(VNF) - Sau khi giảm mạnh từ tháng 5/2022, giá photpho đã quay đầu tăng mạnh 20% trong 2 tháng qua. Yuanta cho rằng giá các mặt hàng photpho sẽ chưa thể hạ nhiệt sớm do vấn đề thiếu nguồn cung vẫn chưa thể giải quyết được trước năm 2023 (Trung Quốc sẽ tăng 25% sản lượng sản xuất từ 2023).
Yuanta: Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DGC
Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) ghi nhận doanh thu quý II đạt 4.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế tăng mạnh gấp 5,7 lần, đạt gần 1.900 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của DGC đạt 7.640 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 92% và 444% so với cùng giai đoạn 2021. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu và 97% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho biết, doanh thu quý II tiếp tục tăng trưởng khả quan nhờ giá bán các mặt hàng tiếp tục ở mức cao so với cùng kỳ do thiếu hụt nguồn cung, trong bối cảnh căng thẳng Nga – EU và nguồn cung giảm từ Trung Quốc.
Ngoài ra, cộng với việc áp dụng công nghệ mới giúp giảm chi phí nguyên liệu đầu vào, biên lợi nhuận gộp quý II của DGC đạt 53%, cải thiện mạnh so với mức 24,3% cùng kỳ.
Hiện nay, sau khi giảm mạnh từ tháng 5/2022, giá photpho đã quay đầu tăng mạnh 20% trong 2 tháng qua. Nhìn chung, Yuanta vẫn cho rằng giá các mặt hàng photpho sẽ chưa thể hạ nhiệt sớm do vấn đề thiếu nguồn cung vẫn chưa thể giải quyết được trước 2023 (Trung Quốc sẽ tăng 25% sản lượng sản xuất từ 2023).
Trong 2022, nhà máy axit phosphoric điện tử mới, công suất 90.000 tấn/năm đã vận hành thương mại từ quý IV/2021 sẽ là động lực tăng trưởng cho DGC. Bên cạnh đó, công nghệ mới giúp giảm chi phí cũng sẽ cải thiện biên lợi nhuận 2022. Yuanta dự đoán DGC có thể bắt đầu hoạt động hết công suất từ quý III này.
Trên thị trường chứng khoán, ở mức giá đóng cửa hiện tại, DGC đang được giao dịch tại mức P/E 12 tháng là 7,2 lần (tương ứng EPS là 13.209 đồng). Mức stock rating của DGC ở mức 95 điểm cho nên Yuanta duy trì đánh giá tích cực mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.
Mặt khác, đồ thị giá của DGC đóng cửa tăng 3,7% với khối lượng giao dịch tăng mạnh trên mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá của DGC cũng có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên xu hướng ngắn hạn sẽ rõ ràng hơn.
Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của DGC cũng được nâng lên mức tăng. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp và tăng dần tỷ trọng khi chỉ số VN-Index vượt được hoàn toàn vùng kháng cự ngắn hạn.
VCBS: Khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu HDG
Hết 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) ghi nhận doanh thu đạt 1.710 tỷ đồng (giảm 6% cùng kỳ năm ngoái), chủ yếu đến từ sự sụt giảm trong doanh thu bất động sản. Trước đó trong quý I/2021, doanh nghiệp đã hạch toán doanh thu lớn từ các tòa còn lại thuộc dự án Hado Centrosa.
Tuy nhiên, doanh thu phát điện tăng mạnh và thay thế bất động sản trở thành nguồn đóng góp lớn nhất trong cơ cấu doanh thu, đạt 954 tỷ đồng trong nửa đầu năm (tăng 89% cùng kỳ) nhờ các nhà máy điện mới đi vào hoạt động ổn định.
Kết quả lợi nhuận sau thuế giai đoạn này đjat 714 tỷ đồng, tăng gần gấp rưỡi cùng kỳ. Biên lợi nhuận cải thiện khá tốt nhờ sự đóng góp của hoạt động bất động sản với trọng tâm từ dự án thấp tầng Hado Charm Villas; đồng thời HDG gia tăng mạnh tỷ trọng đóng góp của mảng phát điện có biên lợi nhuận cao, trong khi các mảng xây dựng, dịch vụ suy giảm về quy mô đóng góp.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, HDG sẽ tiếp tục ghi nhận lợi nhuận tích cực từ Charm Villas trong nửa cuối năm. Với vị trí gần nội thành Hà Nội và quỹ đất được tích lũy từ lâu, dự án đem về mức sinh lời lớn cho HDG với mức biên lợi nhuận gộp trong nửa đầu năm 2022 đạt 74%.
Tính đến hiện tại, HDG đã thực hiện 2 đợt mở bán chính thức và hoàn thành bán hàng đối với 178 căn biệt thự - liền kề (tương ứng với 3,6ha thương phẩm). Trong 2 quý cuối năm 2022, doanh nghiệp dự kiến sẽ tiến hành bàn giao 43 căn biệt thự và ghi nhận khoảng 800 tỷ đồng doanh thu với mức biên lợi nhuận gộp kỳ vọng trên 80%.
Bên cạnh đó, các dự án thủy điện của HDG sẽ hưởng lợi từ môi trường giá điện cao khi giá bán trên thị trường phát điện cạnh tranh tăng tích cực cùng với giá thành các nguồn phát nhiệt điện. Xu hướng giá điện thị trường cạnh tranh cao dự báo sẽ tiếp tục duy trì đến năm 2023.
Mảng năng lượng tái tạo cũng đang chờ đợi các dự án mới. Việc đầu tư mạnh vào hệ thống truyền tải điện dự báo sẽ gia tăng tích cực mức huy động và hiệu quả kinh doanh tại các nhà máy của HDG trong giai đoạn 1-2 năm tới. Về dài hạn năng lượng tái tạo được định hướng trở thành động lực tăng trưởng chủ đạo của doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng.
Nhìn chung, VCBS đánh giá cao triển vọng tăng trưởng ổn định của HDG nhờ quỹ đất giá trị, nhu cầu nguồn điện lớn và hiệu quả đầu tư đã được công nhận tại các dự án. Tuy vậy, trong giai đoạn 1 năm tới HDG có thể gặp giới hạn nhất định về mức tăng trưởng khi các dự án mới đã phản ánh khá đầy đủ vào kết quả kinh doanh, trong khi cần thêm thời gian để HDG triển khai các dự án điện gió mới và mở bán các dự án bất động sản.
VCBS dự phóng doanh thu năm 2022 của HDG đạt 3.585 tỷ đồng (giảm 5% so với năm trước), lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.217 tỷ đồng (tăng 11%), tương ứng với EPS là 5.519 đồng. Từ đó, công ty chứng khoán này khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu HDG, giá mục tiêu 58.627 đồng/cổ phiếu, cao hơn khoảng 7% giá thị trường.
ACBS: Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu NVL
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định, cùng với sự phục hồi của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, trong 6 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HoSE: NVL) bán hơn 3.500 căn (giảm 20% so với cùng kỳ) với tổng giá trị gần 2,4 tỷ USD (tăng 23% cùng kỳ), trong đó 78% từ các dự án nghỉ dưỡng và 22% từ các dự án nhà ở.
Giá trị bán hàng chưa ghi nhận doanh thu vào cuối quý II là 9,9 tỷ USD (tăng 62% cùng kỳ). Trong quý vừa qua, NVL giới thiệu hai dự án mới là Aqua Marina tại Đồng Nai và Bình Châu Onsen tại Bà Rịa - Vũng Tàu với tỷ lệ hấp thụ ấn tượng là 90% và 85%.
Dự kiến quý III này, NVL giới thiệu dự án Marina City tại Mũi Né, Phan Thiết có tổng diện tích 682ha, hơn 11.000 sản phẩm và bến du thuyền 80ha. Dự án nằm cách sân bay Phan Thiết 10 phút đi xe. Sân bay này dự kiến hoàn thành trong năm tới. Trong quý IV, NVL dự kiến sẽ mở bán thêm 2 dự án tại TP.HCM là Grand Sentosa và một dự án lớn khác.
Về dài hạn, ACBS cho rằng chính phủ sẽ cấp thêm tín dụng cho ngành này để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và NVL sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ nhu cầu sở hữu ngôi nhà thứ hai/sản phẩm nghỉ dưỡng từ tầng lớp trung lưu đang gia tăng tại Việt Nam và việc chính phủ đầu tư nhiều hơn vào các dự án cơ sở hạ tầng gần dự án của Novaland như cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, sân bay Long Thành và sân bay Phan Thiết...
Bên cạnh đó, NVL tích cực mở rộng quỹ đất đang nghiên cứu và phát triển lên gần 10.600 ha (tăng 96% so với cùng kỳ) nên dư nợ ròng tăng từ 42.400 tỷ đồng lên 50.900 tỷ đồng và tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu tăng từ 103,1% lên 114,4% trong nửa đầu 2022. NVL đã phát hành thành công 250 triệu USD trái phiếu chuyển đổi trong quý II với giá chuyển đổi 93.960 đồng/cổ phiếu.
Nhìn chung, NVL là công ty phát triển bất động sản niêm yết lớn thứ hai với quỹ đất dự kiến gần 10.600ha, đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp và khả năng huy động vốn tốt. Doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ nhu cầu sở hữu ngôi nhà thứ hai/sản phẩm nghỉ dưỡng từ tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở Việt Nam và việc chính phủ đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng.
ACBS dự phóng năm 2022 cho NVL với doanh thu hơn 20.000 tỷ đồng (tăng 35% cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế hơn 5.500 tỷ đồng (tăng 59% cùng kỳ). Sử dụng phương pháp NAV, ACBS lặp lại khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu cao hơn là 90.403 đồng/cổ phiếu, cao hơn 9% so với giá mục tiêu trước đó nhờ bổ sung thêm dự án Aqua Marina, Marina City và Bình Châu Onsen.
ACBS cũng lưu ý tỷ lệ đòn bẩy cao và rủi ro pha loãng từ 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi phát hành năm ngoái và 250 triệu USD trái phiếu chuyển đổi phát hành năm nay.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.