoạt thường ngày như đánh chiêng, hát múa, tượng thú như trâu, voi, khỉ, rồi chim muông… Trước lễ hội, người ta làm lễ tế thần linh, xưa thì là hội đâm trâu, bây giờ thì tế lễ bằng con gà, con heo cũng được... Gia chủ khao đãi buôn làng, đánh chiêng trống tiễn đưa người chết ra đi. Một cuộc tiễn đưa không luyến tiếc mà vui vẻ, càng vui vẻ càng đẹp lòng nhau. Có những nhà giàu khao đãi không chỉ cả làng mình mà mời vài ba làng kế cận, khi nghe điệu chiêng mời cũng đánh chiêng đáp lễ và kéo nhau đến cùng dự, có khi ăn uống múa hát hàng mấy ngày trời. Pơ thi của một nhà đã biến thành của cả cộng đồng.

***

Trước năm 1975, chợ như một hình thức gặp gỡ, mua bán trao đổi hàng hóa qua vật trung gian là tiền, dường như không phổ biến trong đời sống người dân Tây Nguyên. Ở nơi nào đó có chợ như chợ của người Việt là rất hi hữu, do người Kinh tạo ra khi họ sống ở đây lâu năm, rồi bà con các dân tộc bản địa gọi theo mà thôi.

Sau năm 1975, cụ thể là sau khi có các chương trình chính sách xã hội mới, các làng rừng không còn rừng, trong giai đoạn này, được tập trung lại, gọi là khu định canh định cư, đã làm thay đổi nếp sinh hoạt truyền thống, thì chợ mới xuất hiện phổ biến.

Trước đây, cuộc sống của người dân Tây Nguyên, gọi theo đúng nghĩa, là phương thức luân canh luân cư, chứ không phải du canh du cư. Các vật dụng và lương thực, thực phẩm phục vụ con người đều là tự túc, tự cấp từ hái lượm, săn bắn và cũng có một phần từ trồng trọt và canh tác của từng gia đình. Bà con có thể chia xẻ cho nhau, có thể trao đổi hàng đổi hàng với nhau trong buôn làng qua từng gia đình.

Với các thứ có giá trị lớn thì hình thức là mua bán, nhưng cũng là qua trao đổi hàng với hàng, không sử dụng đồng tiền. Vật thường được hai bên cùng thống nhất đưa ra để định giá cho các cuộc trao đổi các thứ có giá trị lớn như ruộng rẫy, đất đai, hay quý hơn nữa, như đồ cổ, chiêng ché, thì dùng con trâu làm chuẩn mà thỏa thuận. Ví dụ: Cái ghè cổ này là mười con trâu, bộ ching chiêng này là hai chục con trâu. Cũng có khi, trong đời sống có các cuộc va vấp, cả làng phải nhờ người uy tín nhất được bà con bầu ra cầm chịch, đa số là các già làng. Họ đứng ra phân định, xử phạt hay hòa giải. Ai đó vi phạm luật tục của làng, như quan hệ nam nữ sai trái, kẻ nào đó ăn trộm ăn cắp của người khác, thì bị phạt hai con trâu, ba con trâu, thậm chí lớn đến mười trâu, phạt nhỏ hơn là một con heo, hai, ba con heo…

Đến nay, sau nhiều biến chuyển, để phù hợp với những phát triển mới, nhiều bà con ở làng buôn Tây Nguyên đã rời khỏi nơi ở cũ, không luân canh luân cư mà theo sắp xếp của chính quyền. Bà con sống cuộc sống mới theo phương thức định canh định cư. Họ ở trong những khu nhà tái định cư như cho dân vùng hồ thủy điện vậy. Nhiều gia đình bà con các dân tộc Tây Nguyên đã ra ở cạnh các con đường mới mở của các dự án gọi là đường dân sinh. Các con đường này nối với đường lên thị trấn, thị xã, thành phố... Mỗi buôn làng ở khu định cư mới đều có nhà rông văn hóa, cũng là hội trường của làng, được trang bị ti vi, loa đài, âm thanh, ánh sáng… Ở trong các khu dân định cư ấy, người ta cũng làm một cái chợ. Từ chợ là từ mới, dần dần trở nên quen thuộc trong đời sống thời nay ở Tây Nguyên.

Các lễ hội truyền thống của người Tây Nguyên ở khu tái định cư vẫn còn giữ được nhiều nét như hồi trước còn ở làng rừng, là không định sẵn ngày giờ, không có thời hạn, mà vẫn kéo dài suốt mấy tháng cuối năm. Đây cũng là mùa hoa cúc quỳ vàng rực khắp cao nguyên. Nói theo cách của người Việt, đây là mùa nông nhàn. Thời gian này cũng là dịp bà con tiến hành tu sửa, trang hoàng nhà cửa, đặc biệt là nhà rông, nơi được nhiều người ví là trái tim của các sinh hoạt văn hóa cộng đồng thời nay.

Cùng với những lễ hội xưa cũ vẫn được duy trì trong cuộc sống mới thì người Tây Nguyên ngày nay cũng đã dần dần nhập vào theo những Tết Việt của người Kinh. Họ cũng đã quen với các thức mua bán, trao đổi trong chợ của thời nay. Chắc chắn là rồi người Tây Nguyên cũng sẽ hòa nhập với siêu thị, với trung tâm thương mại trong tương lai nữa…

Làng Láng, tháng 12/2021.

Tin mới lên