Chủ tịch nước: Sau khi chuẩn bị thật tốt sẽ trình Quốc hội thông qua Luật đặc khu

Nguyễn Cường - 19/06/2018 15:58 (GMT+7)

“Dự án luật được xây dựng nhằm góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với đặc điểm là thực hiện các chính sách kinh tế đặc thù phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam”.

VNF
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trả lời cử tri sáng 19/6

Sáng 19/6, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các Đại biểu Quốc hội đơn vị 1 TP. HCM đã tiếp xúc với cử tri các quận 1, 3, 4. Tại đây, Chủ tịch nước đã thẳng thắn đề cập đến dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Theo Chủ tịch nước, việc xây dựng luật này nhằm hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đó là: “Xây dựng một thể chế mang tính đột phá với ưu đãi vượt trội, đủ sức cạnh tranh và thu hút đầu tư với khu vực, quốc tế”.

Điều này không chỉ tạo động lực phát triển lan tỏa đến các vùng kinh tế trong cả nước, góp phần phát triển kinh tế nhanh, mà còn gắn với đảm bảo độc lập chủ quyền và an ninh quốc phòng.

Chủ tịch nước nhấn mạnh chủ trương này đã được đề cập qua nhiều nhiệm kỳ, được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 1992 và 2003 cùng nhiều dự án luật đã được Quốc hội thông qua.

“Mới đây nhất, trong Luật Quốc phòng cũng có đề cập đến khu hành chính đặc biệt. Nói vậy để thấy rằng việc xây dựng luật này là cấp thiết và hết sức quan trọng”, Chủ tịch nước cho hay.

Cũng theo Chủ tịch nước, dự án luật được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng các bộ ngành liên quan xây dựng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ. Chính phủ cũng thành lập một ban chỉ đạo do Thủ tướng đứng đầu để thực hiện từ năm 2013.

“Dự án luật được xây dựng nhằm góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với đặc điểm là thực hiện các chính sách kinh tế đặc thù phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam”, Chủ tịch nước cho hay.

Ông chia sẻ rằng luật sẽ có các biện pháp xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, lành mạnh, chú trọng áp dụng công nghệ cao, các phương pháp quản lý hiện đại và khuyến khích đầu tư tư nhân. Khi xây dựng, Chính phủ đã tổng kết và đánh giá chính sách đang áp dụng với các khu công nghiệp, khu chế xuất hay khu công nghệ cao đã được triển khai ở nước ta hơn 20 năm qua.

Ngoài ra, ban xây dựng luật đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về mô hình này, trong đó chú trọng ở 13 quốc gia và vùng lãnh thổ đồng thời lấy ý kiến của 26 cơ quan, tham vấn các tổ chức quốc tế uy tín cùng ý kiến của người dân.

“Trong quá trình xây dựng, Trung ương - mà trực tiếp là Bộ Chính trị và Ban bí thư - đã chỉ đạo rất chặt chẽ”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Tuy nhiên ông cũng nhìn nhận rằng việc tổng hợp ý kiến cử tri và nhân dân cả nước chưa được làm sâu rộng.

Nhận định rằng đây là dự án luật mới, chưa có tiền lệ xây dựng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng cần nghiên cứu thận trọng, đặc biệt trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực đang diễn biến rất phức tạp, có nhiều tác động ảnh hưởng đến quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

“Sau khi thảo luận, chúng tôi thấy rằng còn nhiều vấn đề cần tiếp tục lắng nghe ý kiến. Vì lẽ đó Thường vụ Quốc hội sau khi thống nhất đã quyết định lùi dự án luật. Sau khi chúng ta chuẩn bị thật tốt, đủ điều kiện sẽ trình Quốc hội thông qua”, Chủ tịch nước nói.

Theo Infonet
Cùng chuyên mục
Tin khác