Cổ đông liên quan đến đại gia Vũ Văn Tiền nắm bao nhiêu vốn tại ABBank?

Mai Anh - 08/08/2024 18:54 (GMT+7)

(VNF) - Tuy không nằm trong danh sách cá nhân sở hữu từ 1% vốn điều lệ nhưng ABBank vẫn được biết đến là nhà băng mang dấu ấn của đại gia Vũ Văn Tiền. Ông hiện là Phó Chủ tịch HĐQT ABBank và Chủ tịch Tập đoàn Gleximco.

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, mã chứng khoán ABB) vừa công bố danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn điều lệ theo yêu cầu của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/7.

Theo danh sách này, tại thời điểm ngày 31/7/2024, ABBank có 19 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ ngân hàng, gồm 16 cổ đông cá nhân và 3 cổ đông tổ chức. Các cổ đông này sở hữu hơn 689 triệu cổ phiếu ABB, tương đương 66,6% vốn điều lệ ngân hàng.

Ba cổ đông tổ chức sở hữu gần 348 triệu cổ phiếu, chiếm 33,6% vốn điều lệ của ABBank. Trong đó, Malayan Banking Berhad (Maybank) sở hữu 169,6 triệu cổ phần, tương ứng 16,39% vốn điều lệ và là cổ đông có tỷ lệ sở hữu cao nhất tại ABBank.

Tập đoàn Geleximco nắm 132,2 triệu cổ phần ABB, tương ứng tỷ lệ sở hữu 12,78%; người liên quan đến tập đoàn này nắm hơn 48 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,65%.

Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Glexhomes sở hữu 45,8 triệu cp (4,43%) và người liên quan sở hữu hơn 340.000 cổ phiếu, tương đương 0,03% vốn ngân hàng.

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Geleximco, hiện đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT của ABBank. Cá nhân ông Tiền nắm 33,5% cổ phần tại Geleximco và không nằm trong danh sách cá nhân sở hữu từ 1% vốn điều lệ ABBank. Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm, ông Tiền chỉ sở hữu gần 3,8 triệu cổ phiếu ABB, tương đương 0,366% vốn ngân hàng.

Chủ tịch HĐQT ABBank là ông Đào Mạnh Kháng, cũng không nằm trong danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ ngân hàng.

Tuy không trực tiếp đứng tên sở hữu vốn nhưng ABBank vẫn được biết đến là nhà băng mang dấu ấn của đại gia Vũ Văn Tiền.

Từ năm 2005 đến ngày 24/04/2018, ông Tiền giữ chức Chủ tịch HĐQT ABBank. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Tổ chức Tín dụng 2018 có hiệu lực từ 15/1/2018 thì Chủ tịch, Tổng Giám đốc ngân hàng không được làm lãnh đạo ở các doanh nghiệp khác. Do đó, ông Tiền chính thức rời ghế chủ tịch ABBank từ ngày 25/04/2018 sau hơn 10 năm gắn bó.

Người thay thế ông Tiền giữ chức Chủ tịch HĐQT ABBank là ông Đào Mạnh Kháng (sinh năm 1969). Theo báo cáo quản trị bán niên năm 2024, vợ của ông Kháng là bà Vũ Thị Hương – Trợ lý Chủ tịch HĐQT kiêm Trợ lý Phó Chủ tịch ABBank. Được biết bà Hương là em gái ruột của ông Tiền.

Ông Tiền cũng từng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT tại Chứng khoán An Bình từ tháng 4/2020 đến tháng 4/2022. Sau đó, vị trí này được giao cho em gái ông là bà Vũ Thị Hương, Thành viên HĐQT Geleximco.

Ông Tiền không có trong danh sách cổ đông nói trên nhưng có em trai là ông Vũ Văn Hậu hiện sở hữu 20,26 triệu cổ phần, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 1,96% vốn của ABBank. Người có liên quan của ông Hậu nắm giữ 15,45% cổ phần ABBank, tương đương với gần 160 triệu cổ phiếu.

Trong số 16 cổ đông cá nhân, bà Vũ Thị Hải Yến đang là người nắm giữ nhiều cổ phần ABBank nhất, với hơn 43,8 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu là 4,23%; số lượng cổ phần của người liên quan không đáng kể.

Một số cá nhân khác nắm giữ nhiều cổ phiếu ABBank như bà Kiều Thị Liễu sở hữu 3,54%, tương ứng 36,6 triệu cổ phiếu.

Các cổ đông cá nhân sở hữu từ 2% gồm có ông Tô Tuấn Anh, bà Tạ Thị Hồng Hà, ông Phạm Thanh Tuân, bà Phạm Thị Hương Ly và bà Vũ Thị Minh Phương.

Về tình hình kinh doanh, tính đến hết ngày 30/6/2024, ABBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 558 tỷ đồng, hoàn thành 56% kế hoạch năm. ABBank đã trích lập 640 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng thêm hơn 10,36% so với cùng kỳ.

Trước đây, các ngân hàng chỉ phải công khai thông tin của cổ đông lớn nắm giữ từ 5% vốn hoặc thông tin của lãnh đạo cùng người có liên quan. Nhưng theo Luật Các tổ chức tín dụng mới, từ 1/7/2024, ngân hàng phải công khai thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ. Đồng thời, danh sách người có liên quan, đối với cả cá nhân và tổ chức, cũng được mở rộng hơn nhiều so với trước.

Luật mới cũng giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.

Trường hợp nhóm này sở hữu cổ phần vượt mức theo quy định mới (tức tỷ lệ sở hữu trước ngày 1/7) vẫn được duy trì nhưng không được phép được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Đại gia Vũ Văn Tiền nói về cách 'chơi' với nhà thầu Trung Quốc

Đại gia Vũ Văn Tiền nói về cách 'chơi' với nhà thầu Trung Quốc

Nhân vật
Nhiều dự án có vốn nhà nước hoặc của doanh nghiệp nhà nước sử dụng nhà thầu Trung Quốc lâm cảnh đội vốn, chậm tiến độ, nằm đắp chiếu. Nhưng đại gia Vũ Văn Tiền vẫn bày tỏ sự tin tưởng với nhà thầu từ quốc gia này. Vì sao?
Cùng chuyên mục
Tin khác