Chủ tịch MB: Dịch Covid-19 là thách thức rất lớn, nguy cơ nợ xấu ngành ngân hàng tăng cao

Minh Tâm - 30/03/2020 08:53 (GMT+7)

(VNF) - Chủ tịch MB Lê Hữu Đức nhận định hàng loạt doanh nghiệp sẽ phá sản nếu dịch tiếp tục kéo dài, đồng thời đánh giá "đây là thách thức rất lớn với các mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ Việt Nam và ngành ngân hàng, đặc biệt là khả năng tăng trưởng, chất lượng tài sản và nguy cơ nợ xấu tăng cao".

VNF
Chủ tịch MB Lê Hữu Đức

Trong báo cáo thường niên năm 2019 vừa được Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) công bố, Chủ tịch MB Lê Hữu Đức cho biết bước vào năm 2020, kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế thế giới nói chung đứng trước nhiều thách thức đến từ dịch cúm do chủng virus SARS-CoV-2 gây ra.

"Diễn biến dịch cúm không lường trước được này có tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có kinh tế Việt Nam", Chủ tịch MB đánh giá.

Dẫn dự báo của Bloomberg, ông Lê Hữu Đức cho hay với kịch bản xấu nhất GDP toàn cầu năm 2020 có thể mất 2.700 tỷ, tương đương với GDP của Anh. Theo Moody’s thì GDP toàn cầu (không tính Trung Quốc) có thể giảm 0,3% từ 2,8% xuống 2,5%.

Đối với kinh tế Việt Nam, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP Việt Nam có thể giảm 0,55% - 0,84% xuống mốc 5,96% - 6,25% tùy theo từng kịch bản.

Chủ tịch MB nhận định các ngành chịu tác động mạnh bao gồm du lịch, hàng không, lưu trú, dịch vụ, nông thủy sản xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Hàng loạt doanh nghiệp sẽ phá sản nếu dịch tiếp tục kéo dài.

"Đây là thách thức rất lớn với các mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ Việt Nam và ngành ngân hàng, đặc biệt là khả năng tăng trưởng, chất lượng tài sản và nguy cơ nợ xấu tăng cao", lãnh đạo MB cho biết.

Đối với MB, năm 2020 là năm bản lề quan trọng để MB phấn đấu hoàn thành các mục tiêu chiến lược 2017 – 2021.

Hội đồng quản trị MB đã đặt ra phương châm năm 2020 của MB là  “Củng cố nền tảng và chuyển dịch số, tăng trưởng toàn diện, hiệu quả và bền vững”, trong đó, MB đặt “Ngân hàng số” là một mục tiêu, chuyển dịch chiến lược tiên quyết cho Chiến lược giai đoạn hiện nay. Đồng  thời, MB tiếp tục giữ vững tôn chỉ “Thượng tôn pháp  luật” cùng với mục  tiêu “Duy trì Top 5 về chất lượng hoạt động, hiệu quả; Dẫn đầu về ứng dụng số”.

"Các mục tiêu này thực sự là thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái vì dịch Covid-19 hiện nay. Tuy nhiên, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Ban điều hành MB quyết tâm nỗ lực, tìm kiếm các cơ hội trong bối cảnh khó khăn để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra", Chủ tịch MB Lê Hữu Đức bày tỏ.

Báo cáo của Ban điều hành MB thì cho hay, dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể đạt thấp (10% - 12%).

"Các ngân hàng thương mại cần tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và trích lập dự phòng để đối phó với các kịch bản xấu", Ban điều hành MB khuyến cáo.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2020, Ban điều hành MB cho biết trước mắt sẽ ưu tiên triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó đại dịch Covid-19 đảm bảo kinh doanh liên tục, an toàn cho khách hàng, nhân viên và các cơ sở kinh doanh.

Cùng với đó, bám sát chỉ đạo của Chính Phủ, Ngân hàng nhà nước để cung cấp các gói tín dụng lãi suất ưu đãi, các chính sách hỗ trợ khách hàng. Thêm vào đó, đánh giá danh mục khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, phối hợp cùng khách hàng cơ cấu gia hạn thời hạn trả nợ, chính sách miễn giảm lãi suất, phí hợp lý giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

MB đặt mục tiêu quản lý tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Đồng thời ứng dụng mô hình trong quản trị rủi ro, mô hình hóa xếp hạng tín dụng, xác suất vỡ nợ (PD), mô hình ước lượng tỷ lệ tổn thất dự kiến (LGD), giá trị chịu rủi ro khi vỡ nợ (EAD)... để tăng tốc độ xử lý hồ sơ khách hàng, quản lý rủi ro hiệu quả.

Trong bối cảnh khó khăn, Ban điều hành MB cho biết sẽ tiết giảm chi phí và tiết kiệm chi phí hoạt động, các khoản chi chưa cấp thiết.

Năm nay, MB vẫn dự định triển khai các dự án chiến lược, ưu tiên các dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin với IBM, chuyển đổi số hóa hoạt động ngân hàng.

Ngân hàng này cũng sẽ thúc đẩy các mô hình bán chéo sản phẩm dịch vụ giữa MB và các công ty thành viên, triển khai các giải pháp công nghệ số hỗ trợ bán chéo; hoàn thiện mô hình kinh doanh ngân hàng số, thu hút khách hàng tăng mới và chuyển đổi khách hàng sang sử dụng kênh số, kênh giao dịch điện tử...

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.