Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (22/4): VND, NKG và GVR

Tân Mai - 22/04/2022 02:18 (GMT+7)

(VNF) - Kết thúc quý I, lợi nhuận sau thuế của VNDirect đạt trên 762 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý, phần lớn danh mục tự doanh của VNDirect nằm ở trái phiếu chưa niêm yết (4.500 tỷ đồng) và chứng chỉ tiền gửi (7.200 tỷ đồng).

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (22/4): VND, NKG và GVR

Yuanta: Khuyến nghị quan sát cổ phiếu VND

Công ty Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) vừa công bố báo cáo tài chính công ty mẹ quý I/2022, ghi nhận doanh thu hoạt động tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 1.766 tỷ đồng. Trong đó, lãi từ các khoản cho vay, phải thu tăng mạnh tới gần 170% cùng kỳ lên hơn 464 tỷ đồng; doanh thu môi giới tăng 73% lên mức 461,6 tỷ đồng; doanh thu bảo lãnh phát hành hơn 72 tỷ đồng, gấp hơn 13 lần cùng kỳ.

Hoạt động tự doanh trong quý cũng rất khả quan, mang về khoản lãi gần 410 tỷ đồng cho VND, tăng gần 40% cùng kỳ. Khấu trừ chi phí hoạt động tăng mạnh ở mảng môi giới, VND báo lãi sau thuế hơn 762 tỷ đồng, tăng 48% so với quý I/2021.

Ba tháng đầu năm, phần lớn danh mục tự doanh của VND nằm ở trái phiếu chưa niêm yết (4.500 tỷ đồng) và chứng chỉ tiền gửi (7.200 tỷ đồng).

Tổng tài sản của VND đạt hơn 42.450 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu kỳ. Vay nợ ngắn hạn gia tăng trong kỳ kéo tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản tăng nhẹ từ 74% đầu năm lên 76%.

Phần lớn tài sản của VND đang nằm ở dư nợ cho vay (17.100 tỷ đồng), tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL, 15.300 tỷ đồng) và tài sản nắm đến ngày đáo hạn (HTM, 8.100 tỷ đồng).

Trên thị trường, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho biết mức stock rating của VND ở mức 96 điểm, cho thấy đánh giá xếp hạng tăng trưởng là tích cực. Đồng thời, đây cũng là mức cao nhất trong nhóm dịch vụ tài chính.

Gần đây đồ thị giá của VND đóng cửa tăng 1% với khối lượng giao dịch vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá giao dịch gần mức hỗ trợ 29.8, nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao cho thấy xu hướng giảm ngắn hạn vẫn có thể sẽ tiếp tục mở rộng về các mức thấp cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn chưa nên bắt đáy ở giai đoạn hiện tại.

Nhìn chung, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục quan sát cổ phiếu VND. Mặt khác, các nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục mua và nắm giữ.

TPS: Khuyến nghị mua NKG với giá mục tiêu 50.400 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Tiền Phong (TPS) cho biết, năm 2021, thị phần tôn mạ của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (HoSE: NKG) đã tăng lên 17,4% và trở thành doanh nghiệp đứng thứ 2 về thị phần tôn mạ của cả nước.

Yếu tố hỗ trợ đến từ việc NKG có lợi thế cạnh tranh về giá so với các công ty xuất khẩu khác trong nước khi được áp dụng mức thuế thấp hơn so với các đối thủ. Đây cũng là cơ sở thúc đẩy doanh thu xuất khẩu của NKG trong năm 2022.

Hiện nay, giá thép trên thế giới đã tăng đồng thời giá các nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, than cốc và giá HRC trên thế giới tăng cao trở lại trong các tháng đầu năm 2022. Khủng hoảng khí đốt và cấm nhập khẩu than đá từ Nga sẽ làm tăng mạnh chi phí sản xuất thép tại châu Âu từ đó tạo lợi thế cho các nhà xuất khẩu thép và tôn mạ ở Việt Nam trong đó có NKG.

Bên cạnh đó, trong ngắn hạn, NKG sẽ được hưởng lợi nhờ hoạt động tích trữ hàng tồn khi giá rẻ từ quý trước. Vào thời điểm 31/12/2021, NKG có khoản tồn kho trị giá khoảng 8.700 tỷ đồng và trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 420 tỷ đồng. Với diễn biến giá thép tiếp tục tăng, nhiều khả năng NKG sẽ ghi nhận hoàn nhập dự phòng trong quý I/2022 và tạo ra lợi nhuận đột biến.

Về dài hạn, nhà máy mới của NKG được kỳ vọng sẽ đưa công suất của doanh nghiệp tăng lên gấp đôi, tuy nhiên thời điểm cụ thể vẫn chưa được xác định bởi nhà máy này vừa mới thông qua chủ trương đầu tư. Tổng vốn đầu tư ước tính 4.700 tỷ đồng với công suất dự kiến 1,2 triệu tấn/năm tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Năm 2022, hội đồng quản trị dự định đặt kế hoạch đạt doanh thu 28.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.600 tỷ đồng, lần lượt giảm 0,7% và 28% so với thực hiện năm trước. Doanh nghiệp dự kiến sẽ trình đại hội cổ đông sắp tới kế hoạch cổ tức 30% trong đó 10% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu.

Với các diễn biến mới đây, TPS dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của NKG trong năm 2022 là 28.000 tỷ đồng và 2.021 tỷ đồng, khả hơn quan kế hoạch của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Sử dụng phương pháp định giá so sánh P/E, TPS xác định mức giá hợp lý của NKG là 50.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng P/E dự phóng 4,1 lần và cao hơn 31% so với thị giá hiện tại.

MBS: Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu GVR

Công ty Chứng khoán MB (MBS) giả định với sự tăng giá của cao su, lợi nhuận từ mảng cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (HoSE: GVR) sẽ được cải thiện. Theo đó, giá cao su được dự báo duy trì đà tăng trong năm 2022 trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su, trong khi nhu cầu tiêu thụ cao su vẫn duy trì ở mức cao.

Ngày 15/4/2022, giá cao su ghi nhận mức cao nhất trong 13 tháng trở lại đây, đạt 2.250 USD/tấn sau khi OPEC cho rằng thế giới sẽ không thể thay thế được khoảng 7 triệu thùng dầu và các chất lỏng khác mỗi ngày bị mất từ Nga.

Bên cạnh đó, định hướng đẩy mạnh đầu tư hoạt động khu công nghiệp cũng giúp cải thiện lợi nhuận trong tương lai của GVR. Doanh nghiệp dự kiến chuyển đổi 20.000ha đất cao su sang quy hoạch phát triển khu công nghiệp trong 5-10 năm tới, đồng thời lên kế hoạch tổng diện tích khu công nghiệp cho thuê đạt gần 2.700ha trong giai đoạn 2021-2025, gấp 10 lần so với diện tích cho thuê của năm 2020, đạt CAGR là 17%. Trong khi đó, mủ cao su khai thác chỉ đạt CAGR là 3,6% trong giai đoạn này.

Mặt khác, triển vọng tích cực của bất động sản khu công nghiệp tạo tiền đề tăng trưởng bền vững cho GVR trong tương lai. Thị trường bất động sản khu công nghiệp được dự báo sẽ là điểm sáng trong năm 2022 thậm chí có thể kéo dài sang năm 2023 với giá thuê đất tăng khoảng 4%/năm (theo CBRE), đặc biệt tại các tỉnh miền Nam.

MBS cũng kỳ vọng thương vụ thoái vốn khỏi NTC sẽ được hoàn tất trong năm 2022, đem lại khoản lãi thoái vốn cho GVR khoảng 800 tỷ đồng.

Trên thị trường, MBS xác định giá mục tiêu 12 tháng của cổ phiếu GVR vào khoảng 41.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng triển vọng tăng giá 36%, dựa trên phưng pháp định giá từng phần, trong đó áp dụng phương pháp so sánh EV/EBITDA đối với mảng kinh doanh cao su và gỗ, cùng với phương pháp xác định giá trị tài sản ròng đối với mảng hoạt động bất động sản khu công nghiệp.

Trong đó, EV/EBITDA của hai mảng cao su và gỗ được xác định dựa trên mức EV/EBITDA bình quân của các doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực tương ứng trong khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E dự phóng khoảng 31 lần.

Cùng chuyên mục
Tin khác