Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (14/4): TPB, HPG và KBC

(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 14/4, bao gồm TPB, HPG và KBC.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (14/4): TPB, HPG và KBC

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (14/4): TPB, HPG và KBC

SSI: Khuyến nghị khả quan TPB, giá mục tiêu 1 năm là 32.000 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, theo kịch bản cơ sở rằng dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát vào giữa năm 2021, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HoSE:TPB) đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 24,7% so với cùng kỳ, nhờ thu nhập lãi ròng và bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) tăng trưởng mạnh. Mặt khác, bất chấp dự phòng tăng và không có khoản thu phí bancassurance bất thường. 

Dự báo lạc quan của SSI dựa trên những yếu tố, bao gồm tăng trưởng tín dụng và tiền gửi ước tính tăng lần lượt 27,8% và 25% so với cùng kỳ, do nhu cầu vay nợ dự kiến phục hồi trong năm 2021.

Hệ số NIM (biên lãi ròng) dự kiến giảm từ 4,53% xuống 4,36% năm trong 2021. Tuy nhiên, NIM sẽ vẫn ở mức cao trong 6 tháng đầu năm do lãi suất huy động ở mức thấp, nhưng sẽ giảm dần do lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh giảm để duy trì tính cạnh tranh.

Theo đó, SSI ước tính thu nhập lãi ròng của TPB năm nay đạt 9.400 tỷ đồng, tăng trưởng 23,5% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, thu nhập phí ước tính tăng 15,4% so với cùng kỳ trong năm 2021 sau 1 giai đoạn đình trệ trong năm 2020; dịch vụ thanh toán thu phí và bancassurance sẽ là các yếu tố tạo ra lợi nhuận chính.

Trong khi đó, chỉ số CIR (chi phí trên thu nhập) dự báo giảm đáng kể trong giai đoạn 2019-2020, do số hóa và phí trả trước lớn được ghi nhận trong 2 năm qua. Năm 2021, do không có khoản thu nhập bất thường (phí bảo hiểm trả trước), CIR ước tính tăng lên 42% (mặc dù ở mức thấp so với các ngân hàng tư nhân khác).

SSI cũng ước tính nợ xấu trong năm 2021 của TPB tăng 49% so với cùng kỳ, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,17% lên 1,39%. Ngược lại, chi phí dự phòng của TPB ước tính giảm 4,3% so với cùng kỳ; chi phí tín dụng giảm từ 1,5% xuống 1,1% và chi phí dự phòng bao nợ xấu ước tính giảm từ 134% xuống 106,5% trong năm 2021.

Tại thị giá hiện nay, TPB đang giao dịch với hệ số P/B là 1,4 lần, thấp hơn so với mức bình quân ngành là 1,7 lần. Với kết quả kinh doanh cao trong năm 2020 và việc ROE tiếp tục được cải thiện từ sau năm 2021, SSI nâng hệ số P/B mục tiêu lên 1,6 lần từ mức 1,2 lần.

Theo đó, giá mục tiêu 1 năm sẽ là 32.000 đồng/cổ phiếu (dự báo trước đó là 28.200 đồng/cổ phiếu) và tiềm năng tăng giá là 10%.

BVSC: Dự án Dung Quất 2 sẽ đưa HPG lọt top 30 doanh nghiệp thép thế giới

Công ty Chứng khoán Bản Việt (BVSC) dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý I/2021 của Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đạt 32.969 tỷ đồng và 6.513 tỷ đồng, lần lượt tăng 71,4% và 185% so với cùng kỳ. 

Về sản lượng, ước tính sản lượng tiêu thụ HRC tăng mạnh lên 593.000 tấn (tăng 56,4% so với quý trước); sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tăng lên 855.928 tấn (tăng 16,9% cùng kỳ và giảm 6,3% quý trước); sản lượng tiêu thụ phôi thép khoảng 392.000 tấn (tăng 11,6% cùng kỳ và giảm 6,2% quý trước).

BVSC dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế cả năm 2021 của HPG đạt 149.834 tỷ đồng (tăng 66,3%) và 21.587 tỷ đồng (tăng 60,5% so với cùng kỳ). Công ty chứng khoán này tăng dự báo do điều chỉnh giá bán thép xây dựng và HRC sau đợt tăng giá thời gian vừa qua.

Giá bán HRC và thép xây dựng dự báo lần lượt tăng lên 15,9 triệu đồng/tấn (tăng 24,7% cùng kỳ) và 14,1 triệu đồng/tấn (tăng 25,8%). Sản lượng tiêu thụ HRC và thép xây dựng không thay đổi dự báo, lần lượt ở mức 3 triệu tấn và 4 triệu tấn. Sản lượng tiêu thụ ống thép và tôn mạ tiếp tục tăng trưởng mạnh, dự báo lần lượt đạt 920.000 tấn (tăng 11,9% cùng kỳ) và 350.000 tấn (tăng 40% cùng kỳ).

BVSC cho biết, sản lượng tăng mạnh do nhà máy ống thép đã hoàn thành đầu tư mở rộng công suất tăng từ 800.000 tấn/năm đã lên mức 1 triệu tấn/năm trong năm 2020. Công suất nhà máy tôn mạ là 400.000 tấn/năm.

Công ty chứng khoán này nhận định, sau khi HPG làm chủ nguyên vật liệu đầu vào là HRC, HPG có thể tập trung đẩy mạnh chiếm thị phần mảng tôn mạ nhờ chiến lược giá, chất lượng bảo đảm và khả năng cung cấp hàng liên tục.

Bên cạnh đó, HPG đang đầu tư dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với dự kiến tổng công suất của dự án là 5,6 triệu tấn/năm. BVSC kỳ vọng dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024, tổng thời gian thi công trong 3 năm, sớm hơn so với dự án Dung Quất 1.

BVSC duy trì quan điểm lạc quan và kỳ vọng HPG có kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong năm 2021 nhờ sản lượng tiêu thụ HRC, thép dài, ống thép và tôn đều tăng mạnh. Giá bán thép diễn biến thuận lợi giúp lợi nhuận sau thuế có mức bứt phá mạnh trong năm nay.

Cùng với đó, lợi thế cạnh tranh của HPG ngày càng rõ nét ở mảng thép với chi phí sản xuất định mức thấp so với các đối thủ cạnh tranh, chất lượng sản phẩm cao cấp và thị phần đang dẫn đầu ở thép xây dựng và ống thép.

Đối với thép HRC, nhờ nhu cầu trong nước khoảng 12 triệu tấn mà lượng cung trong nước chưa đáp ứng đủ, HPG tiếp tục đầu tư dự án Dung Quất 2 giúp đảm bảo tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong dài hạn.

BVSC tiếp tục kỳ vọng dự án Dung Quất 2 sẽ thành công như dự án Hải Dương và Dung Quất 1 giúp đưa sản lượng thép thô của HPG có thể tăng lên 14 triệu tấn/năm (tăng trưởng 66,6%) và lọt top 30 doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất thế giới.

Yuanta: Khuyến nghị mua dành cho KBC

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho biết, năm 2021, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) đặt mục tiêu doanh thu ước đạt 6.600 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế ước đạt 2.000 tỷ đồng, gấp 6,3 lần mức thực hiện năm 2020.

Lãnh đạo KBC chia sẻ, khu công nghiệp Nam Sơn Hợp Lĩnh đã có 4 khách hàng tiềm năng thuê 125ha, chiếm 62,4% diện tích thương phẩm của dự án. Đối với khu công nghiệp Quang Châu, 45,6ha còn lại đã có khách thuê, ngoài ra, 20ha của khu công nghiệp Tân Phú Trung và 30ha của khu công nghiệp Quang Châu mở rộng cũng đã có khách thuê.

KBC cũng vừa được chấp thuận đầu tư đối với khu công nghiệp Tràng Duệ 3 (687ha) sau nhiều năm chờ đợi, đây là dự án nằm trong khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải và có vị trí thuận lợi.

Một nội dung đáng chú ý, KBC sẽ không chia cổ tức của năm 2020, thay vào đó nguồn vốn sẽ tập trung cho các dự án sắp triển khai. Bên cạnh đó, đại hội cổ đông thường niên vừa tổ chức đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu và kế hoạch phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu, tương đương với 21,1% số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Yuanta đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của KBC trong năm 2021 khi mảng bất động sản khu công nghiệp của doanh nghiệp ghi nhận kết quả tích cực nhờ các hợp đồng thuê lớn đã ký kết và một số khách hàng tiềm năng.

Ngoài ra, dự án Tràng Cát (584,9ha) được triển khai trở lại sau nhiều năm chờ đợi sẽ thúc đẩy lợi nhuận của KBC tăng trưởng mạnh kể từ năm 2022.

Ở mức giá hiện tại, KBC đang được giao dịch tại P/E kế hoạch năm 2021 là 9.7 lần; mức Stock Rating của KBC ở mức 90 điểm, trong đó điểm cơ bản và sức mạnh giá đều trên 80 điểm cho nên Yuanta duy trì đánh giá tích cực mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Đồ thị giá của KBC xuất hiện khoảng trống tăng giá và đồ thị giá có dấu hiệu thoát khỏi giai đoạn tích lũy cho nên xu hướng ngắn hạn sẽ rõ ràng hơn. Đồng thời, xu hướng ngắn hạn của KBC cũng được nâng từ mức giảm lên tăng. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại.

Tin mới lên