Tại tọa đàm “Ngành Dầu khí Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0” do Uỷ ban Kinh tế Quốc hội phối hợp với PVN tổ chức ngày 10/9, Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh cho biết trong 3 năm vừa qua, không có tập đoàn kinh tế nào của nhà nước có dự án mới triển khai. Than 10 năm nay không có dự án mới, điện không có và dầu khí cũng không có.
“Điều này có nghĩa trong nhiệm kỳ tới, Việt Nam sẽ không có dự án năng lượng nào mới và chúng ta đang ăn vào những gì thế hệ trước đã làm”, Chủ tịch PVN nói.
Ông Trần Sỹ Thanh cho rằng nếu tuân thủ các quy trình của Luật Đầu tư công hiện nay thì một nhiệm kỳ nữa cũng không thể có đủ nguồn tiền cho hoạt động tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng dầu khí.
“Thực tế là các nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ ra 45 tỷ USD cho công tác tìm kiếm thăm dò nhưng chỉ mới mang về đất nước họ 21 tỷ USD”, ông Thanh viện dẫn.
Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh phát biểu tại toạ đàm.
Theo Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn, năm 2017, sản lượng khai thác quy dầu của PVN lên tới 25 triệu tấn nhưng tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng chỉ là 4 triệu tấn. Hoạt động tìm kiếm thăm dò trong 8 tháng năm 2018 cũng chỉ mới đạt 2 triệu tấn, do PVN không có nguồn tài chính và cơ chế tài chính phù hợp để thực hiện hoạt động mang tính rủi ro cao này.
“Nếu tình trạng mất cân đối giữa tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng và khai thác vẫn tiếp diễn như hiện nay thì chỉ vài năm nữa, sản lượng khai thác dầu khí toàn ngành sẽ chỉ còn 1/3 sản lượng so với hiện nay”, ông Sơn nhấn mạnh.
Tổng giám đốc PVN cũng cho rằng cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài vào tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng trước đây đã không còn phù hợp và chưa được sửa đổi nên hoạt động này đang bế tắc.
Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn
Để thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động tìm kiếm thăm dò đầy rủi ro này, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn kiến nghị trước mắt Quốc hội cần sớm sửa đổi Luật Dầu khí để đảm bảo cơ chế tài chính cho PVN hoạt động; trong đó có cơ chế để lại 50% lợi nhuận sau thuế để PVN có đủ nguồn tài chính hoạt động và tiếp tục đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế và ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, kiến nghị sửa đổi cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này thông qua việc thay đổi hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) phù hợp với tiềm năng điều kiện hiện nay của Việt Nam.
Về phía Bộ Công Thương, Phó vụ trưởng Vụ Dầu khí Trần Thanh Tùng đề xuất Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, Uỷ ban Ngân sách Quốc hội có cơ chế tài chính hỗ trợ đặc thù cho hoạt động tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng dầu khí, đặc biệt là hoạt động tìm kiếm thăm dò tại các vùng xa bờ, vùng nước sâu.
Kết luận toạ đàm, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định ngành công nghiệp dầu khí có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế thì phải có chính sách phù hợp để phát triển toàn bộ chuỗi hoạt động dầu khí từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn.
Do vậy, sau buổi tọa đàm này, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội và Uỷ ban Ngân sách Quốc hội sẽ xin Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung nội dung sửa đổi Luật Dầu khí vào chương trình xây dựng Luật và pháp lệnh của Quốc hội giai đoạn 2019-2020 của nhiệm kỳ Quốc hội khoá 14 này.