Có nên bỏ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo?

Nguyên Nga - 30/06/2020 07:44 (GMT+7)

VCCI kiến nghị bỏ điều kiện kinh doanh bảo hành, bảo dưỡng ô tô, kinh doanh hàng đông lạnh tạm nhập tái xuất, xuất khẩu gạo...

VNF
Nếu bỏ các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ không có số liệu để cơ quan quản lý nắm​

Xuất khẩu gạo, bảo dưỡng ô tô, kinh doanh hàng đông lạnh tạm nhập tái xuất... được Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị nên bỏ khỏi danh mục kinh doanh dịch vụ có điều kiện trong tổng số 13 ngành nghề mà đơn vị này nêu ra.

Không hợp lý với doanh nghiệp?

Một trong những loại hình dịch vụ VCCI kiến nghị bỏ điều kiện kinh doanh là hoạt động bảo hành, bảo dưỡng ô tô do đây là dịch vụ thường đi kèm với dịch vụ bán hàng hoặc sản xuất ô tô.

VCCI cho rằng trong quan hệ này trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm thuộc về nhà sản xuất là chính chứ không phải là người bảo hành, bảo dưỡng. Nên xem hoạt động bảo hành, bảo dưỡng ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện là rất bất hợp lý.

Thứ hai là với xuất khẩu gạo. Theo VCCI, gạo là loại hàng hóa liên quan an ninh lương thực quốc gia, nên cần có các chính sách quản lý đặc thù là cần thiết. Song pháp luật hiện hành đã có nhiều quy định để đảm bảo an ninh quốc gia, quốc phòng và các lợi ích công cộng liên quan sản phẩm gạo. Cụ thể, việc cân đối nguồn thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu, các yêu cầu về dự trữ lưu thông... đã được quy định khá rõ trong Nghị định 109. Do đó, VCCI cho rằng yêu cầu về điều kiện đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo để đảm bảo lợi ích công cộng là chưa phù hợp.

Tương tự với kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh, đây là một loại hoạt động trong quá trình kinh doanh chứ không phải một ngành nghề kinh doanh.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế của VCCI, cho rằng Nghị định 109 đã quy định rất rõ về vấn đề cân đối gạo dự trữ, xuất khẩu thế nào. Thế nên, cũng thật khó lý giải tại sao để xuất khẩu gạo thì thương nhân phải có những điều kiện về cơ sở vật chất với quy mô tối thiểu như trên? Và quy mô của doanh nghiệp thì giúp gì cho việc bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực? Hoặc với kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất hàng đông lạnh, đối tượng cần kiểm soát ở đây là mỗi lần tạm nhập tái xuất của doanh nghiệp chứ không phải là bản thân doanh nghiệp ngay từ khi họ chưa gia nhập thị trường.

Thế nên, biện pháp kiểm soát, nếu cần, là hoạt động kiểm soát (qua thủ tục hải quan, vận chuyển chuyển khẩu) đối với từng lô hàng chứ không phải là điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp thực hiện hoạt động tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh. “Đứng về góc độ thị trường, yêu cầu doanh nghiệp phải ký quỹ tại ngân hàng đồng nghĩa với việc một khoản tiền của doanh nghiệp sẽ bị “đóng băng” không sử dụng được. Đây là điều không hợp lý đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, đặc biệt khi mục tiêu quản lý lại chưa rõ ràng”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Không có điều kiện, không có số liệu để quản lý

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng - doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn tại tỉnh Tiền Giang, cho rằng các quy định mới liên quan hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định 107/2018 đã là… thoáng lắm rồi, nay bỏ đi thì không còn số liệu gì để quản lý xuất khẩu gạo.

Ông Đôn phân tích: “Trước đây quy định doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến thóc, gạo… phù hợp với tiêu chuẩn, quy định của quốc gia về kho, nhà máy. Thế nhưng, Nghị định 107/2018 đã cho phép doanh nghiệp xuất khẩu không cần đầu tư, được thuê kho, cơ sở xay xát… để kinh doanh xuất khẩu gạo.

Vấn đề là nếu không có các điều kiện tối thiểu này thì các địa phương, hiệp hội không có số liệu hoạt động mua bán xuất khẩu gạo của doanh nghiệp để báo cáo Bộ Công thương về số lượng các hợp đồng xuất khẩu, sản lượng tồn kho, thiếu hụt, giá cả tương đối bao nhiêu… Không có số liệu báo cáo, khi cần phải chạy quanh xin số liệu rất bị động. Thứ hai, nếu cắt bỏ hết các điều kiện, không có số liệu nên phát sinh cạnh tranh không lành mạnh, hoặc phá giá trong xuất khẩu gạo”.

“Hiện Trung Quốc đã sang Việt Nam kiểm tra các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu gạo đạt những tiêu chuẩn họ đặt ra mới cho xuất sang thị trường của họ. Tương tự với Philippines, vì vướng dịch Covid-19, nếu không họ cũng đã sang kiểm tra kho, nhà máy của doanh nghiệp Việt trong mấy tháng qua. Như vậy, các nước mua gạo của Việt Nam đang đặt ra một số điều kiện đối với nhà xuất khẩu, làm sao chúng ta lại bỏ đi hết, vậy gạo làm ra bán cho ai?”, ông Đôn nói.

Theo TNO
Cùng chuyên mục
Tin khác