Đổi mới, sáng tạo là 'điểm nhấn' chuyển đổi nền kinh tế
(VNF) - Chiều 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên Đối thoại chính sách trong chương trình Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2024
Tập trung 3 trọng tâm chuyển đổi nền kinh tế
Phiên đối thoại chính sách là hoạt động nhằm tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp được trao đổi sâu rộng, thực chất với Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về thực trạng, giải pháp trong việc áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp cũng như vấn đề chiến lược quốc gia. Các kiến nghị với Chính phủ những mô hình, giải pháp, chính sách ở tầm vĩ mô cũng được quan tâm giải quyết.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, để ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nền kinh tế, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách để chuyển đổi nền kinh tế nói chung và chuyển đổi công nghiệp nói riêng, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề đổi mới, sáng tạo.
Theo đó, các kế hoạch 5 năm và hàng năm đã vạch ra các bước đi cụ thể trong việc chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế với 3 lĩnh vực trọng tâm, gồm: Cơ cấu lại ngân sách Nhà nước; Cơ cấu lại DNNN; Cơ cấu lại đầu tư công. Bên cạnh đó là những chính sách cụ thể của từng ngành, lĩnh vực trong ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại…
Chính phủ cũng vừa ban hành 2 quyết định quan trọng, đó là: Phê duyệt Đề án chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam và Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công nghiệp bán dẫn và sản xuất chip. Hai quyết định này mang tính then chốt để bước qua giai đoạn mới thúc đẩy sự chuyển đổi nền kinh tế mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Sắp tới, Bộ KH&ĐT cũng sẽ trình kế hoạch thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư để trợ giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Còn để cạnh tranh các nước trong khu vực, thu hút đầu tư các doanh nghiệp "đầu đàn" về chip, bán dẫn… trong thời gian qua, Việt Nam đã có rất nhiều thay đổi đối với việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định để các nhà đầu tư có thể nhìn vào và đến với Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải phù hợp với điều kiện Việt Nam và xu thế thế giới. Chính phủ phải nắm chắc tình hình quốc tế, khu vực và trong nước liên quan tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đầu tiên đó là, phải xây dựng và hoàn thiện thể chế. Vừa qua Chính phủ đã báo cáo Quốc hội sửa nhiều luật như Luật Giao dịch điện tử, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản... và đang xây dựng nhiều luật khác như Luật Dữ liệu. Trong kỳ họp thứ 8 sắp tới của Quốc hội, số lượng luật thông qua và thảo luận là nhiều nhất từ trước tới nay. Chính phủ cũng ban hành các nghị định, các quyết định quy phạm.
Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực; thúc đẩy phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh và không thẻ không có hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa.
Sẽ phải hình thành quản trị phù hợp với chuyển đổi. Phải có lộ trình, kế hoạch, bước đi đào tạo nguồn nhân lực. Ngoài ra, phải huy động sự giúp đỡ, chia sẻ của bạn bè, đối tác quốc tế về kinh nghiệm, nguồn lực…, bởi chuyển đổi là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Ưu tiên hỗ trợ DN chuyển đổi kinh tế tuần hoàn
Chia sẻ về chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho hay, Bộ TN&MT đang xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn. Trong đó nêu ra 5 quan điểm, mục tiêu, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với các chương trình nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành một. Trong các nhóm nhiệm vụ giải pháp có nhóm hỗ trợ cho các doanh nghiệp thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất.
Bộ TN&MT cũng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bộ tiêu chí xác định các dự án xanh để các dự án có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh không chỉ ở trong nước. Xây dựng chính sách mua sắm công xanh để hỗ trợ sự phát triển của kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.
Trong thời gian sắp tới, sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ để bổ sung, sửa đổi hệ thống pháp luật để bảo vệ môi trường, tạo điều kiện khuyến khích hơn nữa phát triển chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam xác định không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, một trong những giải pháp bảo vệ môi trường là phát triển kinh tế tuần hoàn, vừa giúp giảm thâm dụng tài nguyên, vừa tận dụng được các nguyên liệu như sử dụng rác thải để sản xuất điện.
Chủ trương này rất rõ ràng và pháp luật đang dần hoàn thiện. Việt Nam nói chung và Chính phủ nói riêng đang tập trung vào 2 nội dung: Nâng cao nhận thức và xây dựng cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực từ người dân, mọi người dân tham gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Đây là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định.
Cơ chế mới cho đầu tư tài chính vào khoa học công nghệ
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, để triển khai thể chế hóa chính sách trong lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN đang xây dựng dự án Luật sửa đổi Luật Khoa học công nghệ thành Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Nếu các quy định trước đây chủ yếu là sử dụng ngân sách nhà nước cho các đơn vị công lập để làm dự án, đề tài nghiên cứu thì trong dự án Luật lần này sẽ tập trung vào vấn đề xã hội hóa các nguồn lực cho KHCN.
Và trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ sửa Nghị định 95 về cơ chế đầu tư tài chính cho KHCN cũng sẽ gỡ bỏ rào cản trong lĩnh vực này. Ví dự như: Quỹ phát triển KHCN trong doanh nghiệp sẽ được sử dụng để chuyển đổi số của doanh nghiệp, trong thời gian tới cũng sẽ có quy định, từ giờ đến cuối năm sẽ có.
Lâu dài thì trong năm tới sẽ trình Quốc hội sửa Luật KHCN và quan trọng nhất là theo hướng xã hội hóa để cho doanh nghiệp trở thành nhân tố trung tâm trong quá trình hấp thu công nghệ, làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lan tỏa trên toàn bộ hệ thống chuyển đổi công nghiệp.
Nói về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, Chính phủ xác định phải cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng bằng thể chế. Do đó, phải hoàn thiện thể chế góp phần thúc đẩy KHCN, đổi mới sáng tạo là một trong những đột phá.
Song song đó, phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các nội dung trên; phải sửa đổi các quy định để phát triển thị trường KHCN, xem sản phẩm KHCN là một loại hàng hóa có thể giao dịch trên thị trường một cách công khai, minh bạch, đúng giá trị, tuân thủ quy luật thị trường. Lấy nguồn lực Nhà nước là vốn mồi, dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội.
Chuyển đổi xanh: 'Có chính sách tốt, vốn không còn là vấn đề'
- Phát triển kinh tế tuần hoàn: Hướng đi của các doanh nghiệp Việt Nam 19/09/2024 09:00
- 'Tăng trưởng xanh chưa được bao nhiêu, kinh tế tuần hoàn mới manh nha' 09/08/2024 07:00
- Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là bước đi tất yếu 05/06/2024 11:00
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.