Diễn đàn VNF

Chuyên gia: 5 yếu tố khiến xu hướng giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài 'lên ngôi'

(VNF) - Trao đổi với VietnamFinance về giải pháp xử lý các tranh chấp thương mại đối với doanh nghiệp niêm yết hay tổ chức tài chính, luật sư Nguyễn Hải Vân, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đang là xu hướng hiện nay.

Năm vừa qua, những diễn biến bất lợi của nền kinh tế thế giới đã ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Việt Nam, bộc lộ những rủi ro khi doanh nghiệp vướng vào các tranh chấp thương mại.

Tuy nhiên hiện nay, nhiều vụ tranh chấp liên quan đến lĩnh vực kinh tế - tài chính chưa được giải quyết theo tiến độ doanh nghiệp mong muốn. Nguyên do là quy định pháp luật về tiến trình giải quyết tranh chấp kinh doanh - thương mại ở nước ta vẫn chưa đủ, việc thực thi pháp luật về tố tụng trên thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc. Số lượng vụ việc tranh chấp kinh doanh-thương mại được thụ lý giải quyết tại tòa án luôn ở trong tình trạng quá tải, dẫn đến tăng số lượng hồ sơ tồn đọng, gây bức xúc cho doanh nghiệp liên quan trong các vụ kiện.

Trên thực tế, đối với các nước có nền kinh tế tiên tiến trên thế giới, hành lang pháp lý của họ cũng chưa hoàn hảo nhưng thông lệ giải quyết lại rất hiệu quả để giải quyết tranh chấp. Xu hướng giải quyết tranh chấp trong kinh doanh- thương mại theo hình thức hòa giải và trọng tài càng ngày càng tăng, giúp các doanh nghiệp của họ nhanh chóng giải quyết dứt điểm các sự việc tranh chấp.

Để giải quyết tranh chấp kinh doanh-thương mại, doanh nghiệp Việt Nam có thể có nhiều lựa chọn: một là, luật sư của các bên tranh chấp tự đàm phán, thương lượng (theo quy định của Luật Luật sư); hai là, hòa giải thương mại (theo Nghị định 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017); ba là, giải quyết tranh chấp tại tòa án (theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại); và bốn là, giải quyết theo phương thức trọng tài (theo quy định Luật Trọng tài thương mại).

Trong 4 hình thức trên, chỉ có phương thức số 3, số 4 thì phán quyết có tính cưỡng chế thi hành (theo quy định của Luật Thi hành án dân sự). Hai phương thức này khác nhau cả về tố tụng cũng như cách thức thực hiện.

Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp hiện e ngại khi chọn giải pháp trọng tài thương mại. Nguyên do đây là cách thức chưa phổ biến, các cổ đông, nhà quản lý doanh nghiệp cho rằng vận hành theo cơ chế trọng tài thương mại thì thiếu vai trò của quyền lực nhà nước, tính chất giải quyết triệt để tranh chấp và cưỡng chế thi hành phán quyết trọng tài không cao. Thực sự, đây là điều mà các nhà quản lý doanh nghiệp đến nay vẫn còn hiểu lầm.

Khoản 5 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, quy định phán quyết trọng tài là chung thẩm và theo khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thi hành án dân sự năm 2014 (có hiệu lực 01/03/2022), thì phán quyết của Trung tâm trọng tài thương mại đã có giá trị thi hành án ngang với quyết định bản án của tòa án. Tính chất cưỡng chế để thi hành án cũng là như nhau.

Cho nên, trong tình hình chung như vậy, khi các nhà quản lý doanh nghiệp chưa hiểu được những lợi thế của trọng tài thương mại thì đương nhiên họ sẽ chưa lựa chọn. Như vậy, trọng tài thương mại có phương thức giải quyết khác phương thức theo trình tự tố tụng của tòa án như thế nào? 

Thứ nhất, trọng tài thương mại chỉ thực hiện giải quyết tranh chấp thương mại ở một cấp xét xử, phán quyết trọng tài thương mại là chung thẩm, có giá trị thi hành ngay. Tức là chỉ giải quyết chỉ một lần là xong (chỉ trừ khi phán quyết này bị yêu cầu hủy tại tòa kinh tế- thuộc tòa án nhân dân cấp tỉnh, xảy ra hãn hữu khi có sai sót nghiêm trọng về thủ tục giải quyết của hội đồng trọng tài). Còn đối với phương thức giải quyết tranh chấp của tòa án thì có cấp sơ thẩm, phúc thẩm và thậm chí là giám đốc thẩm. Trong một số tình huống hủy án thì có thể phải giải quyết lại từ đầu (nếu có những sai sót tố tụng nghiêm trọng mà cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm không thể xử lý được).

Thứ hai, trình tự tố tụng theo phương thức gỉai quyết tại tòa án thì thường cần nhiều thời gian. Đối với vụ án đơn giản thì luật quy định là 2 tháng kể từ ngày thụ lý, còn phức tạp hơn là 4 tháng. Tuy nhiên trên thực tế, những án đơn giản như tranh chấp hợp đồng tín dụng thì tòa án cấp sơ thẩm có thể giải quyết từ 9 tháng đến hơn 1 năm, tùy theo tính chất từng loại án hoặc hơn, có thể lên đến 2 năm.

Thứ ba, theo phương thức tố tụng tại tòa án thì mức án phí có thể thấp hơn lệ phí trọng tài thương mại. Tuy nhiên, nếu vụ án phức tạp, thì giải quyết theo trình tự nhiều cấp xét xử tại tòa án sẽ cộng dồn nhiều mức phí. Trong khi đó, lợi thế của phương thức giải quyết theo trọng tài thương mại là: quy trình giải quyết một cấp, mức phí chỉ một lần duy nhất.

Về thủ tục thì phương thức tống đạt của trọng tài thương mại ngắn gọn và nhanh hơn so với phương thức tố tụng dân sự. Cụ thể, tố tụng dân sự có một tiêu chí bắt buộc đó là khi tống đạt tài liệu lần 1 nếu không thành công thì phải thực hiện tống đạt lần 2, việc tống đạt phải chắc chắn đảm bảo địa chỉ chính xác của doanh nghiệp hoặc địa chỉ cư trú của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Khi có sự chưa rõ ràng về thông tin địa chỉ doanh nghiệp hoặc cá nhân người liên quan cư trú, thì tòa án phải thông qua quy trình xác minh bằng đường hành chính đến cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Tuy nhiên, phương thức tống đạt thư mời, tài liệu của trọng tài thương mại có phần gọn hơn. Trọng tài xác định đích danh địa chỉ hợp pháp của doanh nghiệp để tống đạt. Quy trình tống đạt đảm bảo tính pháp lý nhưng không quá cầu toàn như phương thức của tòa án.

Thư tư, tâm lý của các bên khi đến với phương thức trọng tài thương mại thì nhẹ nhàng hơn so với khi đến tòa án. Nguyên do là các bên tranh chấp thường nghĩ trọng tài nặng về hòa giải. Và trên thực tế thì trọng tài thương mại cũng thiên về hòa giải nhiều hơn. Trong trường hợp phải chỉ định trọng tài viên, trung tâm trọng tài thương mại thường có xu hướng đề xuất trọng tài viên có kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực các bên tranh chấp. Để đến được phiên họp cuối cùng thì qua nhiều bước như: xác minh thu thập chứng cứ, sau đó tìm những điểm chung và khác biệt để hội đồng trọng tài có gắng động viên hai bên có được giải pháp hòa giải. Trường hợp không thể hòa giải thì hội đồng trọng tài mới ban hành phán quyết.

Như vậy, xét theo các tiêu chí đa số các doanh nghiệp cần thì giải quyết bằng trọng tài thương mại có lợi thế hơn về thời gian và chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra.

cuối cùng là, giải quyết bằng trọng tài thương mại sẽ đạt được việc bảo mật thông tin các bên tranh chấp. Các buổi làm việc của trọng tài thương mại chỉ có được sự tham dự của bên thứ ba không liên quan đến tranh chấp nếu được các bên đồng ý. Phán quyết trọng tài thương mại thường không công khai như bản án của tòa án, trừ khi các bên tranh chấp cùng đồng ý cho phép tiết lộ thông tin. Điều này rất cần thiết với các tổ chức tài chính hay doanh nghiệp niêm yết.

Chẳng hạn, chúng ta có thể thấy rằng, đối với các doanh nghiệp niêm yết thì nếu thông tin tranh chấp lộ ra sẽ có thể gây hậu quả rất lớn cho tình hình tài chính, hoạt động của doanh nghiệp. Việc chỉ cần thông tin thụ lý vụ án của tòa án được đối phương công bố cũng có thể gây ra khủng hoảng bán tháo cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Nhưng với trọng tài thương mại thì không (trừ khi các bên tranh chấp cho phép) vì trong Luật Trọng tài thương mại cũng như quy chế tổ chức, hoạt động của các Trung tâm trọng tài đều đề cao tính bảo mật.

Với năm ưu điểm như đã nói trên: thủ tục nhanh gọn; tổng chi phí hợp lý; quy trình thực hiện không quá phức tạp; tính gần gũi hơn so với giải quyết tại tòa án do tập trung vào việc hòa giải là chính; và cuối cùng là tính bảo mật thông tin, thì phương thức giải quyết bằng trọng tài thương mại hiện nay đang được rất nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp niêm yết hay liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng lựa chọn khi xảy ra các tranh chấp kinh doanh thương mại. Đây đang là một xu hướng phổ biến trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tin mới lên