Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (16/2): KHG, ACV và BWE

(VNF) - MASVN cho biết dự án chủ lực của KHG là La Partenza đã được từ khách hàng đăng ký giữ chỗ và chuyển tiền giữ chỗ đạt hơn 60% tổng số căn hộ, với mức giá thị trường trên 40 triệu/m2. KHG dự kiến bàn giao dự án La Partenza vào cuối năm 2023 - 2024 và sẽ bắt đầu thu dòng tiền từ đây.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (16/2): KHG, ACV và BWE

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (16/2): KHG, ACV và BWE

MASVN: Khuyến nghị mua KHG với giá mục tiêu 31.000 đồng/cổ phiếu

Tập đoàn Khải Hoàn Land (HoSE: KHG) là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản tại khu vực miền Nam với hơn 20% thị phần. Hiện tại KHG có hơn 5.311 nhân viên (tăng 32% so với đầu năm), hoạt động tại gần 40 chi nhánh (so với chỉ 30 chi nhánh đầu năm). Trong năm qua, KHG đã thực hiện hơn 9.000 giao dịch sơ cấp và 16.000 giao dịch thứ cấp, tăng hơn 2 lần so với năm trước.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) cho biết, KHG đang triển khai 5 dự án bất động sản trong miền Nam, chủ yếu tại các khu vực vùng ven như Nhà Bè, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và thành phố du lịch Phú Quốc. Dự kiến các dự án này sẽ được bắt đầu ghi nhận doanh thu từ năm 2023 đến 2026 và các năm tiếp theo.

Đáng chú ý, dự án La Partenza đã được từ khách hàng đăng ký giữ chỗ và chuyển tiền giữ chỗ đạt hơn 60% tổng số căn hộ và với mức giá thị trường đã tăng lên trên 40 triệu/m2. KHG dự kiến bàn giao La Partenza cuối năm 2023 - 2024 và sẽ bắt đầu thu dòng tiền từ đây.

Bên cạnh đó, KHG là đối tác chiến lược cho nhiều dự án lớn trong miền Nam như Vinhomes Central Park, Vinhomes Grand Park, Sunshine Diamond River, các dự án của các chủ đầu tư lớn như GS, Masterise Homes, Keppel Land. KHG cũng tham gia hợp tác phát triển và phân phối độc quyền tất cả dự án của T&T, bao gồm dự án T&T City Millennia (tại Long Hậu, Cần Giuộc, Long An), T&T Phố Nối, T&T DC Complex (Hoàng Mai, Hà Nội), T&T Victoria (Vinh, Nghê An)...

MASVN đánh giá đây là các dự án rất có tiềm năng do nằm ở vị trí đẹp, giá bán hợp lý và pháp lý đầy đủ.

Thời gian gần đây, tình hình tài chính của KHG khá khả quan. Trong đó, nợ vay của doanh nghiệp ở mức thấp với tổng nợ ngắn hạn và dài hạn năm 2020 và năm 2021 lần lượt chỉ đạt 612 và 658 tỷ đồng (chiếm lần lượt 15,2% và 10,2% trên tổng tài sản).

Tính đến hết năm 2021, toàn bộ các khoản vay của KHG đều đến từ phát hành trái phiếu để đặt cọc cho các dự án KHG tham gia phân phối và hợp tác phát triển. Có thể thấy các chỉ số nợ vay trên tổng tài sản và nợ vay trên vốn chủ trong năm 2021 đều không lớn và dưới mức trung bình của ngành.

Nhìn chung, MASVN đánh giá cao tiềm năng của ngành môi giới bất động sản trong bối cảnh thị trường đang có nhiều yếu tố tích cực. Các dự án bất động sản trong miền Nam đang được Chính phủ gấp rút tháo gỡ vướng mắc pháp lý sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho ngành môi giới và cả cho các dự án đang phát triển của KHG.

MASVN cũng kỳ vọng giai đoạn trong 2022, KHG sẽ thành công với dự án La Partenza mà theo ghi nhận đã tăng giá 30-40% so với đợt mở bán đầu tiên. Các dự án khác của doanh nghiệp như Helios hay Gò Găng cũng rất tiềm năng khi được triển khai ngay gần vị trí trung tâm của Phú Quốc và Vũng Tàu.

Do đó, MASVN đánh giá KHG là một trong những doanh nghiệp bất động sản giàu tiềm năng trong tương lai và khuyến nghị mua vào với giá mục tiêu cho 12 tháng là 31.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng lợi nhuận kỳ vọng gần 70%.

VND: Khuyến nghị khả quan dành cho ACV

Quý IV/2021, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (UPCoM: ACV) ghi nhận tổng lượng khách thông quan ước tính giảm 74% so với cùng kỳ năm trước, do đường bay nội địa bị hạn chế bởi đợt bùng phát dịch nghiêm trọng trong khi đường bay quốc tế vẫn đang đóng băng, khiến tổng doanh thu giảm 43% cùng kỳ.

Trong quý, thu nhập tài chính ròng tăng 201% cùng kỳ, chủ yếu nhờ lãi tỷ giá 522 tỷ, trong khi cùng kỳ nắm trước ACV lỗ tỷ giá 211 tỷ. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đáng kể với 155% cùng kỳ, chủ yếu do ACV trích lập dự phòng 349 tỷ từ khoản phải thu của các hãng hàng không.

Kết quả, lợi nhuận ròng của ACV giảm 28% cùng kỳ xuống 200 tỷ đồng trong ba tháng cuối năm ngoái. Trong cả năm 2021, tổng lượng khách thông quan ước tính giảm 48,2% cùng kỳ, trong đó lượng khách nội địa giảm 43,9% và lượng khách quốc tế giảm 95,6%.

Doanh thu năm 2021 của ACV giảm 38,7% cùng kỳ và lợi nhuận ròng giảm 69,7% cùng kỳ xuống 499 tỷ đồng, mặc dù thu nhập tài chính ròng và lãi tỷ giá đạt 3.045 tỷ, tăng trưởng 141%.

Mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) dự báo, lượng khác thông quan nội địa sẽ tăng 155% so với cùng kỳ trong năm 2022, cùng với quan điểm cho rằng Việt Nam sẽ bước vào trạng thái bình thường mới với nhu cầu đi lại phục hồi.

Giai đoạn 2023 - 2024, lượng khách nội địa có thể trở về mức tăng trưởng bình thường 7,6%/7,9% so với cùng kỳ. VND kỳ vọng lượng khách quốc tế thông quan đạt 13,1 triệu khách trong năm 2022 (so với 0,2 triệu khách trong năm 2021) và có thể tăng 110,3%/14,3% trong 2023 - 2024 do các đường bay quốc tế có thể trở lại hoạt động bình thường từ nửa cuối 2022 theo kế hoạch mở lại của Chính phủ.

VND điều chỉnh tăng giá mục tiêu ACV thêm 36,3%, lên 117.800 đồng/cổ phiếu, do cập nhập mô hình định giá sang năm 2022 và điều chỉnh giảm dự phóng EPS năm 2022 xuống 18,7%, nhưng tăng dự phóng 2023 - 2024 lần lượt lên 20,3%/20,8%, phản ánh kỳ vọng lượng khách quốc tế cao hơn và cập nhật cấu trúc chi phí mới từ báo cáo tài chính.

VND cho rằng tiềm năng tăng giá của cổ phiếu ACV tới từ việc đường bay quốc tế được nối lại hoàn toàn; kế hoạch cổ tức được công bố; niêm yết trên HSX được thông qua. Song cũng tồn tại một số rủi ro với khuyến nghị, bao gồm bất ổn từ dịch bệnh Covid-19; chênh lệch tỷ giá; tiến độ xây dựng sân bay Long Thành chậm hơn dự kiến.

Yuanta: Khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu BWE

Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (HoSE: BWE) ghi nhận doanh thu quý IV/2021 đạt 1.014 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 244 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 63% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế cả năm 2021, doanh thu của BWE đạt 3.116 tỷ đồng, tăng 3% và lợi nhuận sau thuế đạt 750 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2020. Như vậy, BWE đã hoàn thành 88% kế hoạch doanh thu và 136% kế hoạch lợi nhuận năm 2021.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho biết, doanh thu trong quý IV tăng mạnh nhờ số lượng khách hàng đấu nối sử dụng nước và khối lượng nước sạch gia tăng; khối lượng rác thải sinh hoạt, rác công nghiệp và rác y tế cũng đều tăng cao so với cùng kỳ.

Trong kỳ, biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh lên mức 24% (cùng kỳ 17,5%); lợi nhuận tăng mạnh còn nhờ doanh thu tài chính đạt 35 tỷ đồng, gấp 5 lần quý IV/2020.

Yuanta đánh giá BWE là một công ty tốt với doanh thu, lợi nhuận liên tục tăng trưởng suốt 6 năm qua khi nhu cầu nước sạch và xử lý rác thải cho các khu công nghiệp tại Bình Dương ngày càng gia tăng.

Động lực tăng trưởng trong 2022 của BWE là hệ thống nước Nam Thủ Dầu 1 và lò đốt rác Nam Bình Dương (vận hành 2021). Ngoài ra, giá bán nước sạch tại Bình Dương cũng tăng 5% từ tháng 1/2022 giúp gia tăng biên lợi nhuận.

Trong trung hạn, tăng trưởng BWE được hỗ trợ bởi các dự án như nhà máy nước Tân Hiệp (2022), nhà máy sản xuất phân compost (2022). BWE định hướng sẽ mở rộng mảng xử lý nước thải cho các khu công nghiệp, hiện chỉ chiếm 4% doanh thu. Với sự phát triển mạnh mẽ các khu công nghiệp ở Bình Dương, Yuanta đánh giá chiến lược của BWE là rất khả thi.

Ở mức giá đóng cửa hiện tại, BWE đang được giao dịch tại mức P/E 12 tháng là 14,8 lần (tương ứng EPS là 3.233 đồng). Mức stock rating của BWE ở mức 83 điểm cho thấy sự tăng trưởng tích cực; đồ thị giá của BWE đóng cửa tăng 2% và đạt mức cao nhất 52 tuần với khối lượng giao dịch tăng 82% so với mức trung bình 20 phiên.

Đồng thời, đồ thị giá cũng đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua và nắm giữ với mức giá mục tiêu 53.090 đồng/cổ phiếu và tỷ trọng giải ngân chỉ ở mức thấp dưới 5%, nếu mức sức mạnh giá trên 80 điểm.

Tin mới lên