Chủ tịch Hội An: 'Giá vé vào phố cổ Hội An thấp nhất trong các di sản văn hóa thế giới'
Phước Nguyên -
12/05/2023 09:16 (GMT+7)
(VNF) - Theo Chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Văn Sơn, giá bán vé đã được thực hiện từ năm 2012 với mức 80 nghìn đồng/khách Việt Nam và 120 nghìn đồng/ khách nước ngoài. Cơ cấu vé thực hiện theo Nghị quyết 33, tính trên đầu công trình, di tích chứ không có sự phân biệt giữa khách Việt Nam và nước ngoài. Đồng thời, vị lãnh đạo TP. Hội An khẳng định đây là mức vé thấp nhất so với vé tham quan tại các di sản văn hóa thế giới.
Không có sự phân biệt giữa khách Việt Nam và nước ngoài
UBND TP. Hội An vừa tổ chức buổi gặp mặt thông tin với các cơ quan báo chí truyền thông về công tác tổ chức quản lý hoạt động tham quan khu phố cổ Hội An – Di sản văn hoá thế giới.
Tại sự kiện này, Chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết thời gian qua, thông tin Hội An bán vé tham quan phố cổ đã gây nên một cơn bão mạng. Bởi nhiều người cho rằng đây là tận thu, tham bát bỏ mâm, thả con cá rô mà đi bắt săn sắt…
Trên thực tế, việc bán vé đã diễn ra từ rất lâu. Giá vé được thực hiện từ năm 2012 với mức giá 80 nghìn đồng/khách Việt Nam và 120 nghìn đồng/ khách nước ngoài. Cơ cấu vé thực hiện theo Nghị quyết 33, tính trên đầu công trình, di tích chứ không có sự phân biệt giữa khách Việt Nam và nước ngoài. Đồng thời, vị lãnh đạo TP. Hội An khẳng định đây là mức vé thấp nhất so với vé tham quan tại các Di sản văn hóa thế giới.
Theo ông Sơn, rất nhiều di sản văn hóa trên thế giới là "di sản sống" đang tổ chức bán vé, các di tích thu vé điển hình như Phượng Hoàng Cổ Trấn ở Trung Quốc, hay chính khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm có 3.000 dân sinh sống nhưng vẫn bán vé 70.000 đồng/khách và gần như không ai có ý kiến.
“Nguồn thu từ việc bán vé gần 30 năm qua đã giúp cho Hội An từ một di sản bên bờ sụp đổ đến nay, các căn nhà đã được trùng tu và vững chãi. Từ vé tham quan, địa phương cũng có kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức sự kiện lễ hội và xây dựng các sản phẩm du lịch để nâng tầm thương hiệu du lịch Hội An”, Chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Văn Sơn thông tin.
Hội An chỉ bán vé vào khu di sản văn hóa thế giới
Cũng theo ông Sơn, vào dịp lễ 30/4, khách đi vào phố cổ quá đông, nhất thời điểm buổi chiều không có chỗ chen chân. Việc này tạo áp lực đè nặng lên di sản, làm di sản mau xuống cấp. Đồng thời, việc này cũng làm các sản phẩm du lịch mà địa phương triển khai dù có cố gắng đi nữa vẫn không xem được, không thể tổ chức hay, tốt.
Theo lãnh đạo TP. Hội An, việc kiểm soát vé là để đảm bảo công bằng giữa người mua vé và người không mua vé, giữa hãng lữ hành chân chính và không chân chính. Vừa qua, Hội An mời các đơn vị lữ hành họp thì chỉ hơn 25 đơn vị lữ hành tới họp. Tại đây, các đơn vị lữ hành cũng lên tiếng bức xúc về việc này.
“Hiện nay có tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự dễ dãi của Hội An, đối xử không công bằng với du khách, cắt xén, không đưa khách vào các điểm di tích dù đã thu tiền. Thậm chí một số tour tổ chức đưa khách Hàn Quốc lên tham quan làng gốm, đi thuyền du lịch xuống bến Nguyễn Hoàng, ra chợ đêm rồi về, không vào phố cổ…”, vị lãnh đạo TP. Hội An thông tin.
Ngoài ra, ông Sơn cho biết, vừa qua có nhiều thông tin suy luận sai lệch như "đi vào Hội An dạo cũng mua vé" hay "Hội An là thành phố đầu tiên trên thế giới bán vé tham quan" là chưa đúng. Bởi Hội An bán vé từ lâu và không bán vé vào thành phố. Hội An chỉ bán vé vào khu di sản văn hóa thế giới với phạm vi 0,4 km2 trong khi toàn Hội An có diện tích hơn 64 km2.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone