Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: 'TP. HCM cần trấn an thị trường'

Hải Đăng - 13/10/2022 21:58 (GMT+7)

(VNF) - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý TP. HCM cần quan tâm đến việc trấn an người dân, doanh nghiệp sau những bất ổn của thị trường xăng, dầu, chứng khoán. Điều này rất quan trọng đối với một siêu đô thị như TP. HCM.

VNF
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Chiều 13/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM làm việc với UBND TP. HCM về tình hình kinh tế - xã hội và kết quả thực hiện nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM.

Tại buổi làm việc, các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các ban, bộ, ngành đã đưa ra những ý kiến phân tích kỹ những khó khăn, tồn tại của TP. HCM trong thời gian qua, nhất là các vấn đề đang là bức xúc của cử tri và người dân.

Các vấn đề đó gồm: Ùn tắc giao thông, ngập úng khi có mưa lớn, triều cường dâng cao; chưa đầu tư xứng đáng cho chuyển đổi số; khai thác chưa hiệu quả không gian ngầm; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập; tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; công tác quản lý đất đai chưa phát huy tốt hiệu quả cho phát triển nhanh, bền vững…

Phân tích sâu những thách thức mà TP. HCM đang gặp phải, Chủ tịch nước cho rằng, vị trí vai trò đầu tàu tăng trưởng của thành phố đối với phía Nam và cả nước đang suy giảm dần do tốc độ tăng trưởng giảm mạnh.

Hạ tầng kỹ thuật và xã hội ngày càng bất cập so với yêu cầu phát triển giai đoạn mới, đặc biệt là công tác quy hoạch. Hạ tầng giao thông ngày cảng quá tải nghiêm trọng hơn; chống kẹt xe, chống ngập... chưa có tiến bộ; bất cập về xã hội, môi trường ngày càng nghiêm trọng, kể cả tắc nghẽn, ngập nước, quá tải.

Thành phố cũng chưa phát huy được thế mạnh của một trung tâm khoa học công nghệ trong việc nâng cao năng suất và chất lượng phát triển, chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhiều công trình dự án bị “nghẽn” nhiều năm, nhất là các dự án bất động sản. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong buổi làm việc với UBND TP. HCM

Sau khi lắng nghe ý kiến của các cấp chính quyền và các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã góp ý, định hướng cho TP. HCM nhiều nội dung cần tập trung trong thời gian tới.

Chủ tịch nước cho rằng, việc đảm bảo ổn định, kiểm soát tốt vĩ mô có tầm quan trọng đặc biệt đối với một siêu đô thị, đông dân như tại đây.

Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ nghiên cứu những vấn đề đang là bức xúc của người dân thành phố. Trong đó, những bất cập về tình hình xăng, dầu, chứng khoán là điều TP. HCM cần đặc biệt lưu ý.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, cấp ủy, chính quyền địa phương tại TP. HCM cần chú trọng đến việc này, không để tình hình xấu hơn diễn ra.

Đối với vấn đề xăng, dầu, người đứng đầu Nhà nước cho rằng các cơ quan cần nghiên cứu sát hơn một số vấn đề, trong đó có chiết khấu cho các doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch nước, người dân tại TP. HCM chịu áp lực lạm phát nặng nề hơn hơn so với các địa phương khác. Vì thế, cần rất chú ý đến các chương trình, dự án hay sáng kiến phục vụ an sinh xã hội, hỗ trợ người yếu thế trong xã hội.

"Nhiều nhà lão thành, nhà nghiên cứu rất lo lắng tới tình hình người dân thời gian gần đây. Chứng khoán tụt xuống rất nhanh, nhiều người mất tiền bạc, hoang mang, xăng dầu thiếu. Vấn đề trấn an thị trường rất quan trọng, đặc biệt là đối với một siêu đô thị đông dân như TP. HCM", Chủ tịch nước nêu rõ.

Chủ tịch nước cho rằng thành phố cũng cần tiếp tục cải cách cả chính sách và hệ thống công vụ rộng hơn để tạo những thay đổi rõ nét về môi trường kinh doanh; cải thiện cơ chế chính sách và hạ tầng liên quan đến nền tảng số và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy phát triển trung tâm tài chính quốc tế; phát triển kinh tế số, chuyển đổi số; kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Tán thành với ý kiến tại buổi làm việc về nhu cầu cần có một cơ chế, chính sách mới để TP. HCM phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới, Chủ tịch nước cho rằng, khung khổ chính sách mới cần giúp thành phố tháo gỡ được ngay những nút thắt về cơ sở hạ tầng, tắc nghẽn đô thị, ngập lụt, ô nhiễm môi trường... trên địa bàn.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Việc ban hành cơ chế đặc thù không phải là ưu ái mà thực tế đang phát huy vai trò, tiềm năng và gắn trách nhiệm của TP. HCM đối với cả nước; đồng thời, tạo ra thế và lực để giải quyết dứt điểm các vấn đề bức xúc của người dân".

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.