'Cơn gió ngược': Những ngân hàng tăng lãi suất huy động

Minh Dũng - 28/04/2023 11:15 (GMT+7)

(VNF) - Một số ngân hàng thương mại vẫn "ngược chiều", tiến hành tăng lãi suất huy động trong khi giảm lãi suất huy động là xu hướng chung của toàn thị trường.

VNF


Ngân hàng ngược làn sóng hạ lãi suất

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) vừa công bố biểu lãi suất huy động mới từ ngày 27/4. Ở lần điều chỉnh này, NCB tiến hành tăng khoảng 0,5 điểm % đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Theo đó, tại kỳ hạn 6 tháng khi gửi tiền theo hình thức trực tuyến, ngân hàng này tăng lãi suất từ 7,9% lên 8,4%/năm. Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất của nhà băng này tăng từ 7,95%/năm lên 8,45%/năm; ở kỳ hạn 36 tháng, lãi suất tăng mạnh từ 7,7%/năm lên 8,2%/năm.

Hiện lãi suất cao nhất ở ngân hàng này là 8,55%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn tiền gửi 15-30 tháng.

Trước đó, từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4, NCB cũng nhiều lần điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Sau nhiều lần điều chỉnh, lãi suất kỳ hạn 12 tháng của NCB từ vị trí ở nhóm giữa trong hệ thống đã lên nhóm 10 ngân hàng có lãi suất cao nhất. Mức lãi suất các kỳ hạn dài của NCB hiện tương đương với mức niêm yết hồi đầu tháng 4 (trước khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành lần 2).

Trước NCB, cũng có một số nhà băng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động.

Đơn cử, ngày 24/4, VietBank tăng lãi suất huy động kỳ hạn 18 tháng từ 8,4%/năm lên 8,8%/năm, tương đương mức tăng 0,4 điểm %.

Trước đó, vào ngày 22/3, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tăng lãi suất huy động online lên đến 9%/năm với tiền gửi các kỳ hạn từ 6 tháng đến 36 tháng. Trước đó 2 ngày, mức lãi suất huy động cao nhất mà nhà băng này áp dụng chỉ là 8,56% cho tiền gửi kỳ hạn 6 tháng.

Ở chiều ngược lại, nhiều nhà băng vẫn có động thái tiếp tục giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn với mức giảm từ 0,2-0,4 điểm %.

Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại vẫn đang tiếp tục đi xuống. Khảo sát tại ngày 28/4, không có nhà băng nào niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng từ 9%/năm như hồi đầu tháng 4. Ở các kỳ hạn dài hơn, cũng chỉ còn một số ngân hàng chấp nhận trả ở mức 9,1-9,2%/năm như ABBank, OCB, HDBank.

Nhóm 4 "ông lớn" Ngân hàng Nhà nước (gồm: VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank) có lãi suất huy động thấp nhất thị trường. Mức cao nhất dành cho hình thức gửi tiền tại quầy là 7,2%/năm; hình thức gửi tiền trực tuyến có lãi suất cao hơn so với tại quầy 0,1-0,2 điểm %.



NHNN yêu cầu các ngân hàng xem xét tiếp tục giảm lãi suất

Tại hội nghị về tín dụng ngày 25/4 của NHNN, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh đặt ra yêu cầu giảm lãi suất cho vay đối với toàn ngành ngân hàng và đề nghị một số ngân hàng giải trình về việc lãi suất cho vay vẫn còn ở mức cao.

Theo Phó Thống đốc, trong bối cảnh NHNN liên tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hiện vẫn còn nhiều ngân hàng đưa ra lãi suất cho vay rất cao, “vống” lên 14%.

"Mức lãi suất đầu ra bình quân 13-14%/năm là quá cao, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn hiện nay. Thậm chí, đây mới chỉ là lãi suất cho vay bình quân, như vậy sẽ có những khoản vay phải chịu lãi suất cao hơn”, Phó Thống đốc cho hay.

Không chỉ việc không hạ lãi suất cho vay về mặt bằng chung, Phó Thống đốc còn thấy khó hiểu khi một số ngân hàng huy động thấp mà lại cho vay cao. Có nơi đã giảm lãi suất huy động bình quân từ đầu năm nhưng lãi suất cho vay vẫn tăng. Phó Thống đốc yêu cầu lãnh đạo một số ngân hàng giải thích về tình trạng chênh lệch lớn giữa lãi suất cho vay và huy động.

Phó Thống đốc nhấn mạnh các ngân hàng này cần xem lại chính sách lãi suất của mình… Từ đó tạo mặt bằng lãi suất chung, sự thống nhất có tính hệ thống.

"Yêu cầu các ngân hàng tính toán, làm việc và có biện pháp giảm lãi suất cụ thể ngay sau kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 này" - Phó Thống đốc Thường trực nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị này, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, tại cuộc họp với Chính phủ, 4 ngân hàng TMCP Nhà nước đã đồng thuận cao về chủ trương của NHNN về việc giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian tới. Định hướng NHNN sẽ tiếp tục hỗ trợ thanh khoản hệ thống để góp phần giúp các ngân hàng hạ mặt bằng lãi suất.

Theo ông Quang, trong thời gian qua, NHNN đã điều hành liên tục tăng lượng tiền cung ứng trên thị trường mở, giảm lãi suất trên thị trường này từ 6% xuống còn 5%. Thanh khoản hệ thống dồi dào với số dư tiền gửi dự trữ của các ngân hàng tại NHNN thường xuyên dư thừa, lãi suất liên ngân hàng giảm nhanh tạo điều kiện giảm lãi suất trên thị trường 1. Trong đó, lãi suất cho vay mới đã giảm 0,6% so với với cuối năm 2022 và sẽ tiếp tục có xu hướng giảm.

NHNN cho biết sẽ tiếp tục có những biện pháp để tiếp tục hạ lãi suất huy động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Cùng chuyên mục
Tin khác