Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (15/2): HPG, PET và FPT

Tân Mai - 14/02/2022 23:37 (GMT+7)

(VNF) - SSI ước tính sản lượng thép thô năm 2022 của HPG sẽ tăng, nhưng biên lợi nhuận ròng thu hẹp do mức nền kỷ lục, giá thép giảm và chi phí than đầu vào tăng cao. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận ròng dự báo ở mức 164.000 tỷ đồng và 31.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 9,8% và giảm 10,3% so với năm 2021.

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (15/2): HPG, PET và FPT

SSI: Khuyến nghị khả quan HPG, giá mục tiêu 54.000 đồng/cổ phiếu

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV cho thấy, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đạt 7.400 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái, song đã giảm 28% so với quý liền trước do giá thép cuộn cán nóng (HRC) "giật lùi", trong khi giá than tăng nhanh; doanh thu trong quý đạt 45.000 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ và tăng 16% so với quý III/2021.

Lũy kế cả năm 2021, lợi nhuận ròng của HPG đạt 34.500 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng đáng kể 156% so với cùng kỳ, vượt 92% kế hoạch đề ra. Tổng sản lượng tiêu thụ thép của HPG đạt 8,8 triệu tấn, tăng 35% so với cùng kỳ; sản lượng thép xây dựng đạt 3,9 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ, trong khi sản lượng HRC tăng 267% lên 2,57 triệu tấn nhờ công suất tăng từ khu liên hợp Dung Quất.

Điểm sáng nữa là nợ ròng của doanh nghiệp đã giảm đáng kể nhờ dòng tiền hoạt động kinh doanh. Cụ thể, dòng tiền kinh doanh trong năm 2021 đạt 32.600 tỷ đồng, tăng 182% so với năm trước, giúp số dư tiền mặt tăng 86% lên 40.700 tỷ đồng. Nợ ròng cũng vì thế giảm một nửa xuống còn 16.500 tỷ đồng vào cuối năm 2021, tương đương hệ số nợ/vốn chủ sở hữu ở mức an toàn là 0,2 lần.

Năm 2022, HPG dự kiến khởi động dự án Dung Quất II với khoản vốn đầu tư 70.000 tỷ đồng và có công suất hàng năm đạt 5,6 triệu tấn HRC, tương đương 187% công suất HRC hiện tại và 70% tổng công suất thép thô. Ước tính, tổng công suất của HRC sẽ tăng lên 8,6 triệu tấn sau khi dự án hoàn thành vào cuối năm 2024.

Về mảng công nghiệp, HPG đã khởi động việc đầu tư nhà máy tại khu công nghiệp Hòa Mạc, tỉnh Hà Nam vào cuối tháng 11/2021. Nhà máy sẽ hoàn thành sau 5 tháng, chuyên sản xuất máy lạnh, máy lọc không khí và máy lọc nước với công suất 1 triệu sản phẩm/năm. HPG đặt mục tiêu vào phân khúc thiết bị gia dụng và dự kiến đạt 1 tỷ USD doanh thu trong năm 2030.

Doanh nghiệp cũng đã triển khai xây dựng nhà máy sản xuất container tại Bà Rịa-Vũng Tàu trong tháng 11/2021, với công suất 500.000 TEU/năm.

Về mảng nông nghiệp, HPG dự kiến tăng gấp đôi doanh thu trong vòng 5 năm, với công suất bò và heo lần lượt đạt 200.000 và 750.000 con/năm. HPG cũng đang hướng đến kế hoạch mở rộng sang mảng bất động sản trong vòng 5 năm kế tiếp, tuy nhiên, thép vẫn chiếm tỷ trọng chi phối trong doanh thu và lợi nhuận của HPG trong 3 năm tới.

Công ty Chứng khoán SSI (SSI) ước tính sản lượng thép thô năm 2022 của HPG tăng 11% cùng kỳ, trong khi biên lợi nhuận ròng thu hẹp từ mức đỉnh năm 2021, do giá thép giảm và chi phí than đầu vào tăng cao. Theo đó, doanh thu năm 2022 ước tính tăng 9,8% so với cùng kỳ lên 164.000 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận ròng giảm 10,3% xuống 31.000 tỷ đồng.

SSI cho biết, cổ phiếu HPG giao dịch với mức P/E dự phóng 2022 là 7 lần, đạt mức tương đối hấp dẫn so với mức trung bình lịch sử là 8 lần. SSI lặp lại khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu HPG, nhưng giảm giá mục tiêu 1 năm từ 63.000 đồng/cổ phiếu xuống 54.000 đồng/cổ phiếu do giảm ước lợi nhuận năm 2022 cũng như điều chỉnh các hệ số P/E và EV/EBITDA mục tiêu.

Rủi ro chính đối với khuyến nghị của SSI bao gồm giá thép thấp hơn và giá quặng sắt và than tăng cao hơn so với giả định.

Yuanta: Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PET

Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (HoSE: PET) ghi nhận doanh thu quý IV/2021 đạt 6.026 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 128 tỷ đồng, tăng 356%.

Cả năm 2021, PET ghi nhận doanh thu 17.511 tỷ, lợi nhuận sau thuế 301 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và 115% so với năm 2020. Như vậy, PET đã hoàn thành 119% kế hoạch doanh thu và 151% kế hoạch lợi nhuận năm.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) nhận định, doanh thu và lợi nhuận quý IV tăng trưởng tốt nhờ mảng phân phối các sản phẩm điện thoại và laptop. Biên lợi nhuận gộp cải thiện lên mức 5,7% (5,1% cùng kỳ). Ngoài ra, doanh thu tài chính tăng mạnh 79% cùng kỳ nhờ lãi tiền gửi - cho vay, cổ tức được chia và chênh lệch tỷ giá.

Trong ngắn và trung hạn, PET tiếp tục hưởng lợi trong xu hướng thiếu cung nguồn hàng điện từ trong khi nhu cầu vẫn ở mức cao, điều này giúp các doanh nghiệp phân phối như PET giảm được các chi phí chiết khẩu, khuyến mãi và phân phối các mặt hàng với biên lợi nhuận tốt hơn.

Ngoài ra, ICD dự báo xu hướng sử dụng smartphone sẽ tăng mạnh với CAGR giai đoạn 2021-2025 là 3,7%/năm nhờ làn sóng triển khai mạng 5G. Bên cạnh đó, diễn biến giá dầu Brent vẫn ở ngưỡng cao trên 90 USD/thùng tiếp tục tạo tiền đề cho hoạt động thăm dò dầu khí cũng như hoạt động cung ứng vận tải thiết bị dầu khí của PET.

Ở mức giá đóng cửa hiện tại, PET đang được giao dịch tại mức P/E 12 tháng là 12 lần (tương ứng EPS là 3.245 đồng). Mức stock rating của PET đạt 87 điểm, cho thấy mức xếp hạng tăng trưởng là tích cực.

Đồ thị giá của PET đóng cửa tăng 2% với khối lượng giao dịch tăng 41% so với mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn tích lũy cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn có cơ hội tích lũy tại các nhịp điều chỉnh.

Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của PET cũng được nâng lên mức tăng, do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại.

AGR: Khuyến nghị nắm giữ đối với FPT

Ba tháng cuối năm 2021, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) đạt 10.704 tỷ đồng và 1.760 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và 22% so với cùng kỳ năm 2020. 

Cho cả năm 2021, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp đạt lần lượt 35.657 tỷ đồng và 6.335 tỷ đồng, tăng 19,5% và 20,4% so với cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 4.346 đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ. Với kết quả này, FPT hoàn thành 103% kế hoạch doanh thu và 102% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trong đó, mảng công nghệ tiếp tục đóng góp chính vào kết quả kinh doanh, chiếm tới 58% tổng doanh thu và 44% lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận mảng công nghệ đạt mức tăng trưởng 24% cùng kỳ trong năm 2021, đem về lần lượt 20.736 tỷ đồng và 2.800 tỷ đồng.

Đi sâu vào cơ cấu mảng công nghệ, doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài và trong nước tăng trưởng mẽ lần lượt là 21% và 29% so với năm 2022. Thị trường nước ngoài tăng mạnh tại Mỹ, châu Âu và APAC đã đánh dấu sự hồi phục của nền kinh tế khi cả năm 2021 FPT đã trúng thấu 19 dự án tư vấn công nghệ với quy mô trên 5 triệu USD doanh thu.

Mảng chuyển đổi số ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng khi năm 2021 đạt 5.522 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ.

Công ty Chứng khoán Agribank (AGR) dự báo với đà phục hồi mạnh mẽ từ các thị trường nước ngoài và dịch vụ chuyển đổi số trong nước khi kết hợp với Base.vn sẽ giúp doanh thu mảng này của FPT tiếp tục tăng khoảng 20% trong thời gian tới.

Đối với mảng viễn thông, doanh thu và lợi nhuận 2021 lần lượt chứng kiến mức tăng trưởng 11% và 16% so với năm trước. Biên lợi nhuận được cải thiện từ 18% lên 19% nhờ hồi phục mảng truyền hình trả tiền. Về mảng giáo dục và đầu tư, doanh thu tăng trưởng mạnh 43% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng 30% trong năm 2022 khi FPT đang mở rộng đầu tư hệ thống giáo dục bậc phổ thông tại các tỉnh thành.

Xét cho năm 2022, AGR dự phóng lợi nhuận trước thuế của FPT tiếp tục tăng trưởng ở mức trên 20% nhờ nhu cầu công nghệ phục hồi tại thị trường nước ngoài và trong nước. Với một cổ phiếu đầu ngành công nghệ có tốc độ tăng trưởng bền vững và tỷ lệ trả cổ tức đều đặn, AGR đánh giá FPT vẫn sẽ là cơ hội đầu tư hấp dẫn trong dài hạn cho nhà đầu tư.

Do đó, công ty chứng khoán này duy trì khuyến nghị tiếp tục nắm giữ cổ phiếu FPT trong vòng 6 tháng với giá mục tiêu là 120.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng triển vọng tăng 32% so với thị giá hiện nay.

Cùng chuyên mục
Tin khác