Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (26/4): TCM, BCM và PDR

(VNF) - PHS tin rằng nhà máy Vĩnh Long 2 và sự cải tổ quy trình làm việc, sản xuất sẽ tạo sức bật cho kết quả kinh doanh năm 2022 của TCM, trong bối cảnh nhu cầu dệt may tích cực tại các thị trường lớn của doanh nghiệp, bao gồm Mỹ, Nhật, Hàn Quốc - đóng góp 63% tổng doanh thu.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (26/4): TCM, BCM và PDR

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (26/4): TCM, BCM và PDR

PHS: Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu TCM

Năm 2022, Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) đặt kế hoạch doanh thu 4.183 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 253,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 77% so với thực hiện năm ngoái.

Ban lãnh đạo cho biết, TCM sẽ đa dạng hóa sản phẩm từ dệt kim đến dệt thoi, đa dạng hóa thị trường, phát triển thị trường EU và châu Á, cải tổ quy trình sản xuất, tái thiết kế quy trình kinh doanh đối với toàn bộ chuỗi giá trị để có thể sản xuất nhanh hơn, với chất lượng tốt hơn và chi phí thấp hơn thông qua sự hỗ trợ của E-land.

Bên cạnh đó, nhà máy may 2 (công suất 9 triệu sản phẩm/năm) đã đi vào hoạt động được 20% công suất, và sẽ tiếp tục gia tăng công suất trong năm nay.

Hiện tại TCM đã nhận đơn hàng cho nhà máy Vĩnh Long 2 đến hết quý III/2022, và đang chuẩn bị nhận đơn hàng cho quý IV/2022.

Nhà máy may Vĩnh Long 2 được kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho tăng trưởng doanh thu của TCM trong năm 2022. Các chuyền may đa nhiệm có cân nhắc mùa thấp điểm tại nhà máy may số 2, cho sản phẩm may từ vải đan kim đến dệt thoi sẽ được mở rộng với quy mô 1.250 công nhân.

TCM sẽ tiếp tục tăng công suất nhà máy các ngành dệt, nhuộm thông qua M&A và đầu tư giai đoạn 3, 4 tại Vĩnh Long. Bên cạnh việc mở rộng quy mô sản xuất, doanh nghiệp vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược sản xuất nhanh hơn, với chí phí thấp hơn, nghiên cứu phát triển cùng với phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Dự án Smart Factory của TCM nhằm chuẩn hóa các quy trình sản xuất, qua đó gia tăng hiệu quả và tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp trong tương lai, là điểm nổi bật của TCM so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Về mảng bất động sản, TCM cho biết sẽ hoàn thành hồ sơ pháp lý, xin giấy phép xây dựng trong năm nay cho dự án TC1 tại TP.HCM, dự kiến bắt đầu mở bán giai đoạn cuối năm, trễ nhất là tháng 4/2023 sẽ khởi công xây dựng.

Mặt khác, TCM sẽ tăng vốn điều lệ lên 820 tỷ đồng, chia cổ tức 15% trong năm 2022, dự kiến thực hiện vào tháng 6 tới. Doanh nghiệp vừa công bố kết quả kinh doanh quý I với doanh thu đạt trên 47 triệu USD, tăng 19% cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 3 triệu USD, tăng trưởng 17%.

Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) tin rằng nhà máy Vĩnh Long 2 và sự cải tổ quy trình làm việc và sản xuất sẽ tạo sức bật cho kết quả kinh doanh năm 2022 của TCM, trong bối cảnh nhu cầu dệt may tích cực tại các thị trường lớn của TCM (Mỹ, Nhật, Hàn Quốc – đóng góp 63% doanh thu).

Qua đó, PHS duy trì ước tính doanh thu đạt 4.318 tỷ đồng (tăng 22% cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 264 tỷ đồng (tăng 84% cùng kỳ).

Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, PHS duy trì mức giá hợp lý dành cho cổ phiếu TCM là 80.800 đồng/cổ phiếu, do đó đưa ra khuyến nghị nắm giữ cho cổ phiếu này.

ACBS: Khuyến nghị mua BCM với giá mục tiêu 84.000 đồng/cổ phiếu

Theo tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2022 dự kiến tổ chức 28/4 tới, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – Công ty Cổ phần (Becamex IDC; HoSE: BCM) đặt kế hoạch doanh thu thuần năm 2022 đạt 9.680 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.888 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 98% so với năm 2021. Tỷ lệ cổ tức năm 2022 dự kiến 8%.

Ban lãnh đạo cho biết, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư lớn đã ký kết hợp đồng với BCM, giúp doanh nghiệp mang lại nguồn thu ổn định.

Đáng chú ý là Tập đoàn Lego đầu tư hơn 1 tỷ USD vào khu công nghiệp VSIP 3, Tập đoàn CapitaLand đầu tư hơn 500 triệu USD vào bất động sản Thành phố mới Bình Dương và Tập đoàn Central, Tập đoàn Tokyu, NTT East, VNPT… đã cùng BCM hợp tác triển khai hàng loạt dự án lớn.

Trong năm 2022, BCM sẽ triển khai động thổ và khởi công các dự án trọng điểm đồng thời khánh thành đưa vào khai thác sử dụng các dự án tạo lực về công nghiệp – đô thị và dịch vụ.

Cụ thể, BCM đã động thổ và đưa vào kinh doanh khu công nghiệp VSIP 3 với diện tích 1.000ha; động thổ các dự án nhà ở xã hội Becamex với 20.000 căn hộ; quý II/2022 động thổ và đưa vào kinh doanh khu công nghiệp Cây Trường 700ha; động thổ dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13; khởi công khu phức hợp WTC Bình Dương New City; khánh thành xưởng thực nghiệm sinh viên.

Để phục vụ nhu cầu đầu tư các dự án nói trên, HĐQT BCM cũng trình đại hội cổ đông thông qua kế hoạch vay vốn tín dụng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho năm tài chính 2022.

Trong đó, doanh nghiệp dự kiến vay ngắn hạn 5.000 tỷ đồng; vay trung – dài hạn khoảng 1.750 tỷ đồng và huy động thêm 2.000 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu. Tổng nhu cầu vay vốn của BCM trong năm 2022 lên đến 8.750 tỷ đồng.

Năm 2021, tổng doanh thu thực hiện của BCM đạt 8.137 tỷ đồng (đạt 91% so với kế hoạch). Lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2022 ghi nhận 1.457 tỷ đồng, đạt 63% so với kế hoạch.

Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định, trên thị trường chứng khoán, xu hướng tăng dài hạn vững chắc, tích lũy ngắn hạn làm nền cho nhịp tăng tiếp theo BCM vận động trong nhịp tăng giá dài hạn kéo dài từ 2021 cho đến thời điểm hiện tại.

Trong thời điểm VN-INDEX điều chỉnh sâu hơn 10% kể từ mức đỉnh vào đầu tháng 4/2022, BCM vẫn duy trì đi ngang quanh ngưỡng hỗ trợ từ trung bình động tại EMA 50.

ACBS cho rằng BCM đã có bước vận động vượt trội hơn so với mặt bằng chung thị trường. Mặt khác, thanh khoản của BCM duy trì tích cực quanh ngưỡng hỗ trợ mạnh tại 69.000 cho thấy lực cầu vẫn tiếp tục làm bệ đỡ cho BCM. Nhịp tích lũy ngắn hạn, vì vậy là cơ hội tích lũy cho BCM tiếp tục xu hướng tăng sau khi phá vỡ nền tích lũy đi ngang tại 69.000 đến 84.000 đồng/cổ phiếu.

Do đó, ACBS khuyến nghị nhà đầu tư có thể tiếp tục tích lỹ BCM gần vùng hỗ trợ tại 69.000 cho danh mục đã có BCM hoặc lướt sóng ngắn hạn với mục tiêu 84.000 đồng/cổ phiếu. Nếu thị trường diễn biến tiêu cực, nhà đầu tư có thể dừng lỗ tại điểm 66.000 đồng/cổ phiếu.

Yuanta: Khuyến nghị quan sát với cổ phiếu PDR

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) ghi nhận doanh thu thuần 625 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 526 tỷ đồng, cao hơn 36% cùng kỳ, tương ứng biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 65% lên 84%. Tuy nhiên, với các chi phí tăng mạnh, đặc biệt là chi phí lãi vay tăng gấp 5 lần lên 106 tỷ đồng, lãi sau thuế của PDR còn 279 tỷ đồng, tăng 11,2% so với quý I/2021.

Lãi cơ bản trên cổ phiếu - EPS gần như đi ngang, đạt 552 đồng. Phía PDR cho biết, lợi nhuận của doanh nghiệp phần lớn tới từ việc chuyển nhượng một phần khu chung cư cao tầng dự án phân khu số 4 thuộc khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, tỉnh Bình Định.

Với kết quả này, PDR đã hoàn thành 5,8% chỉ tiêu về doanh thu (10.700 tỷ đồng) và 9,6% chỉ tiêu về lợi nhuận cả năm (2.908 tỷ đồng).

Nhìn lại năm 2021, PDR ghi nhận 3.620 tỷ đồng doanh thu (giảm 7% so với năm 2020) và 1.860 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng trưởng 53%), nằm trong tốp doanh nghiệp bất động sản có lợi nhuận trước thuế trên 2.000 tỷ đồng. Tính đến nay, PDR đã thực hiện 33% tổng kế hoạch lợi nhuận trước thuế (14.270 tỷ đồng) trong giai đoạn 2019 - 2023.

Mới đây, PDR đã công bố nghị quyết hội đồng quản trị về việc triển khai phương án phát hành gần 180 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tỷ lệ 36,3%, tương ứng cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu PDR được nhận thêm 363 cổ phiếu mới. Doanh nghiệp hoàn tất phát hành vào ngày 21/4 vừa qua, qua đó nâng vốn điều lệ từ 4.928 tỷ đồng lên 6.716 tỷ đồng.

Trên thị trường, mức stock rating của PDR ở mức 72 điểm, cho nên Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) giữ đánh giá trung tính mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu. Đồ thị giá của PDR đóng cửa tăng 2,4% với khối lượng giao dịch tăng nhẹ so với mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá tiến gần đường trung bình 20 phiên và đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn.

Yuanta cho biết, điểm tích cực là dòng tiền ngắn hạn tiếp tục cải thiện cho thấy mức hỗ trợ 62.000 đồng/cổ phiếu đang là mức hỗ trợ mạnh và đồ thị giá đã có 3 lần tạo đáy tại mức hỗ trợ này. Xu hướng ngắn hạn của PDR vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục quan sát cổ phiếu PDR.

Tin mới lên