Chuyên gia: 'Làn sóng chuyển đổi số đang tăng'

Bích Thảo - 14/05/2020 18:42 (GMT+7)

(VNF) - Để khôi phục và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, hàng loạt các doanh nghiệp đang thúc đẩy tiến trình số hóa. Xu hướng chuyển đổi số đang từng bước lan tỏa đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội. Trong sự ảnh hưởng mạnh mẽ mang tính toàn cầu này, nhiều chuyên gia nhận định rằng chuyển đổi số không đơn giản chỉ dừng lại ở một xu hướng nữa mà nó đã trở thành một cuộc chơi sống còn đối với các công ty.

VNF
Lễ kí kết hợp tác chiến lược giữa Tiki, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và Trung tâm Phát triển Kinh doanh online cho dự án hỗ trợ 500.000 doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử bền vững.

Doanh nghiệp tích cực đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho chuyển đổi số

Covid -19 khiến mọi thứ dịch chuyển lên tnternet và chuyển đổi số trở thành vấn đề cấp bách. Không phụ thuộc không gian và thời gian, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp vận hành, duy trì công việc trên nền tảng mới với hiệu quả và năng suất hơn. 

Mới đây, tại sự kiện “Lễ kí kết hợp tác chiến lược giữa Tiki, Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam và Trung tâm Phát triển Kinh doanh Online cho dự án hỗ trợ 500.000 doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển TMĐT bền vững” tổ chức ở TP. HCM, Tiki công bố hỗ trợ 200 tỷ đồng cho 20.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong năm 2020.

Theo bà Vũ Thị Nhật Linh, Phó Tổng Giám đốc Quản lý Sàn Thương mại tại Tiki, các SME thường khá e dè trong việc mở rộng kênh phân phối trên các sàn TMĐT, xuất phát từ 3 “nỗi sợ”: sợ không bán được hàng, sợ không thể quản lý, sợ “tiền mất tật mang”. Lý do dẫn đến những lo ngại này chính là kiến thức kinh doanh trên TMĐT còn khá hạn chế. 

Với mô hình truyền thống, các doanh nghiệp SME sẽ gặp phải nhiều rào cản hơn so với kinh doanh trên các nền tảng số, như chi phí cao hơn, hạn chế mở rộng thị phần, khó linh hoạt và chịu nhiều ảnh hưởng hơn khi có khủng hoảng (như dịch bệnh, khủng hoảng tài chính)... Điển hình là trong dịch bệnh Covid-19 vừa qua, SME là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề.  

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch VECOM, TMĐT đang phân bổ khoảng 70% tại Hà Nội và TP. HCM, 30% thuộc 61 tỉnh thành còn lại. Vì vậy với dự án lần này sẽ cùng phấn đấu để cân bằng tỷ lệ này: Hà Nội và TP. HCM chiếm 50%, toàn bộ các tỉnh thành còn lại đạt 50% trong năm 2025. Đây cũng là mục tiêu giúp doanh nghiệp tại các địa phương phát triển TMĐT.   

Trước đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời chính thức ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Công nghệ Citek triển khai hệ thống quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp ERP SAP S/4HANA với tổng giá trị đầu tư dự án 4 triệu USD. 

Theo ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời , thì sứ mệnh công ty là nâng cao đời sống và vị thế của bà con nông dân bằng việc tổ chức sản xuất theo chuỗi sản xuất và cung ứng bền vững bằng cách áp dụng khoa học công nghệ để phát huy tối đa hiệu quả sản xuất và đến năm 2024 đạt doanh số 1 tỷ USD.

Từ đó nâng cao đời sống cán bộ nhân viên, mang lại lợi ích lâu dài cho nhà đầu tư một cách hợp lý cũng như phân phối lợi nhuận hợp lý với bà con nông dân. Và tập đoàn Lộc Trời đã chọn giải pháp quản trị tiên tiến của hãng SAP (Đức) và đối tác CITEK để xây dựng nền tảng quản trị vững chắc để hiện thực hóa sứ mệnh này.

Theo ông Nguyễn Công Tẩn - Tổng giám đốc CITEK thì CITEK sẽ tư vấn, đào tạo và giúp đội ngũ của tập đoàn Lộc Trời nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ trong quản trị và điều hành doanh nghiệp và trở thành doanh nghiệp nông nghiệp tri thức và phát triển bền vững.

Ở Tập đoàn FPT, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho hay FPT đã ký hợp đồng tư vấn chuyển đổi số với “vua tôm” Minh Phú cùng tham vọng giúp đối tác chinh phục 25% thị phần thế giới từ mức hiện tại là 4%.

“Đó là ước vọng của người Việt Nam. Tuy gặp khó khăn nhưng chúng tôi cùng cố gắng để sớm bàn giao dự án. FPT cũng đang hoàn thiện hợp đồng với 'vua gỗ' AA để nhanh chóng trở thành một trong hai nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới. Khi hoàn thành, dự án sẽ là sự kết hợp của gỗ và phần mềm để cùng nâng đẳng cấp toàn cầu”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết.

Cú hích của Covid-19, theo ông Bình, đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh chưa từng có.

Chuyển đổi số trong từng góc nhỏ

FPT Telecom ra mắt ứng dụng FTI Cloud Desktop - máy trạm ảo hỗ trợ doanh nghiệp thời gian làm việc tại nhà. Sản phẩm được coi là giải pháp thông minh cho doanh nghiệp trong thời điểm làm việc từ xa của dịch Covid-19.

Lấy ví dụ với nhu cầu tòa nhà làm việc chính của một công ty có nguy cơ bị phong tỏa, mọi hoạt động ra/vào bị cấm thời gian dài trong khi hoạt động công ty vẫn cần duy trì với lượng 5.000 nhân viên; các ứng dụng của công ty không cho phép truy suất bằng RDP hay TeamViewer trực tiếp từ bên ngoài. Dịch vụ này sẽ là lựa chọn phù hợp cho doanh nghiệp để ứng phó với các tình huống xảy ra.

FPT Telecom cũng cho ra mắt giải pháp “FPT VPN - Kết nối ưu tiên” hỗ trợ khách hàng đảm bảo tốc độ kết nối Internet mượt mà với các hoạt động trực tuyến.

Nhiều sản phẩm dịch vụ, giải pháp công nghệ mới của Tập đoàn FPT đã ra đời và được đón nhận như akaChain,  akaBot, akaDoc, akaTrans, FPT.eHospital,  FPT.eGOV... Mới đây, FPT ký hợp đồng bán bản quyền akaBot trong 5 năm cho thị trường Nhật. FPT cũng thâm nhập vào mảng điện toán đám mây (Cloud), Dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (A.l)...

Năm 2020, câu chuyện chuyển đổi số của FPT sẽ có thay đổi theo hướng phong phú, đa dạng hơn, tập trung nâng cao trải nghiệm, mô hình kinh doanh mới, hiệu quả. FPT đặt mục tiêu năm nay chuyển đổi số toàn bộ Tập đoàn.

Theo ông Vũ Thế Bình, Tổng giám đốc NetNam, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), dù tháng 5/2020 mức độ xuống thang cách ly đến đâu, chắc chắn rằng tư duy và cách làm việc của nhiều doanh nghiệp, nhiều người sẽ thay đổi theo hướng linh hoạt, mềm dẻo hơn, thích ứng với công nghệ tốt hơn và “văn hoá số” cũng hiện diện rõ hơn.

Cơ hội thúc đẩy gia tăng chuyển đổi số

Theo Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến tháng 3/2020 tăng vọt, đạt 24%, gấp đôi so với tỷ lệ 12% cùng kỳ năm 2019. Lưu lượng truy cập internet tháng 3/2020 cũng tăng gấp đôi. Dịch Covid-19 đang tạo ra một “cú hích” cho cuộc sống số.

Theo Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông)- ông Nguyễn Huy Dũng, tại Việt Nam có những phần mềm phục vụ phòng, chống dịch bệnh được làm xong chỉ trong vòng 48 giờ. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia xây dựng ứng dụng độc đáo, mới lạ, hiệu quả, đi trước so với thế giới.

Covid-19 không chỉ là thách thức cho mỗi cá nhân, mà còn là bài kiểm tra khắt khe về sức khỏe doanh nghiệp, tính thích ứng và phản ứng của mỗi quốc gia. Nhưng chính nó cũng tạo ra cơ hội để thúc đẩy chuyển biến tích cực trong xã hội.

Ảnh báo VnExpress.

Trong dự thảo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử. Kinh tế số chiếm 30% tổng sản phẩm quốc nội. Người dân được thụ hưởng, trải nghiệm nhiều dịch vụ thông minh trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng, giao thông, môi trường, cung cấp điện năng.

Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ. Khi chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đây sẽ là bộ khung cho chuyển đổi số quốc gia, căn cứ vào đó, các bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai chương trình 5 năm và kế hoạch hằng năm về chuyển đổi số dựa trên lợi thế, đặc thù của mình.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, CEO của FPT, kinh tế sẽ còn bị ảnh hưởng ít nhất đến cuối năm. Hiện nay việc chuyển đổi số, áp dụng nhiều công nghệ hơn, đang tạo áp lực cho chính lãnh đạo các doanh nghiệp. Điều họ lo lắng nhất là nội tại doanh nghiệp có sẵn sàng và thích ứng tốt với sự thay đổi này không, đặc biệt khi hệ thống quản trị cũ đã ăn sâu có thể hàng chục năm. Nhưng qua đại dịch, bước vào giai đoạn 'bình thường mới', đây là cơ hội tốt nhất để làm, cần khởi động thông minh, bằng việc bắt đầu chuyển đổi số từ một hạng mục công việc nhỏ. 

Rào cản chi phí của chuyển đổi số đã không còn là vấn đề lớn hiện nay khi công nghệ ngày một phổ rộng và được cung cấp với chi phí thấp hơn. Doanh nghiệp có thể lựa chọn các giải pháp công nghệ tính phí theo nhu cầu sử dụng, quy mô của doanh nghiệp, chẳng hạn dùng Chatbot AI với chi phí chỉ vài triệu đồng/tháng; các gói hóa đơn điện tử có kèm dịch vụ chữ ký số chỉ có giá từ 300 đồng/hóa đơn…

Cùng chuyên mục
Tin khác