Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (14/2): PVD, VGC và LTG

Tân Mai - 14/02/2022 07:16 (GMT+7)

(VNF) - Là doanh nghiệp thượng nguồn, PVD được kỳ vọng hưởng lợi nhiều nhất trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng mạnh sau 7 năm. Cùng với việc tái khởi động giàn khoan TAD – PVD Drilling V tại Brunei, dự kiến PVD sẽ thu về ít nhất 164 triệu USD trong 6 năm tới, chưa kể tới thời gian gia hạn dự án này.

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (14/2): PVD, VGC và LTG

AGR: Khuyến nghị mua PVD với giá mục tiêu 37.700 đồng/cổ phiếu

Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HoSE: PVD) là doanh nghiệp thượng nguồn trong chuỗi giá trị ngành dầu khí. Hoạt động chính của PVD là cung cấp dịch vụ khoan, dịch vụ kĩ thuật giếng khoan và các dịch vụ liên quan.

Công ty Chứng khoán Agribank (AGR) dự báo, trong bối cảnh giá dầu thế giới đã vượt mốc lịch sử 90 USD/thùng thiếp lập hồi năm 2014, PVD là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất trong thời gian tới.

Giá dầu bùng nổ trong điều kiện nền kinh tế thế giới hồi phục, khiến nhu cầu năng lượng gia tăng. Trong khi tại cuộc họp gần đây nhất, OPEC+ đã thông báo giữ nguyên kế hoạch chỉ tăng sản lượng ở mức 400.000 thùng/ngày. Dù không mang thông điệp mới nhưng thông tin này đặt ra câu hỏi về khả năng đáp ứng sản lượng của OPEC+ do giảm sản lượng khai thác trong thời gian dài do đại dịch.

Theo AGR, môi trường giá dầu neo cao và ổn định sẽ thúc đẩy đầu tư vào khoan thăm dò. Đây sẽ là động lực để các nhà khai thác tại Đông Nam Á đẩy mạnh đầu tư sau hơn 1 năm cắt giảm mạnh mẽ.

AGR cũng cho rằng việc giá dầu tiếp tục duy trì ở mức cao (trên 80 USD/thùng) sẽ là động lực hấp dẫn để Petrovietnam quay lại với thị trường khai thác và qua đó trực tiếp tác động tích cực tới hoạt động của PVD. Dư địa cho tăng trưởng của PVD là lớn nhờ mức nền thấp tạo ra bởi quý I/2021 bên cạnh tiềm năng nâng cao hiệu suất hoạt động trong năm 2022.

Bên cạnh đó, năm 2021, PVD đã tái khởi động giàn khoan TAD – PVD Drilling V theo hợp đồng khoan nước sâu của BSP tại Brunei. Hợp đồng chắc chắn 6 năm và tùy chọn gia hạn lên tới 4 năm với giá thuê ước tính trong khoảng 75.000-90.000 USD/ngày.

Dự kiến PVD sẽ thu về ít nhất 164 triệu USD trong 6 năm tới, chưa kể tới thời gian gia hạn dự án. PVD đã hoàn thành việc nâng cấp và kéo giàn khoan về vùng biển Brunei trong quý IV/2021 và sẽ ghi nhận doanh thu từ dự án này từ quý I năm nay.

Với kỳ vọng về đà tăng giá dầu và hoạt động khai thác trong 2022, AGR khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PVD với giá mục tiêu là 37.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng tiềm năng tăng giá 23%. Tuy nhiên, với đặc tính đặc biệt nhạy cảm với giá dầu của cổ phiếu dầu khí, nhà đầu tư cũng cần theo dõi sát những thay đổi trong giá dầu và thay đổi địa chính trị để đưa ra những quyết định hợp lí khi nắm giữ cổ phiếu PVD, AGR lưu ý.

Yuanta: Khuyến nghị mua dành cho VGC

Quý IV, báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy Tổng công ty Viglacera - CTCP (HoSE: VGC) ghi nhận doanh thu thuần 3.693 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận sau thuế 410 tỷ đồng, tăng trưởng 321%.

Lũy kế cả năm 2021, VGC ghi nhận doanh thu thuần đạt 11.200 tỷ đồng, tăng trưởng 19% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.228 tỷ đồng, tăng trưởng 104% so với năm 2020.

Trong ba tháng cuối năm, doanh thu và lợi nhuận gộp mảng vật liệu xây dựng của VGC hồi phục mạnh mẽ nhờ hoạt động xây dựng trở lại bình thường sau khi gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, tuy vậy lợi nhuận gộp cả năm của mảng này vẫn đi ngang so với cùng kỳ với mức đạt 1.442 tỷ đồng.

Trong khi đó, doanh thu mảng bất động sản quý IV tăng trưởng 59% cùng kỳ, nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp suy giảm chủ yếu do ghi nhận doanh thu tại các dự án khu công nghiệp có biên lợi nhuận thấp.

Ở quý IV, VGC ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường 147 tỷ đồng nhờ đánh giá lại khoản đầu tư vào PFG khi doanh nghiệp nâng sở hữu ở PFG lên mức 65% từ mức 35%.

Cho năm 2022, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) dự báo VGC sẽ tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan nhờ dịch Covid-19 được kiểm soát và dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khả quan. Mảng khu công nghiệp sẽ tiếp tục là một trong những động lực tăng trưởng chính của VGC khi đơn vị có tới gần 1.000 ha đất khu công nghiệp chưa được kinh doanh.

Triển vọng tăng trưởng có thể khả quan hơn khi giá thuê đất khu công nghiệp trên cả nước vẫn đang trong xu hướng tăng và VGC có thể gia tăng thêm quỹ đất công nghiệp trong năm 2022. Yuanta dự báo lợi nhuận trước thuế của VGC sẽ đạt 1.640 tỷ đồng trong năm 2022, tăng trưởng 4% so với năm ngoái.

Yuanta cho biết, ở mức giá hiện tại, VGC đang được giao dịch tại P/E dự phóng là 22 lần. Mức stock rating của VGC ở mức 83 điểm cho thấy mức xếp hạng tăng trưởng là tích cực, nhưng mức sức mạnh giá vẫn dưới 80 điểm cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên xem xét với tỷ trọng thấp.

Đồ thị giá của VGC đóng cửa tăng 3,4% và vượt lên trên đường trung bình 20 phiên với khối lượng giao dịch tăng mạnh so với mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên đồ thị giá có thể sẽ còn giằng co quanh đường trung bình 20 phiên.

Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của VGC cũng được nâng lên mức tăng. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại.

MASVN: Khuyến nghị mua LTG, giá mục tiêu 12 tháng là 46.100 đồng/cổ phiếu

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất thuốc bảo vệ thực vật (chiếm 49% doanh thu 2021), sản xuất, thương mại lương thực và gạo (chiếm 39%), bên cạnh các mảng là hạt giống cây trồng, bao bì...

Trong đó, LTG cũng là doanh nghiệp dẫn đầu mảng thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam. Năm 2021, doanh thu thuần và lãi ròng sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 10.224 tỷ và 421 tỷ đồng, lần lượt tăng 36% và 15% so với năm 2020.

Về cơ cấu doanh thu, mảng thuốc bảo vệ thực vật tăng 13%, đạt 5.121 tỷ đồng; lương thực và gạo tăng đến 92%, đạt 4.076 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp ở mức 19%, giảm mạnh so với mức 22% cùng kỳ do khó khăn trong quý II và III do ảnh hưởng mùa dịch.

Năm 2021, hoạt động xuất khẩu gạo của LTG được đẩy mạnh khi LTG đã xuất hơn 80.000 tấn gạo đến nhiều quốc gia châu Âu, châu Úc, châu Á, Trung Đông và châu Phi, tăng gấp 4 lần so với năm 2020. Hoạt động xuất khẩu gạo của LTG kỳ vọng tiếp tục được đẩy mạnh trong những năm sắp tới khi LTG đã mở rộng hiệu quả thị trường.

Bên cạnh đó, LTG vừa công bố đơn hàng 2 triệu tấn lúa và gói tài trợ vốn 12.000 tỷ đồng từ nhiều ngân hàng cho thấy tiềm năng bứt phá trong thời gian tới.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) kỳ vọng đây sẽ là mảng lương thực và gạo sẽ tạo tốc độ tăng trưởng doanh thu cao trong tương lai của LTG. Năm 2022, MASVN dự báo doanh thu thuần và lãi ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ LTG đạt 11.560 tỷ và 675 tỷ đồng, tăng 13% và 60% cùng kỳ.

Trong năm, biên lợi nhuận gộp cải thiện lên mức 20% sau giai đoạn 2021 khó khăn do dịch Covid-19; mảng xuất khẩu gạo đạt 5.075 tỷ đồng, tăng 24,5% cùng kỳ; mảng thuốc bảo vệ thực vật và hạt giống cây trồng lần lượt tăng trưởng 4,9% và 9%. EPS dự phóng 2022 ước đạt 8.370 đồng, tương ứng P/E ở mức 4,2 lần, quanh vùng thấp nhất kể từ khi chào sàn năm 2017.

Với quan điểm tích cực cho rằng LTG sẽ bứt phá trong năm 2022, cùng tiềm lực tài chính mạnh mẽ dưới sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức và sự chuyên tâm của ban lãnh đạo, MASVN khuyến nghị mua dành cho LTG với giá mục tiêu 12 tháng là 46.100 đồng/cổ phiếu, cao hơn 30% so với thị giá hiện tại.

Cùng chuyên mục
Tin khác