Phát triển kinh tế tuần hoàn: Hướng đi của các doanh nghiệp Việt Nam

Hoàng Ngân - 19/09/2024 09:00 (GMT+7)

(VNF) - Cam kết tại Hội nghị COP26, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Để hiện thực hoá cam kết này, giải pháp thay đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn trở thành tất yếu. Kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia, đồng thời tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo hướng phát triển bền vững.

Việc chuyển đổi nền kinh tế tuần hoàn trở nên bức thiết

Ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên luôn là mối quan tâm, lo ngại của nhiều quốc gia trên thế giới. Để giải quyết vấn đề này, mỗi quốc gia cần có những giải pháp và hành động cụ thể để khẳng định trách nhiệm với môi trường, đóng góp phát triển kinh tế một cách bền vững. Trong đó, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thay cho mô hình kinh tế tuyến tính là giải pháp mang lại hiệu quả,được rất nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển của kinh tế tuần hoàn đồng thời là đối tượng thụ hưởng lợi ích thiết thực từ các mô hình kinh tế sáng tạo và văn minh này.

Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV

“Kinh tế tuần hoàn giúp doanh nghiệp tận dụng được nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng, giảm thiểu khai thác tài nguyên vốn đang cạn kiệt và không thể phục hồi; giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên thông qua vận hành các mô hình kinh doanh tuần hoàn, sử dụng công nghệ sạch, công nghệ phát thải carbon thấp, góp phần hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường, giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (tổn thất do biến đổi khí hậu có thể lên tới 11% GDP Việt Nam vào năm 2100, theo WB); giảm rủi ro thừa sản phẩm cho doanh nghiệp trong khi thiếu hụt nguyên liệu đầu vào”, ông Lực phân tích thêm.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch VCCI cho rằng: “Một tín hiệu đáng mừng là các doanh nghiệp (DN) Việt Nam giờ đây đã có sự nhận thức về phát triển bền vững (PTBV), về chuyển đổi xanh (CĐX) được nâng cao đáng kể so với giai đoạn 5-10 năm trước đây. Đặc biệt là các DN đầu tàu, họ đã, đang tiên phong đầu tư mạnh mẽ cho kinh doanh bền vững, bắt kịp với xu thế toàn cầu hướng tới mục tiêu Net Zero 2050”.

Hướng đi của những doanh nghiệp nội địa

Ông Lý Minh Hùng - Giám đốc HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình là một trong những nông dân ở tỉnh Đồng Nai bước vào cuộc đua tới Net Zero. Bởi, nếu không chuyển đổi, chỉ vài năm nữa thôi sản phẩm nông sản khó xuất khẩu do các thị trường dần áp dụng tiêu chuẩn xanh và bền vững trên hàng hoá.

Hướng đi được ông Hùng lựa chọn là mô hình nông nghiệp hữu cơ và tuần hoàn của HTX cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm phát thải khí nhà kính. HTX Thanh Bình đang có 320ha diện tích đất trồng chuối. Từ lá, quả, đến thân, vỏ, bẹ chuối… đều được tận dụng triệt để làm ra các sản phẩm, gần như không bỏ thứ gì.

Ông Hùng hào hứng chia sẻ: Quả chuối đủ chuẩn được đóng thùng xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, châu Âu, châu Á… Có tháng HTX xuất đi gần 200 container hàng. Những quả có mẫu mã xấu ông đưa vào làm tinh bột, chuối sấy. Vỏ chuối đem ủ phân hữu cơ, lá chuối tạo lớp mùn cho đất tơi xốp.

Cùi buồng chuối cũng được tận dụng để sản xuất chén, bát… Phần bẹ chuối đem làm xơ, sợi, hoặc đơn giản là phơi khô đem bán với giá 8.000 đồng/kg. Đây chính là phần tạo ra giá trị gia tăng từ cây chuối nhưng lại thân thiện môi trường.

Trên thế giới, sản xuất nông nghiệp thuận tự nhiên, tuần hoàn áp dụng công nghệ khoa học đã được thực hiện từ lâu. Vòng tròn giá trị này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Quan trọng hơn, theo ông Hùng, làm nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn tốt cho hệ sinh thái, nguồn đất và nước không bị ô nhiễm. Đây là yếu tố bền vững, không chỉ cho thế hệ chúng ta mà còn cho mai sau.

Kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp Việt

Nhiều doanh nghiệp cũng đã lựa chọn mô hình kinh tế tuần hoàn, để trong quá trình sản xuất, không có gì độc hại thải ra môi trường. Điển hình tại Tập đoàn An Phát Holdings, việc đẩy mạnh các hoạt động theo kinh tế tuần hoàn đã được thực hiện trong hàng thập kỷ qua.

Sự ra đời của thương hiệu AnEco năm 2015 chính là quả ngọt cho nỗ lực xanh hoá trong sản xuất của Tập đoàn này. Sản phẩm của AnEco được sản xuất dựa trên quy trình nghiêm ngặt, từ 100% nguồn nguyên liệu nhựa sinh học phân huỷ hoàn toàn như PBAT, PLA, PBS tái sinh và bền vững.

Do đó, AnEco có khả năng phân huỷ hoàn toàn thành nước, CO2 và mùn nuôi cây, hoàn toàn không để lại vi nhựa hay các tác nhân gây ô nhiễm môi trường. AnEco cũng đạt nhiều chứng nhận trong nước và quốc tế về khả năng phân huỷ sinh học hoàn toàn, đảm bảo an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng, không gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái.

Tương tự, nhà máy gạch Tuynel Tuyên Quang cũng là “cánh chim đầu đàn" trên hành trình phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Nhà máy được tự động hoá với thiết bị nhập khẩu đồng bộ, chu trình khép kín từ xử lý tạo hình ra thành phẩm được cơ giới hoá bằng robot cùng hệ thống xử lý khí thải tận thu toàn bộ nhiệt và khí, đảm bảo thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn tài nguyên đất sét ngày một cạn kiệt, nhà máy đã tìm đến những nguồn nguyên liệu khác như đất bóc thải của các mỏ khai thác khoáng sản, gạch vỡ, bê tông và sỉ thải sau đốt lò để thay thế đất sét, sản xuất gạch tuynel chất lượng cao với công nghệ sản xuất tuần hoàn, giảm thải tác động tới môi trường.

Là một trong số các doanh nghiệp tiêu biểu thuộc lĩnh vực nước giải khát tiên phong triển khai kinh tế tuần hoàn, công ty Tân Hiệp Phát lựa chọn triển khai mô hình 3R về giảm thiểu chất thải (Reducing waste), tái sử dụng (Reusing) và tái chế (Recyling).

Trong đó, với việc mạnh tay đầu tư công nghệ chiết lạnh vô trùng Aseptic của tập đoàn đa quốc gia GEA, Tân Hiệp Phát đã không chỉ phát triển thành công dòng sản phẩm tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng nhờ giữ nguyên được màu sắc, hương vị tự nhiên và giá trị dinh dưỡng mà đồng thời không ngừng cải tiến, giảm thiểu được lượng nhựa sử dụng trong chai chỉ bằng 50% so với ban đầu.

Công nghệ vô trùng Aseptic được áp dụng tại các nhà máy của Tân Hiệp Phát

Song song với đó, từ năm 2013, các loại màng co và túi PE được công ty tái chế 100% và được sử dụng trong nhiều năm làm túi đựng phục vụ các mục đích khác nhau như chứa đựng phôi, nắp và túi đựng rác. Năm 2022, công ty cũng loại bỏ việc sử dụng thùng carton đối với nước tinh khiết Number 1 và thay vào đó là sử dụng màng co PE làm từ nhựa tái chế.

Thách thức trong quá trình chuyển đổi

Doanh nghiệp là đối tượng nòng cốt, trọng tâm trong mọi hoạt động phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, và trong kinh tế tuần hoàn cũng không ngoại lệ. GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng, doanh nghiệp vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng trực tiếp tham gia, chuyển đổi các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, việc thực hiện kinh tế tuần hoàn không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp, mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững.

Trọng lượng chai của Tân Hiệp Phát hiện nay đã được giảm 50% so với trọng lượng ban đầu

Nhưng ngược lại, áp dụng mô hình này, doanh nghiệp cũng phải chấp nhận nhiều thử thách, đòi hỏi quá trình nỗ lực bền bỉ. Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi doanh nghiệp có những bước đột phá về công nghệ, đặc biệt là công nghệ cho việc tái sử dụng và tái chế chất thải. Doanh nghiệp sẽ phải tập trung đầu tư máy móc, công nghệ cao, hiện đại, phù hợp với quy trình sản xuất hướng theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Bằng những sáng kiến và sự quyết tâm, Tân Hiệp Phát đã là một trong những doanh nghiệp nước giải khát Việt Nam đã cho thấy giá trị đóng góp nổi bật từ quá trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn ngay từ sớm. 78.000 tấn rác thải nhựa đã được giảm chỉ trong vòng 9 năm từ năm 2014 - 2023.

Chuyển đổi sang mô hình này còn giúp doanh nghiệp nội địa từng bước hòa nhập với sự phát triển chung của ngành, tiếp cận các thị trường mới, thu hút những khách hàng ưu tiên trách nhiệm với môi trường.

Đến nay, các sản phẩm của Tân Hiệp Phát đã xuất khẩu thành công đến hơn 20 quốc gia, trong đó có các quốc gia đặt ra tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe bậc nhất như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Úc…

GS.TSKH Nguyễn Mại

Ngoài ra, GS.TSKH Nguyễn Mại cũng nhấn mạnh đến việc hoàn thiện thể chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó, Nhà nước cần có khuôn khổ pháp lý cho “đổi mới sáng tạo”; cơ chế chính sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực, có lộ trình và ưu tiên trong phát triển kinh tế tuần hoàn dựa trên nhu cầu thị trường và đòi hỏi của xã hội.

Chuyển đổi kinh tế tuần hoàn chính là giải pháp giúp doanh nghiệp rút ngắn lộ trình đạt mục tiêu Net Zero, hòa nhập với sự phát triển của thế giới và khẳng định vị thế cạnh tranh trên thị trường.

Không chỉ vậy, mô hình này còn tạo nên chuỗi lợi ích bền vững trong tương lai khi cân bằng giữa yếu tố kinh tế và môi trường. Doanh nghiệp cần nỗ lực nghiên cứu và mạnh dạn chuyển đổi ngay từ sớm để khai thác các lợi thế và tiềm năng.

Cùng chuyên mục
Tin khác