Mục tiêu xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 vừa được Chính phủ công bố chính thức thông qua Nghị quyết số 27/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW và Nghị quyết số 24/2016/QH14.
Theo đó, Chính phủ phấn đấu đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ xấu đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%.
Tuy nhiên, lượng nợ xấu thực tế này không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém được Chính phủ phê duyệt xử lý theo phương án riêng.
Tính đến hết tháng 11/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 2,46%. Nếu tính thêm khoảng 190.000 tỷ đồng nợ còn phải xử lý tại VAMC thì tỷ lệ nợ xấu thực tế đang ở mức khoảng 6%.
Chính phủ vừa chốt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu thực tế xuống dưới 3% vào năm 2020, tuy nhiên, nợ xấu thực tế ở đây không bao gồm nợ xấu của các NHTM yếu kém
Về lĩnh vực ngân hàng, ngoài mục tiêu về nợ xấu, Nghị quyết 27 cũng đặt mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay trung bình trong nước có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình trong nhóm ASEAN-4. Nhóm ASEAN-4 gồm 4 nước Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines.
Trên cơ sở những mục tiêu này, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với nguyên tắc thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô; quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, thị trường vàng; tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế; điều hành tín dụng phù hợp, chú trọng các lĩnh vực ưu tiên gắn với nâng cao chất lượng tín dụng.
Đồng thời, Chính phủ giao NHNN xây dựng Đề án chống đô la hóa và vàng trong nền kinh tế, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2017.
Đề án chống đô la hóa và vàng trong nền kinh tế sẽ phải trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2017
Thêm vào đó, Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2016 – 2020 cũng dành ra một nội dung riêng về Cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng (TCTD)
Theo đó, Chính phủ giao NHNN tiếp tục lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các TCTD theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo trong các TCTD có liên quan; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại.
Mục tiêu Chính phủ đặt ra là đến năm 2020, các ngân hàng thương mại cơ bản phải có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó ít nhất 12 – 15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công Basel II.
Đến năm 2020, ít nhất 12 – 15 ngân hàng thương mại phải áp dụng thành công Basel II
Chính phủ cũng "thúc" NHNN khẩn trương tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 sau khi được phê duyệt. Đồng thời, chủ trì xây dựng và trình ban hành Luật cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu trong năm 2017.
Chính phủ yêu cầu NHNN hoàn thành cơ bản việc cơ cấu lại các TCTD, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và ổn định, an toàn hệ thống. Ngoài ra, NHNN cần tăng cường thanh tra, giám sát quản trị rủi ro các TCTD.
Ngoài ra, Chính phủ cũng giao Bộ Tư Pháp chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thi hành án dân sự các cấp phối hợp, hỗ trợ VAMC và các TCTD trong quá trình thi hành bản án, quyết định của Tòa án về xử lý tài sản bảo đảm.