Công suất điện mặt trời ‘chấp’ cả thế giới, nhu cầu đồng của Trung Quốc tăng mạnh
Thanh Tú -
02/10/2023 17:19 (GMT+7)
(VNF) - Trong khi lĩnh vực bất động sản đang nỗ lực phục hồi sau loạt biến cố, nền kinh tế xanh của Trung Quốc đã cho thấy “sức mạnh đáng gờm” từ đầu năm đến nay, kéo theo nhu cầu về kim loại liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh tăng cao.
Theo Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, nhu cầu về đồng của Trung Quốc đã tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhu cầu về quặng sắt và dầu tăng lần lượt 7% và 6%, tất cả đều vượt dự đoán cả năm của ngân hàng này.
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho rằng cơn sốt đồng của Trung Quốc phần lớn là do việc lắp đặt thiết bị năng lượng mặt trời trên đất liền tăng cao, mà trong năm 2023 đã “bằng mức lắp đặt của tất cả các năm trước”.
Báo cáo tháng 6 của Tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu (Global Energy Monitor) cho thấy các dự án điện mặt trời quy mô lớn tại Trung Quốc có công suất đạt 228 GW, lớn hơn tổng công suất của các quốc gia còn lại trên thế giới.
Các trang trại điện mặt trời đang xây dựng ở Trung Quốc có thể bổ sung khoảng 379 GW vào lưới điện của nước này, lớn gấp 3 lần công suất điện mặt trời của Mỹ và gần gấp đôi công suất của châu Âu.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đang trên đà tăng gấp đôi công suất điện gió và mặt trời trước mục tiêu 2030 của mình 5 năm.
Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đã tăng 4,5% trong tháng 8 so với một năm trước, vượt kỳ vọng tăng trưởng 3,9%. Và trong danh mục đó, giá trị gia tăng của sản xuất thiết bị đã tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, Goldman dự đoán nhu cầu đối với các kim loại này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Nhu cầu dầu của Trung Quốc cũng đang tăng lên nhờ “sự phục hồi nhanh chóng” trong các lĩnh vực dịch vụ sử dụng nhiều dầu như vận tải, mặc dù các nhà phân tích cho biết sự sụt giảm có thể sắp xảy ra.
“Nhu cầu dầu của Trung Quốc được hỗ trợ bởi việc di chuyển trong nước tăng cao kỷ lục, có thể nhận thấy dễ dàng qua tình trạng tắc đường thường xuyên và dữ liệu chuyến bay nội địa tăng lên”, các chuyên gia của Goldman Sachs nhận định.
Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI lĩnh vực sản xuất tháng 9 của Trung Quốc đã tăng lên 50,2 điểm, so với mức 49,7 điểm của tháng 8.
Sản lượng nhà máy và tăng trưởng doanh số bán lẻ đều tăng với tốc độ nhanh hơn, trong khi xuất khẩu và nhập khẩu đều thu hẹp mức giảm. PMI lĩnh vực phi sản xuất tháng 9 đạt 51,7. Tăng mạnh nhất là dịch vụ vận tải đường thủy, bưu chính, tiền tệ và tài chính, đều trên 55.
Theo người phát ngôn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Julie Kozack, đang có một số dấu hiệu ổn định của nền kinh tế Trung Quốc từ những dữ liệu gần đây.
JMF dự đoán GDP của Trung Quốc trong năm nay có thể đạt mục tiêu 5% mà Bắc Kinh đề ra. Ngân hàng Nomura cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay từ mức 4,6% đưa ra trước đó lên 4,8%.
Trong trung hạn, IMF dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc chậm lại ở mức khoảng 3,5%, tuy nhiên vẫn có thể cao hơn nếu thực hiện các bước cải cách nền kinh tế để tái cân bằng tăng trưởng từ đầu tư sang chi tiêu tiêu dùng.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone