Chủ tịch Quốc hội: Hướng tới đóng BHXH 10 năm sẽ được hưởng lương hưu

Kỳ Thư - Linh Chi - 17/08/2023 17:09 (GMT+7)

(VNF) - Đồng tình với đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, nghiên cứu để xác định trong luật thời điểm chuyển xuống đóng bảo hiểm xã hội đủ 10 năm có thể hưởng lương hưu.

VNF
Chủ tịch Quốc hội đề xuất phương án rút bảo hiểm xã hội một lần, đủ 10 năm sẽ được hưởng lương hưu

Đóng BHXH đủ 10 năm là có thể hưởng lương hưu

Phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, nghiên cứu để xác định trong luật thời điểm chuyển xuống đóng BHXH đủ 10 năm là có thể hưởng lương hưu.

“Trước đây, thời gian đóng BHXH quá dài nên người ta rút BHXH một lần. Những lúc khó khăn như trong dịch COVID-19, giữa việc phải đóng 20 năm sau mới được hưởng lương hưu với cái trước mắt, đôi khi người lao động bắt buộc phải chọn cái trước mắt vì thời gian đóng BHXH quá dài”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Nghị quyết 28 hướng tới lộ trình đóng BHXH 10 năm sẽ được hưởng lương hưu, nhưng cũng có đoạn trung gian là 10, 15 năm. Vì thế dự luật lựa chọn giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm là cần thiết, mục tiêu sau này là 10 năm.

Đối với quy định rút BHXH một lần, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mỗi phương án có ưu điểm riêng. Do đó, đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu phương án tích hợp, sử dụng những mặt tốt nhất của hai phương án này để hình thành một phương án.

Về mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, một số mô hình kinh tế mới xuất hiện như kinh tế chia sẻ, công nghệ nền tảng… với quan hệ lao động rất khác; từ đó xuất hiện các đối tượng lao động mới như lao động công nghệ, lao động tự do, lao động làm việc từ xa. Cần nghiên cứu đưa các đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc hay không?.

Trao đổi tại phiên thảo luận, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong Bộ luật Lao động, phức tạp nhất là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Với Luật BHXH sửa đổi, đây cũng là vấn đề nhạy cảm, phức tạp nhất. Nếu làm không tốt, không có phương án phù hợp, có thể xảy ra “những điều không hình dung hết được”.

Trong quá trình soạn thảo, ban đầu cơ quan soạn thảo tính toán 3 phương án khác nhau về rút BHXH, nhưng sau khi ra Chính phủ gom lại 2 phương án. Song tất cả phải trên cơ sở làm sao hài hòa giữa đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho đất nước với giải quyết khó khăn trước mắt cho người lao động. Đồng thời, không gây sốc với người lao động, nhất là với người lao động khó khăn. Tuy nhiên, cả 2 phương án cơ quan soạn thảo đưa ra “thực sự chưa có phương án tối ưu nhưng ít ra có phương án tạm thời có thể chấp nhận được”.

Nếu nhìn đúng tinh thần Nghị quyết 28 phải chọn phương án 2. Phương án hài hòa giữa người đóng góp, đang tham gia cũng như người tương lai tham gia. Nhưng phương án 2 lại tiếp tục cho người lao động (sau có khi luật sửa đổi có hiệu lực) được rút, là “không trọn vẹn lắm”.

Trốn đóng BHXH 10.000 tỷ đồng/năm

Thông tin tại buổi thảo luận, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, quy định này nhằm hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi BHXH theo hướng cơ quan quản lý Nhà nước về BHXH và cơ quan quản lý Quỹ BHXH có thẩm quyền xử phạt các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH. Đặc biệt, chính sách được bổ sung nhằm kịp thời ngăn chặn tình trạng gian lận, trục lợi chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.

"Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận một thực trạng là tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, bình quân trên 10.000 tỷ đồng/năm", Bộ trưởng Dung thông tin.

Tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH dẫn đến tình trạng khó có khả năng thu hồi, ảnh hưởng tới việc giải quyết chế độ BHXH của người lao động. Nguyên nhân chủ yếu là doanh nghiệp thuộc diện đóng BHXH bắt buộc chưa được quản lý chặt. Biện pháp xử lý tình trạng chậm, trốn đóng chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Vì thế, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH, đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng trốn đóng BHXH.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các chế tài được đề xuất là quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế); quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên; quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên.

Ngoài ra, cơ quan BHXH có thể kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Cùng chuyên mục
Tin khác