Chuyển đổi số và sứ mệnh đổi mới của TP.HCM
(VNF) - Với vai trò là đô thị đầu tàu của nền kinh tế quốc gia, TP.HCM đã và đang triển khai loạt giải pháp chuyển đổi công nghiệp, trong đó có chuyển đổi số.
TP.HCM gánh vác sứ mệnh đi đầu trong đổi mới
Trong khuôn khổ tham dự Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định bối cảnh tình hình thế giới có nhiều thay đổi thì phải có cách ứng xử phù hợp, thích ứng toàn diện các vấn đề để giải quyết, để tiếp tục phát triển đi lên.
Trong đó việc chuyển đổi công nghiệp, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số với ứng dụng cuộc CMCN lần thứ 4 phải được chú trọng.
Việt Nam thời gian qua có kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Cụ thể, GDP cả nước năm 2023 đạt khoảng 433 tỷ USD, đứng 34 trên thế giới và nằm trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất về quy mô thương mại quốc tế. Thu nhập bình quân đầu người từ trên dưới 100 USD khi bắt đầu đổi mới tăng lên khoảng 4.300 USD.
Ghi nhận trong thành tựu chung đó, TP.HCM luôn đi đầu trong đổi mới, luôn là trung tâm tăng trưởng, tiên phong trên nhiều lĩnh vực, trong đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân.
Vừa qua TP.HCM đã được Quốc hội ban hành nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù. Do vậy, cần ưu tiên phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao; chuyển đổi số cũng như quản trị thông minh. Ngoài ra phải có các giải pháp huy động nguồn lực thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư, và việc này TP.HCM có điều kiện làm được và phải làm bằng được.
Chuyển đổi công nghiệp vừa phải làm mới các ngành công nghiệp truyền thống (cơ khí chế tạo, hóa chất…), vừa phải phát triển các ngành công nghiệp mới với khái niệm rộng hơn, liên quan tới các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm.
Muốn làm được điều này, các bộ ngành phải cùng TP.HCM xây dựng, hoàn thiện thể chế. Có cơ chế, chính sách ưu tiên để tiếp tục phát huy nguồn lực của TP. Trong xây dựng chiến lược chung cho cả nước, cần có chiến lược riêng, cơ chế đặc thù cho TP.HCM vì phải gánh vác trọng trách, sứ mệnh nhiều hơn, cao hơn.
TP.HCM phải xây dựng hạ tầng thông suốt, thể chế thông thoáng, quản trị thông minh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường, đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tiếp tục phát huy tinh thần chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Thành công của nhà đầu tư, doanh nghiệp là thành công của TP.HCM nói riêng và của Việt Nam nói chung.
“Mong rằng các đối tác phát triển tiếp tục ủng hộ TP.HCM và Việt Nam về: ưu đãi tài chính; từng bước chuyển giao công nghệ để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu; góp phần đào tạo nhân lực; nâng cao năng lực quản trị hiện đại, thông minh; góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế. Và tôi tin rằng với truyền thống vẻ vang, sự nỗ lực của TP.HCM, sự hỗ trợ của Trung ương, của bạn bè, đối tác quốc tế, sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, TP.HCM nhất định sẽ đạt được mục tiêu nói trên”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ.
TP.HCM: Địa phương đầu tiên có Chương trình Chuyển đổi số
Vừa qua, theo báo cáo UBND TP.HCM về kết quả triển khai chuyển đổi số, chỉ số Chuyển đổi số (DTI) của TP liên tục nằm trong Top 5 tỉnh, thành phố ở thứ hạng cao: năm 2020 đạt thứ hạng 5, năm 2021 đạt thứ hạng 3, năm 2022 đạt thứ hạng 2; và cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số. Đáng chú ý, TP.HCM - đơn vị duy nhất của Việt Nam được vinh dự nhận giải thưởng ASOCIO tại Hàn Quốc dành cho hạng mục Chính quyền số xuất sắc năm 2023.
Báo cáo cũng ghi nhận, TP.HCM trong những năm qua luôn có doanh thu công nghiệp ICT (Information & Communication Technologies) đứng đầu cả nước, là địa phương có khu CNTT tập trung đầu tiên tại Việt Nam (Công viên phần mềm Quang Trung).
Đưa vào hoạt động hiệu quả Trung tâm chuyển đổi số, TP.HCM đã và đang triển khai loạt dự án chuyển đổi số quan trọng như: Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tập trung; Ứng dụng Công dân Thành phố; Nền tảng số hóa, lưu trữ tài liệu điện tử TP; Nền tảng hỗ trợ quản lý khu phố, ấp; HTTT Cấp phép Xây dựng TP; HTTT Quản lý đất đai TP… Đồng thời cũng triển khai Hệ thống tích hợp và chia sẻ dữ liệu (Data Integration Platform - DIP) và Hệ thống tích hợp lưu trữ và chia sẻ dữ liệu phi cấu trúc (File Storage Platform - FSP).
Cổng dữ liệu mở https://opendata.hochiminhcity.gov.vn/ cung cấp các dữ liệu cần thiết: Dữ liệu văn bản điện tử; thông tin doanh nghiệp; thông tin đăng ký quyền sử dụng nhà ở, đất ở; dự án đầu tư nước ngoài; dự án đầu tư công… với 91 tập dữ liệu (dataset) của 12 lĩnh vực.
Đã số hóa 4 loại dữ liệu hộ tịch với tổng số khoảng 12 triệu hồ sơ. Tất cả dữ liệu này đều được đồng bộ với cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp. Đồng thời, chia sẻ và khai thác dữ liệu nền thông tin địa lý gồm 87 lớp dữ liệu và vận hành chính thức Nền tảng bản đồ số dùng chung của TP làm cơ sở nền tảng cho các hệ thống thông tin địa lý (GIS) của chính quyền điện tử TP.
Với hơn 1.000 máy chủ tại Trung tâm dữ liệu TP, hơn 800 điểm kết nối mạng đô thị băng thông rộng TP (MetroNet), TP.HCM đặc biệt lưu ý đảm bảo an toàn an ninh mạng và hệ thống thông tin của cơ quan Nhà nước. Mô hình 4 lớp bảo mật bảo đảm an toàn dữ liệu cho các hệ thống thông tin được theo dõi, cũng như kết nối Trung tâm dữ liệu TP với hệ thống giám sát quốc gia.
Tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, đi đầu trong chuyển đổi số, TP. HCM đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.
Thực thi cam kết COP26: Việt Nam thể chế hóa loạt chính sách cho net zero 2050
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.