'Con tàu' Việt Thuận Group và hành trình di sản

Thái Hà - Quỳnh Anh - 17/11/2024 07:30 (GMT+7)

(VNF) - Gần 20 năm “bám sông bám biển”, tận dụng lợi thế của địa phương và đất nước, Việt Thuận Group đang từng bước vươn khơi, với những khát vọng mới, chinh phục những hải trình mới.

Thành lập vào năm 2005, Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận bắt đầu chinh phục những con sóng với hai tàu tải trọng nhỏ cùng vỏn vẹn hai chục thuyền viên. Sinh ra tại Quảng Ninh – nơi khởi phát của ngành công nghiệp khai thác than, những chuyến tàu đầu tiên của Việt Thuận mang “vàng đen” phân phối tới các nhà máy nhiệt điện lớn nhỏ trên toàn quốc. Dần dà, doanh nghiệp khẳng định vị thế như một đơn vị vận tải hàng rời đường thuỷ nội địa hàng đầu đất nước.

Sau gần hai thập kỷ rẽ sóng, Việt Thuận đã phát triển thành tập đoàn đa ngành gồm 6 công ty thành viên, quy mô 1.500 nhân sự, 100 tàu vận tải hàng rời hiện đại với tải trọng lên tới cả triệu tấn. Doanh nghiệp hoạt động rộng khắp trên các tuyến đường thuỷ, đường biển nội địa và đường biển quốc tế.

Cũng giống như con tàu khi đã khởi động đủ lực để thắng sức cản của nước và cứ thế trớn lên, Việt Thuận “dấn thân” sang một lĩnh vực kinh doanh mới khi cho ra mắt cặp du thuyền “song sinh” lớn và đắt nhất Việt Nam, mục tiêu chinh phục thị trường du lịch biển. Điều thú vị là “động cơ” của “con tàu” này lại bắt đầu từ một suy nghĩ hết sức đơn giản.

“Cái gì đang có thì mình nên làm”

Đó là “động cơ khởi động” của “con tàu” Việt Thuận. Chia sẻ với chúng tôi, nhà sáng lập Việt Thuận cho hay, doanh nghiệp ra đời dựa trên nhận thức rõ ràng về tiềm năng sẵn có của bờ biển Việt Nam.

Với 3.260km đường bờ biển trải dài từ Bắc chí Nam, dải đất hình chữ S sở hữu lợi thế tự nhiên vô cùng đặc biệt để phát triển vận tải biển nội địa (cách bờ từ 12 hải lý) và vận tải biển quốc tế.

Bên cạnh đó, hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt trên khắp đất nước cũng là một tài nguyên quý giá mà ít quốc gia nào có được. Theo thống kê, Việt Nam có hơn 2.360 con sông và kênh, với tổng chiều dài lên đến 41.900 km. Mật độ sông, kênh trung bình đạt 0,27 km/km², cao nhất trong khu vực. Đây là món quà “trời cho” để phát triển vận tải đường thuỷ nội địa (đường sông và tuyến hành lang ven biển cách bờ không quá 12 hải lý).

Không chỉ vậy, hầu hết cảng biển khu vực miền Bắc, miền Nam kết nối chặt chẽ với các tuyến đường thủy nội địa và các tuyến đường thủy nội địa này đều có kết nối đến tuyến vận tải ven biển thông qua hệ thống 120 cửa sông. Tất cả yếu tố đó giúp Việt Nam có thể phát triển cả vận tải biển và vận tải đường thuỷ - vốn vượt trội về khả năng chuyên chở hàng hoá khối lượng lớn, hàng siêu trường, siêu trọng, đi tuyến đường xa với chi phí thấp.

Khai thác những lợi thế sẵn có của bờ biển Việt Nam, đội tàu của Việt Thuận toả đi theo dòng nước. Là một “đứa con vùng mỏ”, doanh nghiệp cũng tiên phong đóng mới tàu biển chuyên dụng phục vụ vận chuyển than.

Chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính, lãnh đạo Việt Thuận tự hào: “Đồng hành cùng các tập đoàn công nghiệp lớn trong nước như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN),… chúng tôi đóng vai trò tích cực trong chuỗi cung ứng nhiên liệu, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia. Chúng tôi cũng tự hào là đối tác tin cậy của các tên tuổi lớn trên thế giới như GTM, REX (Trung Quốc), Tata (Ấn Độ), Trafigura (Singapore), Wel-Hunt (Đài Loan), Suek (Thụy Sỹ)...”.

Cũng từ suy nghĩ “Cái gì đang có thì mình nên làm” mà Việt Thuận mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực du lịch biển: “Thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam và Quảng Ninh một ‘kho báu’ không đâu có là vịnh Hạ Long. Đây là một vịnh nước sâu với hơn 2.000 hòn đảo lớn nhỏ. Giá trị địa chất độc đáo của vịnh Hạ Long cho phép tàu có trọng tải lớn hoạt động. Vậy tại sao lại không làm?”

Tháng 11/2023 và tháng 5/2024, Việt Thuận lần lượt cho ra mắt Grand Pioneers I và II. “Cặp song sinh” có chiều dài 109,99m, chiều rộng 18,68m, sức chứa lên tới 320 khách, là hai siêu du thuyền thuộc diện lớn và đắt nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Bản thân sự ra đời của bộ đôi cũng dựa trên năng lực sẵn có của kỹ thuật đóng tàu biển Việt Nam khi được đóng mới hoàn toàn tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long thay vì những công ty ở nước ngoài.

Nhà sáng lập Việt Thuận cho biết, ngoài những yếu tố sẵn có về thiên nhiên và con người, quy hoạch và chiến lược phát triển du lịch rõ ràng của tỉnh Quảng Ninh đã tạo ra một môi trường thuận lợi để Việt Thuận mạnh dạn đầu tư.

Cũng theo nhà sáng lập Việt Thuận, không chỉ tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương và đất nước, mỗi bước đi của doanh nghiệp đều gắn liền với chiến lược phát triển bền vững, vừa bảo vệ môi trường vừa nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tàu Việt chở hàng hoá xuất nhập khẩu Việt

Chia sẻ về định hướng phát triển hoạt động vận tải của Việt Thuận trong thời gian tới, nhà sáng lập cho biết doanh nghiệp sẽ tập trung vào chiến lược trẻ hóa đội tàu vận tải đường thủy nội địa theo tiêu chuẩn quốc tế. Những con tàu mới sẽ được trang bị hệ thống kỹ thuật hiện đại, áp dụng các công nghệ tiên tiến, giúp tối ưu hoá hoạt động vận tải, giảm thiểu lượng khí thải và bảo vệ môi trường.

Với việc ứng dụng công nghệ hiện đại, đội tàu mới sẽ có “tuổi thọ” 45-50 năm, lâu hơn hẳn so với các tàu truyền thống chỉ hoạt động khoảng 10-15 năm là hết khấu hao. “Thuyền trưởng” Việt Thuận nhìn nhận, mặc dù chi phí ban đầu cao, nhưng về lâu dài, đây sẽ là khoản đầu tư tiết kiệm.

Bên cạnh việc trẻ hóa đội tàu, Việt Thuận cũng đặt ra tham vọng lớn trong lĩnh vực vận tải biển nội địa và vận tải biển quốc tế. Doanh nghiệp ấp ủ ước mơ cùng đội tàu cả nước đảm đương toàn bộ hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng khối lượng lớn như than, thép và nguyên liệu thô.

Đây là nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào tàu nước ngoài – một vấn đề mà các doanh nghiệp xuất khẩu như Formosa hay Hoà Phát hay các doanh nghiệp nhập khẩu than đang gặp phải. Mỗi năm, các tập đoàn này phải thuê tàu nước ngoài để vận chuyển hàng hoá. Điều này không chỉ khiến họ phải chịu chi phí vận tải cao mà còn phải đối mặt với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng, chậm trễ hàng.

Việt Thuận cũng lên kế hoạch đóng mới hàng loạt các phương tiện vận tải biển, ven biển với tải trọng, mớn nước phù hợp với nhu cầu vận chuyển chở hàng đa dụng, đặc biệt đáp ứng yêu cầu vận chuyển than, hàng rời, thép cuộn, chủ động phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.

Theo nhà sáng lập Việt Thuận, khi đội tàu Việt Nam đảm đương toàn bộ hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam, họ sẽ có cơ hội phát triển rộng hơn ra thế giới. Điều này tạo ra sự chủ động vận tải của quốc gia, bình ổn giá cước, đồng thời đem về nguồn thu ngoại tệ. Xa hơn nữa, sự phát triển của các đội tàu biển này sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia vận tải biển thế giới, tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có.

“Hướng đi đúng của doanh nghiệp sẽ mang về lợi ích kinh tế cho đất nước. Thực tế, với sự phát triển của đội tàu tư nhân, thời gian vừa qua, bất chấp bão chi phí, Việt Nam đã duy trì được mức giá cước vận tải nội địa ổn định, chỉ có giảm mà không có tăng”, đại diện Việt thuận cho hay.

Hành trình di sản

Về du lịch biển, với sự ra đời của cặp siêu du thuyền Grand Pioneers, trước hết, Việt Thuận sẽ phát triển những sản phẩm mới, mang đến những trải nghiệm mới trên vịnh Hạ Long. Doanh nghiệp sẽ thực hiện hải trình 3 ngày 2 đêm, dài gấp 4 lần tour thăm vịnh Hạ Long thông thường, đưa du khách đến những địa danh rất khó tiếp cận như công viên Đá Xếp – nơi được coi là bảo tàng địa chất ngoài trời tồn tại suốt 320 triệu năm hay đảo Đầu Gỗ, đảo Xương Rồng, làng chài cổ Vung Viêng, hang Thiên Cảnh Sơn…. vốn là những địa điểm nằm ngoài vùng lõi mà các tàu du lịch hiện tại đang khai thác.

Nhà sáng lập Việt Thuận chia sẻ, trên cơ sở chiến lược phát triển du lịch xanh và bền vững của tỉnh Quảng Ninh với chính sách quy hoạch không tăng thêm số lượng tàu mà chỉ đóng thay thế tàu cũ, đội tàu du lịch của doanh nghiệp sẽ phát triển theo ngày hướng tiên tiến, hiện đại và bảo vệ môi trường, lấy chất chứ không lấy lượng: “Tôn chỉ đầu du lịch của Việt Thuận là chỉ tồn tại khi bảo vệ và gìn giữ được môi trường, chỉ phát triển khi tôn vinh được giá trị di sản”. Đây là cam kết mạnh mẽ của doanh nghiệp, thể hiện trách nhiệm không chỉ với du khách mà còn với di sản thiên nhiên của đất nước.

Vẫn trên cơ sở tiềm năng bất tận của bờ biển Việt Nam, Việt Thuận sẽ thực hiện các hành trình di sản dọc xuyên Việt, đưa du khách đến những hòn đảo kỳ vĩ dọc đất nước như Trường Sa, Phú Quốc và Côn Đảo.

Trong tầm nhìn của doanh nghiệp, bờ biển Việt Nam không chỉ là nơi tiếp nhận du khách nước ngoài, mà còn là cửa ngõ dẫn ra thế giới. Không dừng lại ở 2 chiếc du thuyền hay dừng lại ở Hạ Long, kế hoạch của Chủ tịch Việt Thuận là một siêu du thuyền có sức chứa 1.000 khách thực hiện hành trình di sản xuyên Việt và quốc tế.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với tham vọng của Việt Thuận nằm ở việc họ phải học cách vận hành mô hình B2C, vốn hoàn toàn khác biệt so với mô hình B2B quen thuộc. Nếu như B2B tập trung vào xây dựng mối quan hệ với các đối tác kinh doanh, thì B2C lại đòi hỏi sự tương tác trực tiếp và liên tục với khách hàng cá nhân, yêu cầu hiểu biết sâu sắc về nhu cầu và kỳ vọng của họ. Đây là một bước chuyển không hề dễ dàng, nhất là đối với một doanh nghiệp đã quen thuộc với thành công trong lĩnh vực vận tải.

Dù vậy, nhà sáng lập Việt Thuận vẫn rất quyết liệt với du lịch, không chỉ vì mục tiêu kinh doanh mà còn vì tình yêu lớn dành Hạ Long và vì một niềm tin rằng: “Có con tàu sẽ có hành trình”.

Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế

Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế

Diễn đàn
Bài viết này thảo luận về vai trò thiết yếu của kinh tế tư nhân trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện phúc lợi xã hội.
Cùng chuyên mục
Tin khác